Buông lỏng an ninh bệnh viện “tiếp tay” nạn bạo hành y tế

(Dân trí) - An ninh bị buông lỏng dẫn tới hàng loạt vụ bạo hành nhân viên y tế, thanh trừng lẫn nhau giữa các nhóm giang hồ ngay trong bệnh viện. Ngoài quy định nghĩa vụ của người bệnh và thân nhân, Bộ Y tế đề nghị sự hợp tác từ cơ quan công an tại các bệnh viện.

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người bệnh ngày càng cao nhưng tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, nhất là bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nhi đồng I, Nhi đồng II và các chuyên khoa Tim mạch, Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình, Sản, Nhi, Hô hấp, huyết học, nội tiết… chưa được cải thiện triệt để, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn mà còn gây bức xúc cho người bệnh và thân nhân.

Buông lỏng an ninh bệnh viện “tiếp tay” nạn bạo hành y tế - 1

Quá tải bệnh viện luôn tiềm ẩn những mâu thuẫn giữa bệnh nhân, thân nhân và cơ sở cung cấp dịch vụ

Chất lượng dịch vụ y tế ở các cơ sở y tế tuyến dưới chưa được cải thiện căn bản, chưa đáp ứng được niềm tin của người dân nên người bệnh luôn có tâm lý muốn tập trung lên tuyến cao hơn. Trong khi đó các cơ chế quản lý, cơ chế tự chủ tài chính và mặt trái của thị trường khiến các bệnh viện muốn “giữ chân” người bệnh, thêm vào đó thái độ của nhân viên ý tế thiếu tế nhị, quan liêu trong tiếp xúc, ứng xử đã gây ra những cơn “sóng ngầm” trong mối quan hệ giữa bệnh nhân, thân nhân người bệnh với y bác sĩ, nhân viên y tế. 

Bệnh viện là nơi tiếp nhận, chăm sóc, điều trị cho mọi đối tượng bị bệnh tật, thương tích, nạn nhân từ những vụ ẩu đả do mâu thuẫn thường nhập viện cấp cứu. Nhiều nhóm giang hồ lợi dụng sự yếu kém về an ninh trong bệnh viện đã kéo đến truy sát bệnh nhân trước sự bất lực của cán bộ, nhân viên y tế và những phản ứng yếu ớt từ lực lượng bảo vệ bệnh viện. 

Trong tất cả các vụ việc, nhóm dễ bị tổn thương và lãnh hậu quả nặng nề nhất chính là nhân viên y tế trong bệnh viện. Họ đang phải đối mặt với những trận đòn vô cớ từ chính bệnh nhân, thân nhân người bệnh và chịu cả tai họa từ các vụ thanh trừng lẫn nhau giữa các nhóm giang hồ. Nạn bạo hành nhân viên y tế đã và đang bị lên án nhưng chưa giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng về cả số lượng và tính chất nghiêm trọng. 

Theo số liệu từ Cục Quản lý khám chữa bệnh, những vụ điển hình về nạn bạo hành y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh gần đây, đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (70%) và điều dưỡng (15%). 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh (chiếm tới 60%) và 30% số vụ xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh, người nhà người bệnh. Đối tượng bạo hành nhân viên y tế khá phức tạp từ người nhà bệnh nhân, người đi cùng người bệnh bị kích động hoặc bức xúc do không thông cảm, không hiểu hết quá trình thăm khám điều trị của bác sĩ, nhân viên y tế, dẫn đến hành hung.

Theo nhận định của Bộ Y tế tại Hội nghị tổng kết 9 năm thực hiện Luật khám chữa bệnh (ngày 29/7 tại TPHCM) thì: Vấn đề an ninh bệnh viện mới được tiếp cận dưới góc độ quy định các quyền và nghĩa vụ của người bệnh, quyền và nghĩa vụ của người hành nghề, quyền và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh nhưng chưa có quy định cụ thể về các biện pháp bảo đảm an ninh bệnh viện. Những biện pháp tổ chức bảo đảm an ninh chung, sự tham gia của lực lượng công an trong bảo đảm an ninh bệnh hay vấn đề kinh phí cho hoạt động an ninh đang bị bỏ ngỏ. 

Mặc dù những năm qua ngành y tế đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai các biện pháp tăng cường an ninh bệnh viện, bảo đảm an toàn cho người hành nghề như: ký kết Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế (số 03/QC-BCA-BYT ngày 26/9/2013); Quy chế phối hợp giữa Cục Quản lý khám, chữa bệnh với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an (ngày 23/1/2019); tổ chức các diễn đàn, chương trình truyền thông về bảo đảm an ninh bệnh viện… nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi. 

Buông lỏng an ninh bệnh viện “tiếp tay” nạn bạo hành y tế - 2

Vụ tài xế xe cứu thương xô xát với lực lượng bảo vệ xảy ra tại Bệnh viện Nhân Dân 115

Bộ Y tế cho rằng, cần quy định chặt chẽ các hành vi bị nghiêm cấm đối với người bệnh và thân nhân bệnh nhân như: Thoái thác nghĩa vụ đóng viện phí gây khó khăn cho cơ sở; cấm lưu trú trong cơ sở y tế không vì mục đích khám chữa bệnh; cấm sử dụng rượu bia khi đi khám chữa bệnh; cấm đập phá tài sản, cấm bạo hành nhân viên y tế dưới mọi hình thức; cấm tự ý xâm nhập vào khu vực chuyên môn của nhân viên y tế.

Bên cạnh quyền tôn trọng, bảo vệ sức khỏe, được quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh thì người bệnh phải có nghĩa vụ đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, môi trường làm việc cho nhân viên y tế cũng như người sử dụng dịch vụ y tế khác tại bệnh viện. Với thực trạng người nhà bệnh nhân và một số đối tượng khác gây mất trật tự và bạo hành tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị cần bổ sung những quy định, nghĩa vụ đối với tất cả các đối tượng đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chứ không chỉ là người bệnh. Đồng thời vì môi trường cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là một trường đặc biệt phải có tình tiết tăng nặng khi có vi phạm. 

Bổ sung một số nội dung liên quan đến các biện pháp bảo đảm an ninh bệnh viện khác như các biện pháp tổ chức bảo đảm an ninh chung, sự tham gia của lực lượng công an trong bảo đảm an ninh bệnh hay vấn đề kinh phí bảo đảm cho hoạt động an ninh trật tự trong bệnh viện để bảo vệ nhân viên y tế, bảo vệ sự an toàn trong suốt quá trình điều trị cho bệnh nhân.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm