1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ trưởng Bộ Y tế: Người bệnh vào viện không phải “bôi trơn”

(Dân trí) – “Tại sao vào viện, người dân cứ phải có cái này cái nọ để “bôi trơn”? Trước quốc hội chúng tôi nói nhân dân không đưa tiền, quà cho bác sĩ, bác sĩ cũng cương quyết từ chối. Chúng tôi sẽ làm quyết liệt, không để một vài con sâu làm rầu nồi canh”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định tại Hội nghị tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và Diễn đàn Quốc gia về Chất lượng bệnh viện lần thứ nhất diễn ra trong hai ngày 5 - 6/12 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Y tế: Người bệnh vào viện không phải “bôi trơn”

Ngoài hiệu quả điều trị, yếu tố sự hài lòng của người bệnh là vô cùng quan trọng trong chỉ tiêu "chấm điểm" BV (Ảnh minh họa: Nhân Hà)

“Vào bệnh viện là thấy buồn”!

Người đứng đầu ngành y tế này cũng thẳng thắn bày tỏ: “Đi nước ngoài, ngay các nước trong cùng khu vực châu Á như Thái Lan, Singapore bệnh viện của họ xanh mát mắt, sạch đẹp, ngăn nắp. Còn về nước, cứ vào trong bệnh viện thấy buồn. Tại sao bệnh viện của mình không thể xanh sạch đẹp, khoa khám bệnh chật chội, tồi tàn, nhếch nhác, để bệnh nhân phải chen chúc. Trong phòng bệnh nhìn thấy một hai người nằm ghép đã khổ rồi. Nhìn ra phòng khám bên ngoài thấy nhếch nhác, ngồi ngoài ghế đá, trên thì mái tôn, chen nhau chỗ vào, nóng bức chật chội chờ 6-10 tiếng mới đến lượt khám bệnh, công nghệ thông tin ứng dụng không đồng bộ”. Bộ Y tế sẽ quyết tâm đổi mới tình trạng nhếch nhác ở các bệnh viện, nhất là tại các khoa khám bệnh để người dân giảm bớt sự chờ đợi và chen chúc.

“Tại sao giữa bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Pháp chỉ cách một bức tường nhưng Bệnh viện Việt Pháp thái độ, quy tắc ứng xử không phải quan tâm mà Bệnh viện Bạch Mai lại phải quan tâm?”, nữ Bộ trưởng tiếp tục đặt câu hỏi.

Cũng theo bà Tiến, ngoài cơ sở vật chất, điều trị thì cái quan trọng nhất để làm hài lòng người bệnh, đó là thái độ của cán bộ y tế. Bà Tiến khẳng định sẽ làm quyết liệt vấn đề này. Không chỉ ra quy chế, thông tư, chỉ thị mà đó còn là một đề tài nghiên cứu và kết hợp với công đoàn sẽ làm chiến dịch quyết liệt cùng các đồng chí giám đốc bệnh viện, sở y tế thay đổi hình ảnh. “Không thể để người dân nhìn mình như thế được. Một vài con sâu làm rầu nồi canh. Chúng tôi quyết tâm không để những trường hợp như thế làm ở khoa khám bệnh nữa. Các đồng chí giám đốc bệnh viện, sở y tế mà quyết tâm thì sẽ thực hiện được việc thay đổi này”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải đổi mới toàn diện bộ mặt bệnh viện đầu tiên là khoa khám bệnh, là thái độ phục vụ của đội ngũ y bác sỹ và nhân viên y tế để nâng cao chất lượng khám bệnh.

Khắt khe “chấm điểm” bệnh viện

Hội nghị đã đưa ra bàn luận về Dự thảo tiêu chí chất lượng BV Việt Nam do Cục KCB xây dựng. Dự thảo gồm 15 tiêu chí hướng đến việc làm hài lòng bệnh nhân và 20 tiêu chí dành cho quản lý và chất lượng chuyên môn của BV. Các tiêu chí đều chia từ mức 1-5. Nếu các BV không có mức 1, đa số đạt mức 4-5 thì được đánh giá tốt, còn mức 3 là chấp nhận được, còn đa số chỉ mức 1-2 thì sẽ không đạt.

