Cảnh giác với thuốc đông y trộn tân dược

Lợi dụng tâm lý nhiều người dân rất tín nhiệm các loại thuốc Đông dược vì thuốc dễ uống, ít tác dụng phụ, nhiều cơ sở sản xuất thuốc Đông y vẫn lén lút trộn thuốc tân dược vào, gây tác hại khó lường cho người sử dụng.

Không thể phân biệt bằng mắt thường

 

Tân dược có thể được tán thành bột, trộn vào Đông dược rồi chế thành thành phẩm ở dạng viên, dạng cao lỏng hay dạng thuốc phiến. Vì thế, nhìn bằng mắt thường, người dân khó phát hiện các loại thuốc Đông dược này có trộn thêm thuốc tân dược.

 

Tình trạng này không phải mới xuất hiện mà đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đơn vị chuyên trách của ngành Y tế chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Hơn nữa, việc trộn các tân dược vào Đông dược rất khó phát hiện, ngay cả khi đem kiểm nghiệm, vì trong Đông dược có rất nhiều thành phần, đòi hỏi phương tiện kiểm nghiệm hiện đại và tốn nhiều chi phí.

 

Mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản yêu cầu thu hồi trên toàn quốc thuốc Giải biểu hoàn do Cơ sở thuốc gia truyền lương y Dương Ngô Hiếu (Bắc Giang) sản xuất, vì có chứa hoạt chất tân dược paracetamol với hàm lượng 20,4mg/liều uống. Hoạt chất này có tác dụng giảm đau, hạ sốt. Đây là hoạt chất rất phổ biến và có rất nhiều biệt dược mang tên khác nhau. Điều nguy hại là paracetamol nếu dùng quá liều sẽ gây độc cho gan. Nếu người đang say rượu, người có men gan cao, người bị dị ứng với hoạt chất này khi uống sẽ nguy hiểm. Khi một bệnh nhân đang được thầy thuốc điều trị bệnh trên cơ sở kết hợp Đông - Tây y, mà trong thành phần thuốc Tây được kê đơn đã có paracetamol thì rất có thể bị ngộ độc khi uống thêm loại thuốc Đông y này.

 

Không chỉ có loại thuốc giải cảm, hạ sốt nói trên mà rất nhiều thuốc Đông y khác như thuốc hoàn tán chữa các loại bệnh đái tháo đường, sỏi thận, đau mắt, tiêu hóa... cũng bị trộn thêm các hoạt chất tân dược vào. Một số thầy lang thậm chí còn không có giấy phép hành nghề nhưng vẫn mua thuốc tân dược về nghiền ra thành bột rồi trộn vào bột dược liệu khác, để bào chế thủ công thành các loại viên hoàn Đông y lừa bán cho bệnh nhân.

 

Một số loại thuốc sắc (thang thuốc Đông y) thì được bán kèm theo những gói bột đóng trong túi ni - lông không có nhãn mác, hàm lượng và được căn dặn cho uống kèm thuốc sắc. Đây chính là các hoạt chất thuốc tân dược được các thầy lang mua từ hiệu thuốc Tây về nghiền nhỏ ra rồi đóng túi để bán cho người bệnh.

 

Các tân dược thường được pha chế trong các loại thuốc Đông dược như: thuốc trị cảm cúm cho thêm paracetamol; các thuốc trị bệnh về khớp trộn các thuốc chống viêm corticoid như dexamethasone, prednisolone, thêm thuốc chống viêm không corticoid như: ibuprofen, diclofenac, indomethacin, naproxen, mefenamic acid...; Mới đây, một loại Đông dược được quảng cáo cho người tiêu dùng là thuốc “cường dương” cũng được phát hiện có chứa sildenafil là hoạt chất trị rối loạn cương dương...

 

 

Gây nhiều hậu quả khó lường

 

Hậu quả của việc dùng thuốc Đông y trộn tân dược sẽ rất trầm trọng và khó lường trước được những mối nguy hiểm, vì người bệnh cứ tin chắc rằng đang uống thuốc có nguồn gốc dược liệu nên an toàn và uống kéo dài. Chỉ đến khi bị những tác dụng có hại gây ra rất trầm trọng mới đến bệnh viện thì nhiều khi đã muộn.

 

Các tác dụng có hại của tân dược như: loét dạ dày, gây xốp xương, phù, tăng huyết áp, rậm lông (nếu thuốc Đông y có các hoạt chất corticoid), loét đường tiêu hóa, xuất huyết, dị ứng (các thuốc chống viêm không steroid), buồn ngủ, khô miệng (đối với cyproheptadin), suy gan (đối với paracetamol); sildenafil gây nhức đầu, chóng mặt, khó chịu ở dạ dày, nếu dùng chung với thuốc nhóm nitrate - thuốc trị đau thắt ngực (như nitroglycerin, isosorbid mononitrate, isosorbid dinitrate) gây tụt huyết áp, trụy tim mạch...

 

Một số thầy lang còn ranh ma hơn khi cố tình trộn loại tân dược mà người bệnh đã dùng trước khi tìm đến thuốc Đông y. Trong quá trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như: đái tháo đường, cao huyết áp... nhiều người đã kể lại các loại thuốc tân dược mình từng uống, có mang lại những kết quả nhất định trong việc điều trị bệnh. Sau đó, các thầy lang vườn này tự ý mua tân dược về trộn vào thuốc Đông y trong quá trình sản xuất thuốc viên hoàn để công bố thuốc có tác dụng tương đương như thuốc Tây y.

 

Trường hợp thuốc Thận khí hoàn chữa đái tháo đường được quảng cáo rất kêu là thuốc đặc trị đái tháo đường, được sản xuất từ thảo dược không có kháng sinh. Thuốc uống không có phản ứng phụ, lượng đường xuống nhanh khi đang điều trị. Thật ra, mỗi viên thuốc Thận khí hoàn chứa tân dược glibenclamid với hàm lượng 0,044mg, đây là một loại thuốc chữa đái tháo đường khá phổ biến có rất nhiều biệt dược trên thị trường.

 

Nguy cơ vẫn còn rình rập

 

Việc dùng thuốc Đông dược không an toàn như nhiều người lầm tưởng. Công tác quản lý sản xuất, kinh doanh thuốc Đông dược, dược liệu Y học cổ truyền hiện nay còn nhiều bất cập. Nguồn dược liệu từ các tỉnh về Hà Nội và nhập lậu qua đường tiểu ngạch được tiêu thụ tại các khu chợ tập trung như phố Lãn Ông, Ninh Hiệp không thể kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng, nên có rất nhiều loại dược liệu không thể biết chắc là có an toàn cho người sử dụng hay không.

 

Mặt khác, các dược liệu nhập qua đường tiểu ngạch thường được xử lý chống mốc, chống ẩm bằng hóa chất không rõ nguồn gốc nên đã có trường hợp dùng thuốc Đông y bị dị ứng nặng dẫn đến tử vong. Trong khi đó, cả nước hiện nay chỉ có Viện kiểm nghiệm thuốc trung ương và mạng lưới Trung tâm kiểm nghiệm (tỉnh, thành) mới có phương tiện kiểm nghiệm. Tuy nhiên, không thể kiểm nghiệm hết các loại thuốc Đông được đang lưu hành trên thị trường. Vì vậy, nguy cơ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh của thuốc Đông y vẫn còn hiện hữu.

 

Người bệnh dùng thuốc Đông y cần hết sức thận trọng, vì không hẳn cứ là thuốc Đông y thì an toàn và ít tác dụng phụ hơn thuốc Tây y.

 

Theo ThS. Lê Quốc Thịnh

Sức khỏe & Đời sống