Bộ Y tế giải đáp “nóng” chuyện thiếu vắc-xin
Tại sao nhiều loại vắc-xin dịch vụ thiếu, tỷ lệ trẻ chích ngừa sởi tới 96% có chính xác không? Các giải pháp cho vấn đề bất cập trong việc chi trả của bảo hiểm y tế là những câu hỏi “nóng” trong buổi họp báo do Bộ Y tế chủ trì sáng nay (29/5).
Vắc-xin dịch vụ thiếu vì khó dự trù
Nhiều câu hỏi của các phóng viên xoáy vào vấn đề vắc-xin, ngành y tế công bố tỷ lệ tiêm vét vắc-xin sởi ở trẻ em rất cao, lên tới 96%. Con số này có chính xác và căn cứ vào đâu? Không chỉ thế, rất nhiều loại vắc-xin dịch vụ như thủy đậu, 5 trong 1, 6 trong 1 thiếu nhiều tháng nay, Bộ Y tế giải thích sao lại có tình trạng này, giải pháp trong thời gian tới thế nào?
Bộ Y tế trả lời các câu hỏi “nóng” của phóng viên. (Ảnh: Thanh Huyền)
Trả lời câu hỏi trên, ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, số liệu thống kê tiêm vét sởi được cập nhật từng ngày từ các điểm tiêm chủng trên toàn quốc nên hoàn toàn chính xác.
Về vắc-xin, đầu mối cung cấp ở phía Bắc là Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, còn phía Nam là Viện Pasteur TPHCM. Sau đó, vắc-xin sẽ được phân bổ về các cơ sở y tế địa phương. Chỉ có Trung tâm y tế dự phòng từ tuyến huyện trở lên mới được lưu giữ, bảo quản. Các đơn vị y tế dự phòng tuyến xã sẽ lập danh sách dự trù tiêm chủng và gửi về y tế huyện để lấy vắc-xin. Tất cả số vắc-xin còn thừa cuối ngày phải gửi trả về y tế huyện để bảo quản.
Về vắc-xin Quinvaxem trong năm nay đã được nhập về 1,5 triệu liều vào ngày 30/5, tháng 7 sẽ được ngành y tế nhập tiếp đợt 2. Riêng vắc-xin dịch vụ lại hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của các đối tượng.
Trả lời về thiếu vắc-xin dịch vụ, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM nói: “Toàn TP hiện có 126 điểm tiêm chủng dịch vụ. Thiếu vắc-xin dịch vụ do chúng tôi không dự trù được nhu cầu của người dân.
Khác với vắc-xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia được dự trù trên dự đoán dân số sinh ra. Nhưng vắc-xin dịch vụ thì chỉ dự trù được trên nhu cầu của người dân năm trước đó. Vì thế, khi xảy ra sự cố bất ngờ thì không có đủ vắc-xin. Một mẻ vắc-xin từ lúc sản xuất đến lúc đưa vào sử dụng phải trải qua quy trình từ 4-6 tháng chứ không phải thiếu là có ngay được. Tất cả đều phải dự trù từ trước”.
Ông Dũng cũng cho biết thêm: “Vắc-xin thủy đậu vừa rồi dự tính sẽ nhập 80 ngàn liều nhưng công ty cung ứng chỉ nhập được 20 ngàn liều (10 ngàn liều chia cho miền Bắc, 10 ngàn liều chia cho miền Nam). Tại sao nhà cung ứng chỉ nhập thế thì chịu, họ phải cân đối về lời lỗ, nhỡ nhập nhiều, ế, lỗ thì sao, bởi đây là dịch vụ nên họ phải tính toán kỹ!”.
BHYT chưa quan tâm tới dinh dưỡng?
Báo chí cũng đặt câu hỏi về các quyền lợi sát sườn trong việc chi trả của BHYT cho người dân. Có những bệnh có thể cấp thuốc dài ngày như bệnh khớp… nhưng bảo hiểm chỉ cho phép bệnh nhân lãnh thuốc nhiều nhất là 1 tháng/lần. Sao không tăng số ngày thuốc lên cho người bệnh để giảm quá tải và phiền phức về số lần tái khám?
Ngoài ra, vấn đề dinh dưỡng trong điều trị bệnh chưa được BHYT quan tâm, trong khi đó dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng?
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế đã giải đáp khúc mắc này.
Theo bà Hương, sở dĩ đưa ra quy định bệnh nhân được lãnh tối đa 30 ngày thuốc/lần vì người bệnh cần được theo dõi kỹ lưỡng trong việc sử dụng thuốc cũng như đánh giá hiệu quả của quá trình điều trị. Bệnh nhân cần tái khám thường xuyên và điều chỉnh thuốc kịp thời.
Về ý kiến BHYT chưa quan tâm đến dinh dưỡng, bà Hương nói: “Chúng tôi hiểu dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng với bệnh nhân nhưng chúng ta phải lựa cơm gắp mắm. Túi tiền chúng ta nhỏ nên chi cho cái gì cũng phải cân nhắc, lựa chọn để tránh vỡ quỹ. Ở các nước, mức tiền đóng cho BHYT trên 10% số lương cơ bản, ở ta chỉ có 4,5%, trong khi chúng ta đang chi tương đối rộng.
Tuy nhiên do nhận thức tầm quan trọng của dinh dưỡng nên BHYT vẫn tiến hành chi trả cho bệnh nhân suy dinh dưỡng ở các bệnh viện, còn dinh dưỡng trong bữa ăn bệnh nhân thì chưa”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh đồng tình, rằng dinh dưỡng chưa được quan tâm đúng mức. Tại các bệnh viện đều có khoa dinh dưỡng nhưng chỉ những bệnh nhân cần chế độ dinh dưỡng riêng biệt thì mới được phục vụ. Còn lại hầu hết các bệnh nhân khác đều ăn uống tự túc. Mà ăn uống tự túc thì không đảm bảo, ảnh hưởng tới hiệu quả chữa bệnh.
“Nếu chúng ta không đưa dinh dưỡng vào trong chi phí viện phí thì bệnh viện khó lòng lo nổi. Chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ Y tế và các cơ quan liên quan xem xét lại chuyện này”, ông Khoa nói.
Tại buổi gặp gỡ báo chí tại TPHCM ngày 29/5, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT cho biết, trong dự thảo sửa đổi Luật bảo hiểm y tế vừa qua có một số bổ sung mới để quyền lợi của người dân được đảm bảo hơn.
Đó là những trường hợp TNGT cũng được hưởng BHYT dù có vi phạm luật giao thông hay không.
Trước đây, bảo hiểm chỉ chi trả khi nạn nhân TNGT được xác minh không vi phạm luật giao thông nhưng như thế là bất cập. Đa phần nạn nhân TNGT nhập viện trong tình trạng cấp cứu mà BHYT là nhân đạo.Việc hưởng BHYT của bệnh nhân phải tách biệt ra, còn xử lý vi phạm giao thông là chuyện của công an. |
Theo Thanh Huyền
Vietnamnet