Bộ trưởng Bộ Y tế: Người dân vào đây để khám bệnh thì phải rất… dũng cảm
(Dân trí) - Đó là lời chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi trao đổi với chủ cơ sở của Phòng khám Đa khoa Thiên Tâm (212 Nguyễn Lương Bằng – Quận Đống Đa) sau khi phát hiện hàng loạt sai phạm ở đây.
Sáng 21/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của Bộ đã đi kiểm tra đột xuất một số phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài trên địa bàn Hà Nội. Phòng khám Đa khoa Thiên Tâm là cơ sở được Bộ trưởng Bộ y tế “viếng thăm” đầu tiên và cũng là cơ sở có nhiều sai phạm.
Bất chấp việc cơ sở phòng khám này đã được “phím” chuẩn bị kỹ càng mọi mặt để đón tiếp đoàn kiểm tra nhưng hàng loạt sai phạm vẫn được phát hiện và chỉ ra một cách thuyết phục.
Tại thời điểm kiểm tra, phòng khám Đa khoa Thiên Tâm không có bệnh nhân, hiện có 2 người Trung Quốc làm việc. Bộ phận xét nghiệm không có máy xét nghiệm sinh hóa như trong biên bản thẩm định cấp giấy phép hoạt động. Khi hỏi lý do thì cơ sở này cho biết: Bác sĩ đang xin nghỉ ốm nên mang máy đi…bảo dưỡng.
Về công tác ghi chép sổ sách bệnh án không đủ hồ sơ theo dõi. Các mẫu hồ sơ không đúng quy định và không có đơn thuốc. Đáng chú ý, phòng khám có bác sĩ Trung Quốc hoạt động nhưng chỉ có bệnh án, đơn thuốc bằng tiếng Việt mà không có bệnh án được ghi bằng tiếng Trung. Nhiều dịch vụ được niêm yết thực hiện tại phòng khám nhưng chưa được Sở Y tế phê duyệt.
Đoàn kiểm tra kiểm tra hồ sơ pháp lý của Phòng khám Đa khoa Thiên Tâm.
Chưa dừng lại ở đó, kiểm tra hồ sơ của cơ này, đoàn kiểm tra còn phát hiện, phòng khám đã vi phạm quảng cáo trên internet khi chưa được xác nhận nội dung và vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được cho phép. Hiện tại, phòng khám này không được phép khám nam khoa, tuy nhiên vẫn nhận khám và điều trị. Đơn vị này không thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nhưng tại phòng khám vẫn bố trí Phòng Kế hoạch hóa gia đình. Kiểm tra tại phòng này, lực lượng chức năng phát hiện trong phòng có dụng cụ bơm hút thai. Một số dịch vụ không đủ điều kiện và không được cấp phép nhưng tại phòng khám vẫn có các bảng hiệu phác đồ điều trị, quảng bá bằng hình ảnh…
Bộ trưởng Bộ Y tế lưu các thành viên đoàn kiểm tra về lập biểu mẫu thu thập thông tin để rà soát cho nhanh, tránh việc ghi chép nhiều.
Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết thêm, cuối năm ngoái, Thanh tra Sở Y tế cũng đã tiến hành kiểm tra Phòng khám Đa khoa Thiên Tâm và phát hiện phòng khám này thực hiện dịch vụ kỹ thuật quá phạm vi chuyên môn được cấp phép. Do đó, Thanh tra Sở đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động của phòng khám này thời hạn 4,5 tháng và phạt hành chính 120 triệu đồng. Phòng khám vừa mới được hoạt động trở lại cách đây chưa lâu.
Tuy nhiên khi cán bộ của đoàn kiểm tra của Bộ Y tế hỏi về những sai phạm trước đó để ghi vào biên bản thì cơ sở lại…không nhớ.
“Sai phạm mà lại không nhớ mình đã sai gì thì làm sao mà điều chỉnh, khắc phục” – một thành viên trong đoàn kiểm tra nhắc nhở.
