Các bệnh do vi khuẩn phế cầu và cách phòng ngừa từ "Hiệp sĩ chống dịch"
(Dân trí) - Những bệnh gây ra do vi khuẩn phế cầu rất nguy hiểm và được các bậc phụ huynh có con nhỏ đặc biệt quan tâm, lo lắng.
Gần đây, AloBacsi đã phối hợp cùng Hội Y học Dự phòng, Ths. BS Trương Hữu Khanh và Ths BS Nguyễn Hiền Minh thực hiện chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề: 1001 thắc mắc về các bệnh do phế cầu khuẩn và vắc xin phòng ngừa. Cùng điểm nhanh những nội dung quan trọng và bổ ích trong chương trình này.
Hiểu rõ về phế cầu khuẩn để bảo vệ con từ sớm
Viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa và nhiễm trùng máu là những căn bệnh nguy hiểm thường gặp do vi khuẩn phế cầu gây ra và để lại rất nhiều hậu quả nặng nề. Tại buổi tọa đàm, ThS.BS. Trương Hữu Khanh đã chia sẻ rõ hơn về "kẻ ác" này: "Vi khuẩn phế cầu được phát hiện đầu tiên là gây ra bệnh viêm phổi, sau đó được nghiên cứu và chỉ ra rằng đây là vi khuẩn tồn tại nhiều ở vùng mũi họng. Chúng có thể xâm lấn bất kỳ lúc nào vào cơ thể chúng ta và gây ra nhiều bệnh khác nhau, nguy hiểm có thể kể đến viêm tai giữa, viêm mũi họng, viêm phổi, và từ phổi có thể gây nhiễm trùng máu, và từ họng có thể lên viêm màng não"
Bác sĩ còn cho biết con đường lây lan của phế cầu khuẩn rất dễ dàng: "Khi nói chuyện, vi khuẩn có thể phát tán sang người khác, và đặc biệt là khi tiếp xúc với em bé. Vì em bé có hệ miễn dịch kém, ngay từ 2 - 3 tháng tuổi là phế cầu khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể em bé và gây bệnh. Không phải tất cả mọi người tiếp xúc với phế cầu đều gây bệnh, mà phụ thuộc vào sức khỏe, lứa tuổi, và có chích ngừa hay chưa. Lứa tuổi mang gánh nặng nhiều nhất là trẻ nhỏ duới 12 tháng tuổi. Khi trẻ bị thì bệnh rất nặng, nếu không may bị viêm màng não th hệ thống màng não rất dễ dính vào nhau và để lại hậu quả nghiêm trọng."
Những bệnh gây ra do phế cầu khuẩn rất nguy hiểm vì chúng không có triệu chứng đặc trưng và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. ThS.BS Trương Hữu Khanh cho biết: "Các bệnh do phế cầu khuẩn không có triệu chứng đặc trưng, mà rất giống với các bệnh khác. Nếu 1 em bé bị đau tai, chảy mủ tai, khóc thét ban đêm, và kéo vành tai lên bé khóc thêm thì khả năng viêm tai rất nhiều, mà viêm tai khả năng là do phế cầu khuẩn. Còn viêm màng não thì phải lấy dịch não tủy cấy máu ra mới xác thực được, nhưng đối với viêm màng não hiện nay, sau khi đã chích ngừa HI (trong chương trình tiêm chủng mở rộng) thì trên 70-80% là do phế cầu. Viêm phổi do phế cầu có tỷ lệ khá cao (60-70%), đặc biệt trong viêm phổi do phế cầu sẽ có hình ảnh viêm phổi thùy. Nhiễm trùng máu theo lý thuyết có triệu chứng là sốt cao, lạnh run, đau nhức mình mẩy và kèm theo tổn thương phổi hay viêm màng não, nhưng phải cấy dịch trong cơ thể để biết được là do phế cầu. Còn triệu chứng đặc thù do phế cầu thì không có"
Chủng ngừa vắc xin phế cầu: "thần chú" từ các "hiệp sĩ chống dịch"
Theo các chuyên gia hàng đầu về phòng chống dịch bệnh, phương pháp hữu hiệu giúp bảo vệ bé khỏi các bệnh do phế cầu khuẩn chính là chủng ngừa vắc xin phế cầu từ sớm. Thậm chí, ThS. BS Trương Hữu Khanh còn có câu "thần chú": "ăn đủ chất, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, chích ngừa đầy đủ" trong việc phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe của bé.
ThS.BS Nguyễn Hiền Minh khuyến nghị: "Trẻ có thể tiêm vaccine phế cầu khuẩn từ 6 tuần tuổi. Độ tuổi được khuyến cáo tiêm phế cầu khuẩn là trong khoảng từ 6 tuần - 5 tuổi và bạn nên hoàn tất lịch tiêm đầy đủ cho con để hiệu quả bảo vệ đối với phế cầu khuẩn là cao nhất. Đối với trẻ từ 6 tuần đến 7 tháng sẽ có 3 mũi tiêm cơ bản và có 1 mũi nhắc. Trẻ từ 7 tháng đến 1 tuổi sẽ có 2 mũi tiêm cơ bản cách nhau tối thiểu là 1 tháng và sau đó mũi nhắc cách mũi cuối là 2 tháng, và thường tiêm khi trẻ hơn 1 tuổi. Đối với trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi, trẻ có 2 mũi tiêm cơ bản cách nhau khoảng 2 tháng. Sau khi hoàn thành tiêm đầy đủ cho con thì con sẽ được bảo vệ trong thời gian dài".
Buổi tọa đàm trực tuyến đã thu hút được đông đảo các bậc cha mẹ cùng tham gia để cập nhật kiến thức và được giải đáp những thắc mắc trong hành trình chăm sóc sức khỏe con. Điều quan trọng nhất là dù vi khuẩn phế cầu vô cùng nguy hiểm nhưng cha mẹ vẫn có thể xây dựng rào chắn bảo vệ bé yêu bằng cách cho con được chủng ngừa từ sớm, theo đúng phương châm: Phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Các bệnh Viêm màng não, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm tai giữa tuy rất nguy hiểm và dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa. Hãy hỏi bác sĩ để bảo vệ con bạn khỏi kẻ xấu đáng gờm này nhé!
Bên cạnh đó, phụ huynh có thể tìm hiểu thêm thông tin và cách phòng ngừa các bệnh lý do phế cầu khuẩn gây ra trên trang web 5anhemnhasieu.com