Bùng nổ thị trường tế bào gốc
Việc nghiên cứu tế bào gốc (stem cells) cũng như các ứng dụng của loại tế bào này đã phải trải qua một thời gian dài bị kìm hãm do những mối lo ngại liên quan đến vấn đề đạo đức trước khi tạo thành một thị trường rộng lớn, đa dạng như hiện nay.
Bình minh của kỷ nguyên mới
Tế bào là đơn vị căn bản của sự sống trên hành tinh này. Mọi sinh vật đều được cấu thành bởi các tế bào. Thân thể con người được cấu thành bởi hàng tỉ tỉ tế bào: tế bào xương, tế bào da, tế bào gan, tế bào óc… Tế bào gốc là một loại tế bào đặc biệt. Được gọi là gốc (stem), vì một trong những đặc tính của chúng là có thể sinh sản ra những tế bào chuyên biệt.
Bởi thế, khi chúng ta đang phát triển, bị bệnh hay bị thương, tế bào gốc phải làm việc để tạo ra các tế bào mới hoặc để cấu tạo một bộ phận hay một mô hoặc để sửa chữa một bộ phận hay một mô bị hư hại. Việc nghiên cứu tế bào gốc, sử dụng các tế bào gốc trong phòng thí nghiệm để cố gắng chữa lành các bộ phận và các mô bị hư hại trong cơ thể con người nhờ cơ chế biến các tế bào gốc của người trở thành các tuyến tế bào (cell lines).
Cơ thể con người được cấu thành nhờ khoảng 220 tuyến tế bào: tế bào xương, tế bào bắp thịt, tế bào óc, tế bào gan… Nhờ những liệu pháp dựa trên tế bào gốc của con người mà người mù sẽ nhìn thấy trở lại; người liệt sẽ đi đứng được và bệnh nhân mắc chứng máu loãng (bệnh huyết hữu) sẽ không còn chảy máu nữa. Nói cách khác, tế bào gốc mở ra một hướng phát triển mới, biện pháp chữa trị mới với những căn bệnh đến giờ vẫn vô phương cứu chữa, có ý nghĩa thắp sáng hy vọng về tiềm năng y học của kỹ thuật tái sinh.
Nghiên cứu tế bào gốc từ phôi thai bị nhiều người ở nhiều giới phản đối gay gắt vì vi phạm đạo đức
Các nhà khoa học đề cập đến đủ loại tế bào gốc cũng như kỹ thuật để tạo ra chúng, nhưng căn cứ về nguồn gốc thì có thể xếp thành 2 loại: Tế bào gốc lấy từ trong bào thai và tế bào gốc đa năng cảm ứng (induced pluripotent stem cells - iPS) trích từ các tế bào cơ thể bình thường.
Tế bào gốc lấy từ trong bào thai là loại tế bào được cho là đa năng đa dụng trong khoa học nghiên cứu về tế bào gốc để chữa bệnh cho người. Người ta lấy các loại tế bào này từ trong các bào thai ở giai đoạn sớm nhất và chúng có đặc tính chuyên nhất là có thể phát triển thành bất cứ một tế bào nào khác trong số trên 200 loại tế bào nơi cơ thể con người. Bởi thế mà chúng được coi như loại lý tưởng để phục hồi các tế bào bị nhiễm bệnh, chúng có thể sửa chữa lại đường dây thần kinh nơi cột sống bị hư hại hoặc bổ sung thêm số tế bào còn khiếm khuyết trong não bộ con người. Nhưng cũng vì phải lấy các tế bào gốc này từ các phôi cho nên với những ai chủ trương rằng, đời sống khởi đầu lúc cái thai thành hình thì đụng vào các tế bào gốc đó chả khác gì giết một đứa trẻ sơ sinh. Đây rõ ràng là một vấn đề liên quan đến đạo đức, niềm tin tôn giáo và là lý do khiến việc nghiên cứu tế bào gốc phôi thai bị nhiều giới, từ Giáo hội công giáo đến chính trị gia phản đối gay gắt.
Trong khi đó, iPS được coi như là thứ “nước suối cải lão hoàn đồng”. Bằng cách đưa các “gien”, dẫn đến những tế bào thuộc dạng đa năng trong bào thai vào những tế bào nơi lớp da con người ta chẳng hạn thì người ta kỳ vọng là chúng sẽ biến hóa thành các tế bào tim mới hoặc các tế bào mới cho những bộ phận khác. Cái lợi của loại tế bào này là vì nó xuất phát từ các “gien” cho nên người ta không cần lấy từ các phôi.
