Cẩn trọng trước tình trạng suy gan cấp ở trẻ em

Minh Sơn

(Dân trí) - Suy gan cấp ở trẻ em là một tình trạng bệnh lý nguy hiểm ở gan, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng của các bé nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Biểu hiện suy gan cấp ở trẻ em

Ở trẻ em, các cơ quan nội tạng chưa có hoạt động hoàn thiện. Đặc biệt là gan, phổi và hệ tiêu hóa. Quá trình chăm sóc không đúng cách, chế độ ăn không phù hợp đều có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng của các cơ quan này. Trong đó, gan là cơ quan dễ bị tổn thương hơn cả. Trong quá trình chăm sóc con nhỏ, bố mẹ cần lưu ý những biểu hiện bất thường của con:

Những triệu chứng của bệnh suy gan ở trẻ nhỏ

Với trẻ dưới 28 ngày tuổi: biểu hiện không rõ ràng, chỉ yếu là trẻ quấy khóc nhiều, cáu giận, bỏ bú.

Với trẻ hơn: biểu hiện dễ nhận biết là hay cáu giận, bỏ quên đồ, khó ngủ, bỏ ăn, tình trạng nặng có thể ngủ li bì.

Biểu hiện chung ở hầu hết các bé khi bị suy gan cấp là vàng da, vàng mắt. Đây là triệu chứng dễ nhìn thấy nhất. Chỉ cần nhìn thấy biểu hiện vàng da ở con là bố mẹ có thể nghĩ ngay đến tình trạng con mình đang mắc bệnh lý nào đó liên quan đến gan.

Cẩn trọng trước tình trạng suy gan cấp ở trẻ em - 1

Trẻ mệt mỏi, biếng ăn, thậm chí bỏ ăn.

Mức độ nguy hiểm của suy gan cấp tính

Suy gan cấp ở trẻ nhỏ nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến những tình trạng rất xấu về gan. Bệnh có thể tiến triển thành suy gan mãn tính, gan có khả năng đào thải kém khiến sức khỏe của trẻ suy giảm, hệ miễn dịch kém. Suy gan lâu ngày không chữa trị dứt điểm có thể dẫn đến hôn mê gan hoặc gan ngừng hoạt động, đe dọa đến tính mạng của trẻ.

Nguyên nhân gây suy gan cấp ở trẻ em

Gan là cơ quan dễ tổn thương đối với cả người lớn và trẻ nhỏ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy gan ở trẻ em. Trong đó phổ biến là những nguyên nhân sau:

Nhiễm khuẩn do virus

Rất nhiều trường hợp suy gan cấp ở trẻ có nguyên nhân do virus gây nhiễm khuẩn gây ra. Với trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi, nhiễm khuẩn thường do các loại virus, vi khuẩn, ký sinh trùng như: Herpes simplex, Echovirus, Adenovirus, Parvovirus,... Còn với trẻ từ 2 tuổi trở lên, nhiễm khuẩn thường là do virus viêm gan A, B và D, virus Cytomegalo, Leptospirosis,... Tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra âm thầm trong cơ thể trẻ và không phát hiện kịp thời dẫn đến tình trạng suy gan cấp tính.

Cẩn trọng trước tình trạng suy gan cấp ở trẻ em - 2

Suy gan cấp ở trẻ có thể là do virus.

Sử dụng thuốc quá liều cho phép

Trẻ nhỏ thường rất hay phản ứng nhạy cảm với thời tiết nên hay ho, sốt, viêm họng, nhiễm khuẩn đường hô hấp. Trong khi tâm lý của nhiều phụ huynh là thương con và sốt ruột về sức khỏe của con. Từ đó dẫn đến việc lạm dụng các loại thuốc kháng viêm, hạ sốt, giảm đau,... Các loại thuốc này đều được chuyển hóa qua gan, khi dùng quá liều sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng đến chức năng hoạt động của gan.

Những trẻ dùng thuốc kháng sinh dài ngày hoặc thuốc hạ sốt quá liều đều có chỉ số men gan tăng lên rất cao. Tình trạng này kéo dài khiến trẻ bị suy gan cấp. Biểu hiện dễ thấy là bé mệt mỏi, ngủ li bì, suy nhược cơ thể.