Làm việc với quản lý phòng khám và thành viên đoàn kiểm tra ngay tại phòng khám, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, qua kiểm tra cho thấy phòng khám chưa đạt yêu cầu, chưa đảm bảo quy chế chuyên môn, trang thiết bị y tế không đảm bảo, quá sơ sài…
Mặc dù sai phạm quá rõ ràng, nhưng bác sĩ Lê Quang Sơn, phụ trách Phòng khám Thiên Tâm vẫn nỗ lực “biện minh” với Bộ trưởng Bộ Y tế. Trước việc cơ sở chưa tiếp thu và chưa hiểu rõ quy định của pháp luật, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến “ví von”: Nếu có bệnh nhân nào đến đây khám bệnh thì quả thật người đó rất dũng cảm.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Chưa nói các vấn đề khác, việc bác sĩ “ngoại” khám bệnh nhưng lại không lưu hồ sơ bệnh nhân bằng ngôn ngữ của mình thì làm sao biết diễn biến bệch thế nào, khi bệnh nhân đến khám lại lấy gì để đối chiếu…Riêng về điểm này đã sai phạm rất nặng.
Mặc dù cơ sở phòng khám sai phạm nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn kiên trì giải thích. Theo quan điểm của người đứng đầu ngành y tế: Nếu hệ thống phòng khám tư chuẩn chỉnh và hoạt động tốt thì sẽ giảm tải rất nhiều cho bệnh viện công.
Người đứng đầu ngành y tế cũng chia sẻ: Vào cơ sở kiểm tra nhưng không có bệnh nhân điều đó cho thấy cơ sở cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nếu cơ sở, trang thiết bị, đội ngũ…không tốt thì điều này rất khó cải thiện. Không có bệnh nhân thì làm sao có chi phí để trang trải để hoạt động một cách tốt nhất. Chúng tôi đi kiểm tra thực tế không phải chỉ nhìn thấy cái sai để xử lý mà cũng muốn lắng nghe những khó khăn.
Trước sự cởi mở của Bộ trưởng, bác sĩ Lê Quang Sơn bày tỏ: Hiện nay về pháp lý thì không có nhiều khó khăn gì nhưng thời gian để giải quyết thì rất lâu. Chẳng hạn như, đối với các bác sĩ nước ngoài thì bắt buộc phải được cấp giấy chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam nhưng thời gian cấp thì khá lâu. Bên cạnh đó, việc phải tìm đến các bác sĩ "ngoại" một phần là không thể tuyển được các bác sĩ trình độ cao làm việc ở các phòng khám. Chính vì lý do này mà phải thành lập công ty để có pháp nhân ký hợp đồng lao động với bác sĩ "ngoại"...
“Chúng tôi chia sẻ với những khó khăn của phòng khám khi giảm bệnh nhân, tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy phòng khám còn quá nhiều tồn tại. Vì thế yêu cầu phòng khám phải khẩn trương khắc phục những tồn tại này, phải đặt sức khỏe và sự an toàn tính mạng của người dân lên hàng đầu khi thực hiện khám chữa bệnh”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Người đứng đầu của ngành y tế cũng hiến kế: Chúng ta có thể học hỏi các mô hình nước ngoài. Họ đầu tư không phải quá lớn nhưng mọi thứ đều chuẩn chỉnh và chuyên nghiệp. Ở đây có thể tính đến chuyện hợp tác với các bác sĩ tâm huyết, đã nghỉ hưu để có thêm nguồn vốn, có thêm đội ngũ tốt. Chúng ta phải có chuyên môn tốt thì hoạt động mới hiệu quả được.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu các cơ chế chính sách nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp có đầu tư để phát triển phòng khám tư.
“Nếu các cơ sở tư được đầu tư và có chuyên môn tốt thì mỗi ngày chỉ cần 50-100 bệnh nhân đến đây thôi thì đã giảm tải cho bệnh viên công rất nhiều. Bên cạnh đó, có bệnh nhân thì cơ sở cũng mới hoạt động tốt được.” – Bộ trưởng Bộ y tế nói.
Nguyễn Hùng