Những ứng dụng thành công dựa trên iPS đã mang lại bình minh của kỷ nguyên mới cho lĩnh vực y học tế bào gốc, đặc biệt từ năm 2009, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama ký một sắc lệnh cho phép rót tiền liên bang vào lĩnh vực nghiên cứu tế bào phôi gốc mở rộng, chấm dứt cái thông tin là “một lựa chọn sai lầm khoa học chân chính và các giá trị đạo đức”. Ngay như ở Việt Nam, cách đây 10 năm, cũng đã thành lập trung tâm máu cuống rốn đầu tiên ở Bệnh viện Huyết học Truyền máu TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn có Ngân hàng Tế bào gốc MekoStem tại TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương tại Hà Nội… nhận lưu giữ nguồn tế bào gốc từ máu cuống rốn.
Cuộc chơi của những người nhiều tiền
Việc nghiên cứu tế bào gốc đòi hỏi những phương tiện, kiến thức chuyên môn cùng thiết bị vốn không hề rẻ chút nào, sánh ngang với chi phí nghiên cứu về nguyên tử lực, điện tử. Do đó, các chi phí chữa trị theo liệu pháp này cũng vô cùng đắt đỏ, bởi ngay từ khâu lưu giữ tế bào gốc cũng đã rất tốn kém.
Ở Việt Nam, theo ông Trần Ngọc Quế, Phó giám đốc Trung tâm tế bào gốc - Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, tại bệnh viện này, chi phí để lưu máu cuống rốn trong ngân hàng tế bào gốc là khoảng 25 triệu đồng/mẫu trong năm đầu tiên. Những năm sau đó, chi phí lưu trữ trung bình khoảng 2,2 triệu đồng/mẫu và việc lưu trữ sẽ kéo dài trong suốt 18 năm. Việc lấy máu cuống rốn chỉ được giới hạn trong 10 phút đầu tiên kể từ lúc em bé chào đời.
Robert Lanza, người đi đầu trong cuộc cách mạng y học dựa trên tế bào gốc con người
Cẩn trọng với tế bào gốc
Việc tế bào gốc được tung hô như một liệu pháp điều trị thần kỳ, không chỉ với các bệnh lý nan y trong nhiều chuyên khoa khác nhau mà còn được sử dụng trong các chuyên ngành khác như thẩm mỹ làm đẹp, nghiên cứu dược lý đã khiến thị trường tế bào gốc tăng trưởng và phát triển bùng nổ.
Theo Hãng nghiên cứu thị trường Mỹ Transparency Market Research, thị trường tế bào gốc toàn cầu đạt khoảng 26,23 tỉ USD vào năm 2011 và sẽ tăng vọt lên mức 119,51 tỉ USD vào năm 2018. Tốc độ tăng trưởng dữ dội này chủ yếu xuất phát từ sự bùng nổ các dịch vụ trị bệnh bằng tế bào gốc, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển.
Tại các nước đang phát triển, những trung tâm y tế cung cấp dịch vụ trị liệu bằng tế bào gốc mọc lên như nấm. Các cơ sở này quảng cáo tế bào gốc có thể chữa trị dứt điểm hàng loạt căn bệnh thoái hóa, thậm chí cả chấn thương dây thần kinh xương sống. Trong khi đó, Tạp chí PLOS Medicine cho biết giá dịch vụ trị bệnh bằng tế bào gốc không hề rẻ. Mỗi quy trình trị liệu có thể tốn 20.000 - 60.000USD.
Đã có trường hợp một cậu bé người Israel bị mắc một căn bệnh gọi là “ataxia telanglectasia”, khiến một số khu vực trong não bộ cứ thế bị hủy hoại dần. Tình hình đó dễ đưa đến tình trạng tê liệt toàn thân. Gia đình đưa cậu bé qua một bệnh viện ở Moskva (Nga) để bơm các tế bào gốc phôi thai, có tác dụng tạo nên những tế bào mới nơi hệ thần kinh của não. Sau 3 lần bơm như vậy vào các năm cậu bé 9 tuổi, 10 tuổi, 12 tuổi, bệnh nhân trẻ tuổi này bị đau đầu nặng. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ Trung tâm Y tế Sheba ở Tel-Aviv phát hiện các khối u trong não và trong tủy sống của cậu. Một nhóm chuyên gia ở Đại học Tel-Aviv đã điều tra và xác định những khối u này phát triển từ các tế bào gốc được tiêm vào não bệnh nhân.
Tạp chí Nature dẫn lời Giáo sư George Q. Daley thuộc Trường Y Harvard (Mỹ) cho biết, tế bào gốc có tiềm năng to lớn, “… nhưng chúng không phải là các tác nhân thần kỳ, di chuyển trong cơ thể bạn và chữa trị mọi chứng bệnh”.
Theo Linh Linh
Petrotimes