Bỏng nặng vì câu cá dưới đường điện

(Dân trí) - Sơ ý ngồi câu cá dưới đường dây cao thế, 2 nạn nhân bị điện phóng gây bỏng nặng. Nhiều người đã phải đoạn cả tứ chi vì vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Sau tai nạn, họ không còn khả năng lao động.

Sau hơn 1 tháng điều trị tại khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạo hình, bệnh viện Chợ Rẫy, ông Võ Minh P. (57 tuổi, ngụ tại Cà Mau) mới qua được cơn nguy kịch. 

Tai nạn xảy đến vào một ngày đầu tháng 2/2015 khi ông ngẫu hứng mang cần đi câu cá nhưng sơ ý ngồi ngay dưới đường điện cao thế. Trong lúc say sưa giật mạnh cần khi cá cắn câu, luồng điện từ trên cao bất ngờ phóng xuống khiến ông bị bỏng nặng 46% độ II, III (5 % độ III) toàn thân, vùng bỏng nặng tập trung ở bàn tay phải, gây hoại tử. 

Trong quá trình điều trị có lúc bệnh nhân rơi vào nguy kịch vì nhiễm trùng và mắc các bệnh lý đi kèm như huyết áp, tim mạch, tiểu đường. Sự nỗ lực cứu chữa của y bác sĩ đã giúp bệnh nhân dần qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, vết bỏng sâu gây hoại tử đã khiến ông P. phải cắt bỏ 1/3 ngón cái của tay phải.

Một trường hợp bị lộ xương sọ do tai nạn bỏng điện
Một trường hợp bị lộ xương sọ do tai nạn bỏng điện

Khi ông P. đang trong quá trình điều trị thì vào chiều 13/3, một trường hợp tương tự tiếp tục xảy ra. Nạn nhân lần này là anh Nguyễn Hữu Đ. (38 tuổi, ngụ tại quận 2, TPHCM). Được biết, trước đó anh Đ. ngồi buông cần câu cá trong lúc quăng dây thì một tiếng nổ lớn bất ngờ vang lên khiến anh gục tại chỗ, nhiều vùng trên cơ thể bị cháy sém, tróc da. Sau tiếng nổ, một khu vực của quận 2, TPHCM mất điện.

BS Ngô Đức Hiệp, Phó khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạo hình, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc bỏng, được chẩn đoán bỏng tia lửa điện 76% toàn thân (16% bỏng độ III). Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân vẫn trong tình trạng nặng, tiên lượng khó khăn.

Theo phân tích của BS Ngô Đức Hiệp, trong lúc câu cá nạn nhân bị phóng điện là do, ngoài dòng điện có sẵn trên đường dây thì với những đường điện trung thế hoặc cao thế luôn có từ trường mạnh xung quanh đường dây. Bình thường không khí không dẫn điện, nhưng dưới tác dụng của từ trường mạnh không khí bị ion hóa nên có khả năng dẫn điện, đặc biệt khi không khí ẩm ướt, điện trở giảm, tính dẫn điện tăng lên rất nhiều. Hiện nay, đa phần cần câu cá được làm từ chất liệu carbon (còn gọi là Graphite) hoặc sợi thủy tinh có khi được pha thêm kim loại Tungtene. Ngoài ra còn 2 yếu tố đầu cần câu nhỏ, điện trở thấp và khi câu sợi dây câu bị ướt nước cũng là môi trường dẫn điện tốt.

Trong những trường hợp trên, người cầm cần câu chỉ sơ ý vi phạm hành lang an toàn lưới điện sẽ tạo thành yếu tố thuận lợi để truyền điện từ nơi có điện áp cao đến nơi điện áp thấp gây nên tình trạng phóng tia lửa điện. Cả cần câu cá và người cầm cần câu khi đó sẽ trở thành dây dẫn điện.

Nam bệnh nhân làm nghề xây dựng đã buộc phải đoạn chi vì bỏng điện
Nam bệnh nhân làm nghề xây dựng đã buộc phải đoạn chi vì bỏng điện

Bên cạnh những nguy hiểm đã xảy đến với nạn nhân khi ngồi câu cá dưới đường điện, BS Đức Hiệp còn cảnh báo một dạng tai nạn khác tiềm ẩn sự nguy hiểm hơn khi nhiều người ngồi câu cá dưới trời chuyển mưa giông. “Cần câu cá với một đầu nhọn chỉa lên trời sẽ giống như cột thu lôi, tạo điều kiện biến cần câu, người câu thành đường dẫn điện với hiệu điện thế rất lớn từ các đám mây và mặt đất. Khi đó, tai họa sẽ là khôn lường nếu tia lửa điện (tia sét) từ đám mây giông phóng xuống.

BS Đức Hiệp cho hay, các loại bỏng lửa, bỏng nước sôi vùng tổn thương chủ yếu tập trung ở ngoài da. Tuy nhiên với trường hợp bị bỏng dòng điện, do dòng điện chạy qua cơ thể nên lúc này cơ thể là 1 phần của mạch điện, vì vậy tổn thương thường rất sâu, gây hoại tử cơ - xương, mạch máu, thần kinh nơi có điện trở lớn, khiến việc điều trị vô cùng khó khăn. Rất nhiều trường hợp bị bỏng điện, chúng tôi đã cố gắng cứu chữa để tránh nguy cơ tàn phế cho người bệnh, song cuối cùng vẫn buộc phải đoạn chi của bệnh nhân (có bệnh nhân phải đoạn cả 4 chi) để ngăn chặn tình trạng hoại tử, nhiễm trùng, nhiễm độc nhằm cứu sống tính mạng bệnh nhân.

Tai nạn bỏng điện thường xảy ra ở nam giới trong độ tuổi lao động, thường gặp nhất là ở người làm nghề xây dựng, treo bảng quảng cáo, kéo đường cap… Từ năm 2012 đến năm 2014, tại khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạp hình, bệnh viện Chợ Rẫy có tổng cộng 2.018 ca bỏng thì nạn nhân bỏng điện chiếm tới 37,8%. Tỷ lệ bệnh nhân bị tàn phế cắt cụt chi do bỏng điện là rất cao. Những người may mắn giữ lại được chân, tay sau tai nạn thì di chứng của bỏng điện làm tổn thương gân, cơ cũng khiến họ mất khả năng lao động.

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn bỏng điện thường xuất phát từ sự chủ quan hoặc thiếu kiến thức, thiếu dụng cụ bảo hộ lao động, vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Do đó, để tránh những tai nạn thương tâm xảy ra do bỏng điện, người dân cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất khi sử dụng điện, tuyệt đối không vi phạm hành lang an toàn lưới điện, cũng như không câu cá dưới trời giông, bão.

Vân Sơn