1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ trưởng Y tế: “Đó là những sự cố ngoài mong muốn!”

(Dân trí) -Theo các đại biểu, nhiều sự cố y tế xảy ra trong thời gian qua chưa được Bộ Y tế xử lý, điển hình như vụ bác sĩ thẩm mỹ phi tang xác bệnh nhân, vụ ba trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin hay vụ “nhân bản” xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế
 
Tại Hội thảo khoa học về vai trò của chính quyền địa phương trong công tác y tế diễn ra ngày 26/12, bà Nguyễn Thị Khá, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, trước nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận của ngành y tế trong năm qua sự phối hợp giữa ngành y tế và chính quyền địa phương chưa kịp thời.

 

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên UB Pháp luật cho rằng, trong các vấn đề liên quan đến sự cố y tế, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng chất vấn Bộ trưởng Y tế nhiều trong các cuộc họp, vì nếu không chất vấn Bộ trưởng thì chất vấn ai? Dù Bộ Y tế  luôn nhấn mạnh đến yếu tố phân cấp trong quảng lý y tế.

 

Trước ý kiến này của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, trong kỳ họp vừa rồi, Bộ trưởng không bị chất vấn nhiều. Thậm chí nữ Bộ trưởng này còn chủ động bấm máy trả lời.

 

Nữ Bộ trưởng cũng thừa nhận, thực tế trong thời gian vừa qua xảy ra rất nhiều vấn đề liên quan đến ngành y tế, đó là những sự cố ngoài mong muốn nhưng về công việc, toàn ngành y tế đã nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra.

 

Theo các đại biểu, một loạt các điển hình như vụ 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc- xin tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), Bộ Y tế chưa kịp thời vào cuộc cùng với địa phương để cùng xử lý và phân trách nhiệm cụ thể. Khi sự việc xảy ra, ngành y tế cử bộ phận cán bộ chương trình tiêm chủng mở rộng vào giải quyết nhưng nhóm này chỉ nặng về kỹ thuật tiêm chủng mà thiếu kiến thức pháp lý và kỹ năng về việc quản lý nhà nước. Hay vụ việc nhân bản xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), trách nhiệm thuộc UBND TP Hà Nội tuy nhiên với vai trò là cơ quan ban hành các văn bản Bộ Y tế cũng chưa đề xuất các giải pháp hiệu quả để nâng cao y đức.

 

Theo các đại biểu, trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền địa phương rất quan trọng. Thực tế thời gian qua, phần lớn sự việc xảy ra trên địa bàn nhưng chính quyền địa phương ko biết, từ vụ thẩm mỹ viện Cát Tường hoạt động “chui” khi chưa được cấp phép, hay các cơ sở mầm non không phép… thì hầu hết chính quyền địa phương đều “tê liệt” không biết đến sự tồn tại của các cơ sở này. Chỉ riêng trong lĩnh vực y tế, dù có hệ thống thanh tra ngàn người cũng khó giám sát được.

 

Tuy nhiên, để phân cấp trách nhiệm quản lý cho cấp xã, phường thì ông Cương lại cho rằng khó hiệu quả. “Trên 1 địa bàn quận mà có các cơ sở y tế hoạt động không phép mà phòng y tế không biết. Cần có sự phân biệt trách nhiệm rõ, của tỉnh đến đâu, huyện đến đâu, Bộ ngành thế nào. Còn nói về phường, tôi nghĩ để quản lý thì y tế phường không thể làm được, vì phường làm gì có cán bộ chuyên trách, mà làm y tế phải có chuyên môn”, ông Cương nói.

 

Trước những đóng góp này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, đây là hội thảo bước đầu lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, mở đầu cho việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để có hội nghị quy mô lớn hơn để khẳng định trách nhiệm của chính quyền địa phương.

 

Trước đó hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành đã khẳng định trách nhiệm của chính quyền địa phương rõ ràng trong quản lý nhà nước trên địa bàn chứ không phải bây giờ mới nhận ra. Riêng trong lĩnh vực y tế, các văn bản pháp quy Bộ Y tế đã tham mưu ban hành thì cho đến thời điểm này quản lý KCB ngoài công lập, công lập, tiêm chủng mở rộng… đều nói rõ vai trò của chính quyền địa phương.

 

Bộ trưởng dẫn chứng trong các vụ việc vừa rồi, ví như trong tiêm chủng, nhìn vào quy định sẽ rõ trách nhiệm của Bộ trưởng y tế, chủ tịch UBND các tỉnh, thành, giám đốc sở y tế, giám đốc TTYT dự phòng tỉnh, huyện và của nhóm tiêm chủng đó, của chương trình TCMR, nhà sản xuất vắc xin đến đâu, ai chịu trách nhiệm.

 

Hay trong lĩnh vực quản lý hành nghề tư nhân, luật KCB, nghị định, thông tư 41 quy định rất rõ cả về việc rút giấy phép hoạt động… Vụ Cát Tường, nhìn vào thông tư này sẽ thấy rõ ngay trách nhiệm thuộc về ai.

 

Trách nhiệm trực tiếp nhất là cá nhân đó cố tình làm sai pháp luật. Và phải nói là suy thoái về nhân cách con người (chưa nói về y đức); Trách nhiệm cá nhân phải chịu, rồi các cấp quản lý. Còn nếu nói về trách nhiệm của Bộ trưởng, tôi sẵn sàng nhận một phần trách nhiệm vì sự việc xảy ra trong ngành của mình, nhưng truy vào văn bản pháp luật quy định thì sao? Sẽ xác định trách nhiệm rõ ràng của từng cấp quản lý”, Bộ trưởng Tiến bày tỏ.

 

Nữ Bộ trưởng cũng cho rằng truyền thông chưa được “công bằng” trong thông tin. “Trường hợp tử vong do liên quan đến tiêm vắc xin, Bộ Y tế có văn bản gửi Bộ Công an điều tra cho khách quan, trung thực thì báo chí lại nói Bộ Y tế đá quả bóng trách nhiệm sang Bộ Công an. Trong khi đó, Bộ giao thông xảy ra sự việc chìm tàu làm 8 người chết, ngay lập tức Bộ Giao thông gửi công văn nhờ Bộ Công an vào cuôc điều tra thì lại nói là vào cuộc kịp thời và nhanh chóng”.

 

Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ Y tế không có thẩm quyền xử lý khi làm sai mà chỉ có quyền kiến nghị. Trên thực tế việc xác định trách nhiệm chưa rõ ràng, cụ thể, minh bạch nên khi có vấn đề xảy ra, việc quy trách nhiệm không phải dễ.

 

Vì thế, theo ông cần cần luật hóa trách nhiệm để quy trách nhiệm tập thể, cá nhân (Bộ trưởng, Giám đốc Sở, UBND...) một cách cụ thể, rõ ràng, minh bạch. Đồng thời cần nghiên cứu tái cấu trúc hệ thống y tế, hệ thống y tế hiện nay đặc biệt từ tuyến huyện trở xuống đang có những bất cập nhất định

 

Tú Anh