Cảnh báo: Ngại đi khám sẽ không phát hiện sớm được ung thư đại trực tràng
(Dân trí) - Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư đường tiêu hóa có thể phát hiện sớm, tuy nhiên nhiều người ngại đi khám bệnh, dẫn tới việc điều trị khó khăn.
Nhiều trường hợp, khi đến viện, khối u đã rất lớn, hoặc đã ở giai đoạn muộn ung thư đã di căn.
Tầm soát giúp phát hiện sớm bệnh
Ung thư trực tràng là một trong 5 loại ung thư thường gặp tại Việt Nam và trên thế giới. Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm bằng tầm soát ung thư, cơ hội chữa khỏi bệnh lên tới 90%. Tầm soát ung thư chính là chìa khóa để thoát khỏi án tử mang tên ung thư đại trực tràng. Tầm soát giúp phát hiện sớm những polyp, tổn thương tiền ung thư. Từ đó, kịp thời cắt bỏ, ngăn ngừa tiến triển thành ung thư.
Ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm lên đến 92% đối với ung thư đại tràng và 87% với ung thư trực tràng. Vì vậy, việc phát hiện sớm bệnh là điều hết sức quan trọng, ảnh hưởng tiên quyết đến kết quả điều trị. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1/3 bệnh nhân ung thư đại trực tràng được chẩn đoán sớm, còn lại hơn một nửa trong số đó tử vong.
Trên thực tế, ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến, thường xuất hiện ở người trên 40 tuổi. Hiện nay tỷ lệ người Việt Nam mắc bệnh ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa, nhiều người còn e ngại việc đi khám dẫn đến việc phát hiện muộn, nhiều bệnh nhân đến khám khi đã có biểu hiện rõ ràng vì bệnh đã ở giai đoạn di căn nên việc điều trị vô cùng khó khăn. Do đó, người dân nên thực hiện xét nghiệm định kỳ tìm máu ẩn trong phân ngay cả khi mắt thường không nhìn thấy. Đây là một trong 3 cách để phát hiện căn bệnh ung thư đang có chiều hướng gia tăng.
Những người mắc bệnh viêm đại trực tràng mạn tính hoặc trong gia đình có người thân từng mắc ung thư đại trực tràng nên đi tầm soát thường xuyên hơn.
Các triệu chứng cảnh báo ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm các triệu chứng âm thầm, kín đáo nên rất khó phát hiện. Do vậy, khi có một trong các dấu hiệu sau, chúng ta nên tới các cơ sở y tế để được thăm khám:
Đại tiện ra máu lẫn với phân, đại tiện phân màu đen.
Sự rối loạn đại tiện như tiêu chảy, táo bón kéo dài hoặc đi phân mỏng và dẹt như lá lúa.
Cảm giác buồn đi ngoài thường xuyên, đi ngoài không hết phân.
Đau bụng thường xuyên.
Mệt mỏi thường xuyên.
Sút cân không rõ nguyên nhân
Dự phòng ung thư đại trực tràng
Không thể dự phòng hoàn toàn nhưng có thể giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng bằng cách khám sàng lọc và kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được. Một polyp đại trực tràng cần thời gian 10-15 năm để có thể phát triển thành ung thư. Do đó khám sàng lọc là vũ khí quan trọng nhất giúp chẩn đoán sớm và điều trị ung thư đại trực tràng.
Ngoài ra, sàng lọc cũng giúp phát hiện ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm, khi khối u còn nhỏ, chưa xâm lấn, di căn. Khi đó, tỷ lệ sống thêm tương đối sau 5 năm đạt tới 90%.
Ngoài ra, để dự phòng bệnh ung thư cần giảm cân, chữa béo phì bằng cách luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên (tối thiểu 30 phút mỗi ngày). Chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế thịt đỏ và thịt đã qua chế biến công nghiệp. Không uống bia, rượu. Không hút thuốc lá…