Do tình trạng suy gan tự miễn

Nhiều trường hợp suy gan cấp ở trẻ em có nguyên nhân là do viêm gan tự miễn. Sự rối loạn trong hệ miễn dịch cùng với hội chứng thực bào máu khiến chức năng gan suy giảm nghiêm trọng.

Một số nguyên nhân khác

Cơ thể trẻ nhạy cảm nên khi có bất cứ sự bất thường nào bên trong các cơ quan đều có sự ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bé. Gan là cơ quan dễ phải chịu nhiều ảnh hưởng hơn cả. Suy gan cấp ở trẻ nhỏ đôi khi còn do nguyên nhân từ hệ tim mạch với hội chứng thiểu sản tim trái, viêm cơ tim. Suy gan cũng có thể do biến chứng của bệnh Wilson, rối loạn chuyển hóa acid amin, rối loạn chuỗi hô hấp tế bào, rối loạn chuyển hóa sắt sơ sinh,…

Cẩn trọng trước tình trạng suy gan cấp ở trẻ em - 3

Cho trẻ dùng thuốc quá liều có thể gây suy gan cấp tính.

Chẩn đoán và điều trị suy gan cấp ở trẻ

Việc theo dõi và phát hiện sớm các triệu chứng bất thường của trẻ rất quan trọng. Vì suy gan cấp tính là tình trạng gây nguy hiểm đến tính mạng của bé. Trẻ cần được chẩn đoán sớm và điều trị sớm nhất có thể, giúp phục hồi lại chức năng gan.

Phương pháp chẩn đoán suy gan cấp tính

Khi thấy bé có những biểu hiện bất thường như: vàng da, vàng mát, nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi, bỏ ăn, ngủ li bì,... cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế uy tín để khám. Trẻ sẽ được chỉ định lấy một lượng máu nhất định để thực hiện xét nghiệm chỉ số men gan và các chỉ số liên quan khác. Đồng thời có thể chỉ định thêm siêu âm để phát hiện những hình ảnh bất thường ở gan và các cơ quan nội tạng khác.

Cẩn trọng trước tình trạng suy gan cấp ở trẻ em - 4

Cần lưu ý trong quá trình chăm sóc trẻ phòng tránh bệnh suy gan.

Điều trị suy gan cấp ở trẻ

Việc điều trị suy gan cấp ở trẻ em được xác định phương pháp và phác đồ điều trị theo nguyên nhân được tìm ra. Dựa trên nguyên nhân gây suy gan, các bác sĩ sẽ có liệu trình điều trị như sau:

Chăm sóc tại nhà: áp dụng với trường hợp bé bị suy gan do virus và có khả năng tự khỏi được. Phương pháp điều trị là kết hợp chăm sóc, trị liệu và sử dụng thuốc khi cần thiết để bé phục hồi sức khỏe.

Điều trị bằng thuốc: với những trường hợp suy gan cấp do bệnh lý hoặc do tác dụng phụ của thuốc, chỉ số men gan cao, trẻ sẽ phải nằm viện theo dõi điều trị dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa. Bé được chỉ định dùng thuốc tiêm, truyền hoặc uống để hạ men gan và phục hồi chức năng gan.

Ghép gan: có đến 40% số trường hợp trẻ bị suy gan cấp tính nặng không rõ nguyên nhân phải được chỉ định ghép gan để kéo dài sự sống. Đây là trường hợp nặng và không ai mong muốn xảy ra.

Có thể thấy, suy gan cấp ở trẻ khi không được phát hiện và điều trị kịp thời thì gây nên hậu quả nghiêm trọng đến mức nào. Do vậy, với những trẻ có nguy cơ bị suy gan thì việc chăm sóc cần phải đặc biệt lưu ý. Chế độ sinh hoạt hàng ngày cần tuân thủ nguyên tắc cung cấp đủ dinh dưỡng, hoạt động thể lực thường xuyên, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Theo dõi và khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện, điều trị ngay những tình trạng bất thường ở gan, bảo vệ sức khỏe lâu dài cho bé.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm