Cảnh báo người bệnh sốt rét có thể bị bỏ sót
(Dân trí) - Mặc dù không có triệu chứng lâm sàng, nhưng bệnh nhân bị chấn thương ở ngón bàn tay do tai nạn lao động và từng đi lao động từ Lào về vẫn được xét nghiệm lam máu. Kết quả bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét.
Bác sĩ Phan Thị Hạnh, chuyên trách công tác sốt rét-ký sinh trùng của Đội Y tế Dự phòng thuộc Trung tâm Y tế thành phố Huế cho biết: trong tháng 4/2010, bệnh nhân Nguyễn D., 39 tuổi, có địa chỉ cư trú tại phường Tây Lộc, thành phố Huế, làm nghề khai thác gỗ, thường đi khai thác lâm sản ở Lào. Trong một đợt lao động trở về, đã bị chấn thương ở ngón bàn tay, phải vào bệnh viện thành phố để điều trị.
Tại khoa ngoại, bác sĩ đã xử lý, điều trị vết thương ngoại khoa. Khi khai thác yếu tố dịch tễ có liên quan, bác sĩ khoa ngoại đã ghi nhận người bệnh đi lao động ở Lào về, thuộc vùng có sốt rét lưu hành nặng đã được cảnh báo nên cho xét nghiệm lam máu tìm ký sinh trùng sốt rét dù bệnh nhân không bị sốt.
Kết quả xét nghiệm lam máu phát hiện người bệnh bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum, thể tư dưỡng, mật độ +++ (FT +++). Bác sĩ khoa ngoại đã làm thủ tục chuyển người bệnh đến khoa nội-nhi-lây để tiếp tục điều trị bệnh sốt rét được phát hiện một cách ngẫu nhiên do sự cảnh giác, cẩn trọng của mình từ yếu tố dịch tễ khai thác được.
Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét đã được Bộ Y tế ban hành, việc chẩn đoán bệnh sốt rét phải dựa vào 3 yếu tố: dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm. Thông thường các bác sĩ chỉ căn cứ vào yếu tố triệu chứng lâm sàng của cơn sốt điển hình hoặc không điển hình và yếu tố xét nghiệm phát hiện ký sinh trùng sốt rét để chẩn đoán bệnh. Việc khai thác yếu tố dịch tễ như người sinh sống hoặc có vào vùng sốt rét lưu hành trong vòng 1 tháng hay có tiền sử sốt rét 2 năm gần đây ít khi được chú ý.
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh