1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Căn bệnh Trấn Thành mắc có nguy hiểm không?

Nam Phương

(Dân trí) - Nghệ sĩ Trấn Thành mới đây tiết lộ anh bị giãn tĩnh mạch ở chân do phải đứng dẫn chương trình trong thời gian dài. Vậy căn bệnh này nguy hiểm như thế nào? Đâu là nguyên nhân dẫn đến bệnh?

Xuất hiện trong hậu trường chương trình Siêu tài năng nhí mới đây, Trấn Thành cho biết thời gian qua anh ít khi xuất hiện ở các chương trình truyền hình. Trong đó một phần lý do anh muốn nghỉ ngơi nhiều hơn vì thấy sức khỏe của mình đang lên tiếng.

Theo đó, nam nghệ sĩ đã tiết lộ bản thân đang bị giãn tĩnh mạch ở chân. Đây cũng là kết quả của việc phải đứng dẫn chương trình trong thời gian dài.

Căn bệnh Trấn Thành mắc có nguy hiểm không? - 1

Nghệ sĩ Trấn Thành tại gameshow "Siêu tài năng nhí" (Ảnh: Ban Tổ chức).

TS.BS Nguyễn Ngọc Cương, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp điện quang, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, giãn tĩnh mạch mạng nhện và giãn tĩnh mạch nông là những dạng khác nhau của một tình trạng y học gọi là suy tĩnh mạch.

Đây là bệnh rất thường gặp, đặc biệt cùng với gia tăng tuổi thọ trung bình của người dân. 

"Khi có tuổi, phần đông chúng ta nhận ra những đường chằng chịt màu tím hoặc những mạch màu xanh phình lên ở đùi, cẳng chân, mắt cá trong... Những mạch máu này xuất hiện ở 60% số người lớn", BS Cương cho biết.

Giãn tĩnh mạch mạng nhện là các mạch máu nhỏ nằm ngay dưới da có màu đỏ, xanh hoặc tím chạy ngoằn ngòeo hình mạng nhện và không nổi lên bề mặt da. Kích thước các mạch mạng nhện rất nhỏ, thường khoảng 1-2 mm.

Căn bệnh Trấn Thành mắc có nguy hiểm không? - 2

Giãn tĩnh mạch nông và giãn tĩnh mạch mạng nhện (Ảnh: B.S).

Giãn tĩnh mạch nông là các mạch máu lớn hơn (>2mm) giãn và nổi gồ lên bề mặt da. Các tĩnh mạch nông này cũng chạy ngoằn ngòeo và dễ dàng nhìn bằng mắt thường. 

Cả giãn tĩnh mạch nông và giãn tĩnh mạch mạng nhện có thể gặp ở mọi nơi trong cơ thể nhưng thường gặp nhất ở chân. Nhiều người hay gọi chung là giãn tĩnh mạch chân.  

Theo BS Cương, bất cứ ai cũng có thể bị giãn tĩnh mạch chân nhưng nữ giới dễ mắc phải gấp 2 lần nam giới do nữ giới phải chịu gánh nặng sinh nở. Người có thói quen đứng lâu ở một tư thế do yêu cầu nghề nghiệp, người ít vận động, nhân viên văn phòng ngồi nhiều… cũng thuộc nhóm nguy cơ cao.

Ngoài triệu chứng rối loạn nuôi dưỡng ở chân (đổi màu da, chàm, loét…) bệnh giãn tĩnh mạch có thể hình thành các cục máu đông do dòng chảy chậm bên trong lòng tĩnh mạch. Cục máu đông có thể nằm tại chỗ gây tắc tĩnh mạch hoặc di chuyển vào tuần hoàn tĩnh mạch sâu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh rất dễ chẩn đoán, với đặc trưng là các mạch máu giãn ngoằn ngòeo dưới da hoặc các tĩnh mạch chìm dưới da như mạng nhện. Trong một số trường hợp, bệnh có thể gây đau tức hoặc bó cứng ở chân. Khu vực bị ảnh hưởng có thể đau, rát, ngứa, hoặc cảm thấy nặng nề.

Các triệu chứng trên thường vào cuối ngày khi người bệnh sau một ngày dài ở tư thế đứng và triệu chứng gần như mất đi vào buổi sáng sớm khi ngủ dậy.

Một số các tĩnh mạch bị giãn nặng có thể bị đau khi chạm vào do biến chứng tổn thương thần kinh xung quanh mạch. Chúng cũng có thể gây ra những thay đổi về da mãn tính như sự đổi màu và loét da.

Căn bệnh Trấn Thành mắc có nguy hiểm không? - 3

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả tình trạng giãn tĩnh mạch chân (Ảnh: B.S)

Điều trị giãn tĩnh mạch chân như thế nào?

Để phát hiện sớm bệnh và để đánh giá nhánh tĩnh mạch nào bị suy giãn thì cần phải siêu âm doppler tĩnh mạch.

Qua đó, bác sĩ có thể biết chính xác mức độ bệnh nặng hay nhẹ, mạch máu nào bị tổn thương, các biến thể giải phẫu nối thông tĩnh mạch nông với tĩnh mạch sâu… Đây cũng là cơ sở để lựa chọn phương pháp điều trị.

Việc điều trị có thể là uống thuốc, bôi thuốc ngoài da, đeo bít tất dài, thay đổi lối sống.

"Mấu chốt của bệnh là sự bất động chân ở một tư thế kéo dài, vì thế, vận động là giải pháp để thay đổi. Nếu có thể, người bệnh hãy cử động các khớp cổ chân, bắp chân, đùi… ngay cả khi đứng hay ngồi làm việc", BS Cương cho biết.

Bên cạnh đó, giảm cân và đi bộ thường xuyên có thể giảm nhẹ những biến chứng của bệnh. Ngoài ra, có một số bài tập để tăng cường khả năng đẩy máu về tim có thể áp dụng cho cả những người đang phải làm việc ở văn phòng hoặc người đang ở tư thế đứng làm việc… 

Nếu biện pháp khắc phục tại nhà không mang lại đủ sự cải thiện, bệnh nhân có thể được chỉ định can thiệp bằng tiêm xơ, chiếu laser ngoài da, phẫu thuật lột tĩnh mạch…