1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Buồn tủi nghề điều dưỡng Việt Nam: Bị xem như "osin", giúp việc cho bác sĩ

Hoàng Lê

(Dân trí) - Đa số người dân vẫn suy nghĩ điều dưỡng là giúp việc cho bác sĩ chứ không góp phần hồi phục sức khỏe người bệnh. Tổ chức Y tế thế giới dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 50.000 điều dưỡng.

Thông tin trên được cho biết tại buổi ra mắt dự án sách "Những đóa hoa kiên cường - Chuyện nghề điều dưỡng", diễn ra tại TPHCM ngày 30/5.

Bà Lê Ngọc Anh Phượng, Giám đốc truyền thông, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ cho biết, hiện nay nghề điều dưỡng phải đối mặt với nhiều định kiến xã hội, khiến nhiều người e ngại khi chọn ngành này.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ trung bình điều dưỡng trên một vạn dân của Việt Nam là 11,4. Tỷ lệ này chưa bằng một nửa so với toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 50.000 điều dưỡng để đảm bảo đáp ứng tốt cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Buồn tủi nghề điều dưỡng Việt Nam: Bị xem như osin, giúp việc cho bác sĩ - 1

Điều dưỡng chăm sóc trẻ sơ sinh tại một bệnh viện chuyên khoa sản nhi (Ảnh: Hoàng Lê).

Chị Trần Ngọc Lê, điều dưỡng trưởng một bệnh viện ở TP Cần Thơ chia sẻ, đa số người Việt vẫn còn suy nghĩ điều dưỡng là phụ tá, giúp việc cho bác sĩ chứ không phải người góp phần hồi phục sức khỏe người bệnh. Hầu hết người bệnh khi xuất viện cũng chỉ nhớ bác sĩ, còn điều dưỡng luôn là "cái bóng thầm lặng".

Do đó, buồn tủi là cảm giác mà hầu hết điều dưỡng viên từng trải qua. Chị Ngọc Lê hy vọng, sẽ có một ngày những điều dưỡng Việt Nam được mọi người công nhận sự đóng góp.

Còn chị Phạm Thị Bích Thủy, điều dưỡng ở khoa Thận - Tiết niệu kể, vừa đi thực tập đã bị bệnh nhân quát "làm tao đau, tao đánh mày đó". Có nhiều lần nước mắt chị lăn dài trên má vì áp lực gia đình, công việc, vì sự bất lực khi chứng kiến bệnh nhân ra đi. Bản thân chị mong ước nhận được sự hỏi thăm của người bệnh, dù đơn giản nhưng là sự động viên rất lớn để tiếp tục với nghề.

Buồn tủi nghề điều dưỡng Việt Nam: Bị xem như osin, giúp việc cho bác sĩ - 2

Buồn tủi là cảm giác mà hầu hết điều dưỡng viên từng trải qua, khi bị nghĩ là giúp việc cho bác sĩ (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Kể lại chuyện đời mình, chị Trần Thị Ánh Mỹ, làm việc tại khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, khi nghe con báo sẽ chọn thi ngành Điều dưỡng, chị đã bị cha đánh, không đồng ý cho học và nói rằng nghề này không khác gì "osin". May mắn là sau đó, chị vẫn quyết tâm theo học và vượt qua bao khó khăn để có nghề nghiệp ổn định, khiến người cha sau đó phải hối hận thay đổi suy nghĩ.

Bà Lữ Mộng Thùy Linh, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Điều dưỡng trưởng Sở Y tế TPHCM thông tin, khi Thành phố bùng phát dịch bệnh vào tháng 7/2021, các hoạt động khám chữa bệnh bị gián đoạn. Đây là lần đầu tiên, TPHCM đã huy động lực lượng đông đảo nhất, bao gồm cả khối y tế tư nhân tham gia chống dịch.

Buồn tủi nghề điều dưỡng Việt Nam: Bị xem như osin, giúp việc cho bác sĩ - 3

Điều dưỡng Việt Nam cần được công nhận sự đóng góp trong chăm sóc sức khỏe người bệnh (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Khi tiến hành các đợt tiêm chủng, khi thành lập các bệnh viện dã chiến, đội ngũ điều dưỡng đóng vai trò quan trọng nhất, không chỉ chăm sóc mà còn động viên tinh thần rất nhiều cho bệnh nhân. Nhưng khi TPHCM quay trở lại khám chữa bệnh thông thường, địa phương lại bắt đầu đối diện với việc thiếu hụt điều dưỡng. Trước nhiều khó khăn phải đối mặt, một số điều dưỡng đã phải nghỉ việc.

Bà Thùy Linh chia sẻ, sau đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Ban Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã đề nghị các bộ phận chức năng ghi nhận, thu thập lại tất cả hình ảnh, tư liệu về hệ thống y tế, việc chăm sóc sức khỏe người dân làm bài học kinh nghiệm.

Điều dưỡng trưởng Sở Y tế TPHCM nhận định, dự án "Những đóa hoa kiên cường" không chỉ là sự tri ân, công nhận nghề điều dưỡng mà còn góp phần tạo điều kiện để phát triển lực lượng điều dưỡng cho ngành y. Do đó sắp tới, dự án có thể được xem xét triển khai, mở rộng.

Theo thống kê từ Sở Y tế TPHCM, 3 tháng đầu năm 2022 có 400 nhân viên y tế ở địa phương đã xin nghỉ. Trước đó trong 10 tháng mùa dịch Covid-19, có gần 1.000 y bác sĩ, điều dưỡng nghỉ việc. Các nguyên nhân được thống kê là do hoàn cảnh gia đình, yếu tố cá nhân…

Để khắc phục tình trạng trên, Sở Y tế TPHCM đã tham mưu đến thành phố các chính sách để hỗ trợ cho nhân viên y tế, nhất là nhân viên y tế tuyến cơ sở. Sau kỳ họp Hội đồng nhân dân khóa X, HĐND đã thông qua một số chính sách đặc thù để củng cố, nâng cao năng lực Trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid 19. 

Trong đó, đối với điều dưỡng, hộ sinh đang trong thời gian thực hành tại Trạm Y tế được hỗ trợ 30 triệu đồng trong 9 tháng. Với mức hỗ trợ trên, UBND thành phố kỳ vọng hàng năm có thể thu hút 100 điều dưỡng, hộ sinh tham gia chương trình.