Theo Bộ Y tế, việc chấm điểm bệnh viện sẽ được thực hiện nghiêm túc để các bệnh viện tự ý thức được mức độ tốt - chưa tốt của mình để phấn đấu. Với cơ chế chấm điểm theo tiêu chí này, không chỉ bệnh viện tuyến Trung ương mới được chấm điểm là hạng đặc biệt, hạng I mà ngay tại các bệnh viện tuyến tỉnh chấm theo tiêu chí mà đạt thì cũng được gắn danh hiệu bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến huyện cũng có thể là bệnh viện hạng I.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục KCB, cho biết: “Từ trước đến nay, Bộ Y tế có nhiều văn bản yêu cầu nâng cao chất lượng BV nhưng chưa có tiêu chí cụ thể. Tiêu chí chất lượng BV Việt Nam chính là thước đo sự nỗ lực phấn đấu của các BV nhằm phục vụ bệnh nhân. Trong bộ tiêu chí này thì có đến 11 điều liên quan đến người bệnh, có 5-6 nội dung không liên quan đến kinh phí, nhân lực như: Người bệnh đuợc chỉ dẫn rõ ràng; được đón tiếp chu đáo; được sử dụng buồng vệ sinh sạch sẽ; được tôn trọng quyền riêng tư cá nhân; được nộp viện phí minh bạch… Những tiêu chí này hoàn toàn sát sườn, có khả năng thực hiện được”.

Tự nhận “chưa tốt”

Chia sẻ bên lề diễn đàn hội nghị này, nhiều Giám đốc BV bày tỏ, nếu chiểu theo những tiêu chí trong dự thảo này thì để đạt bệnh viện “tốt” họ còn phải phấn đấu dài dài. Họ mới đang ở mức 2 (mức chưa đạt).

Ông Nguyễn Huy Ngọc, Giám đốc BV Đa khoa Phú Thọ cho biết, BV cũng tự xây dựng tiêu chí giám sát chất lượng BV bao gồm các mục như: thái độ tiếp đón, chăm sóc, giường nằm, vệ sinh, thuốc men… Và tới 98% bệnh nhân hài lòng với sự phục vụ của BV. “Tuy nhiên đây chỉ là tiêu chí dựa trên tình hình cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ của BV. Còn nếu đúng như dự thảo tiêu chuẩn thì vẫn chỉ ở mức 2”. Tuy nhiên ông Ngọc cũng cho rằng, dù nâng cao chất lượng KCB như thế nào thì quan trọng vẫn là sự hài lòng của người bệnh.

TS Đoàn Hữu Nghị, Giám đốc BV E Hà Nội, cũng bày tỏ: “Như thế nào là chất lượng? Theo tôi, phải có nhiều mức sao hạng khác nhau để đánh giá chất lượng. Với người chi trả cao họ có một yêu cầu khác, vì thế phải có nhiều mức khác nhau, nhiều sao hạng khác nhau”.

Còn ông Lê Hữu Quý, Giám đốc BV Đa khoa Ninh Bình cho rằng, chất lượng bệnh viện thể hiện ở chỗ người bệnh vào viện khám, khỏi bệnh với một chi phí hợp lý.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, việc điều trị chất lượng gồm 4 yếu tố: Giảm số ca tử vong, giảm ngày nằm viện, giảm sai sót chuyên môn và sự hài lòng của người bệnh.

“Cái khó nhất chính là sự hài lòng của người bệnh. Ở nhiều nước phát triển, họ cũng kêu ca người bệnh không hài lòng. Quả thực thực hiện được việc này rất khó. Tại Việt Nam có nhiều yếu tố càng khó, như việc dư luận biến những thứ cá biệt thành phổ biến, cho rằng đạo đức ngành y tế xuống cấp, vấn nạn phong bì… Vì thế, chúng ta phải tính tới việc đưa những tiêu chí này vào như thế nào bởi quốc tế không có những tiêu chí này”, bà Tiến nói.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra về một số bệnh viện trung ương và bệnh viện tỉnh để khảo sát thực tế tại các bệnh viện có chuyển biến và cải thiện không, để từ đó có biện pháp xử lý.

Dự thảo này sẽ dự kiến hoàn chỉnh và đưa vào áp dụng thử nghiệm từ đầu năm 2013. Đến năm 2014-2015 sẽ áp dụng toàn diện để “chấm điểm” chất lượng các BV.

Hồng Hải