Bị vướng tóc vào bánh xe lột da đầu hoàn toàn, bé gái hồi phục diệu kỳ
(Dân trí) - Được chở đi chơi trên xe ba bánh, bé gái nằm sau xe, bị vướng tóc vào bánh xe khiến toàn bộ da đầu gồm tóc bị lột tung, lộ xương sọ.
Ngày 19/6, Bệnh viện Việt Đức thông tin về ca bệnh đặc biệt nghiêm trọng, trải qua 4 năm, hiện em bé hồi phục hoàn toàn.
Trước đó, tháng 12/2020, bé gái 8 tuổi ở Hải Phòng được đưa vào viện trong tình trạng toàn bộ da đầu bị lột.
Tai nạn xảy ra, khi bé đang đi chơi bằng xe ba bánh, do mái tóc dày và dài, khi nằm trên xe tóc vướng vào bánh xe. Quá hoảng loạn, bé vội ngồi dậy khiến toàn bộ da đầu bị lột, lộ cả xương sọ.
Bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng) cấp cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
TS Bùi Mai Anh, Khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt và Thẩm mỹ, Bệnh viện HN Việt Đức cho biết, tại thời điểm đó, bệnh nhi được phẫu thuật vi phẫu nối da đầu, nhưng đây là một ca phẫu thuật vô vàn khó khăn.
Bởi mạch máu vùng đầu của trẻ em có kích thước nhỏ, chỉ khoảng 0,6 - 0,7mm, nguy cơ tắc mạch sau nối khá cao, đòi hỏi kỹ thuật cũng như phương tiện phẫu thuật.
Các bác sĩ đã kiên nhẫn sử dụng kính vi phẫu nối 1 động mạch và 2 tĩnh mạch, ca nối ghép thành công. Chỉ sau hơn 10 ngày được phẫu thuật, tóc đã mọc lại ở vùng da đầu được ghép.
Sau ca phẫu thuật 4 năm trước, bệnh nhi được gia đình đưa đi tái khám đều đặn, được bác sĩ theo dõi quá trình hồi phục, kịp thời đưa ra những lời khuyên về sinh hoạt.
"Sau 4 năm, bệnh nhi vừa đến khám lại, chúng tôi và gia đình đều vui mừng vì bé có bộ tóc dài và đẹp, không ai có thể hình dung trước đó, bé đã trải qua ca tai nạn nguy hiểm, lột tung da đầu", bác sĩ điều trị thông tin.
Theo TS Bùi Mai Anh, khi thăm khám lại, bệnh nhi có mái tóc dài, đẹp. Đặc biệt, vết mổ vị trí đứt rời sau nối liền sẹo tốt không lồi, không đau và ngứa nên không cần chăm sóc đặc biệt.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt và Thẩm mỹ cho biết, khoa đã thực hiện nhiều ca nối da đầu phức tạp gồm cả đa chấn thương kèm theo nhưng ca đứt rời da đầu ở trẻ em là hiếm gặp do thường gặp ở tai nạn lao động.
"Khi không may bị tai nạn, người nhà cần nhặt ngay bộ phận đứt rời (như da đầu, chân, tay...) bọc vào một miếng gạc (nếu có), sau đó cho vào túi nilon sạch, buộc kín không để nước vào, sau đó lại cho vào nilon đựng nước, sau đó mới cho vào hộp hoặc thùng đựng đá.
Việc làm này tránh cho bộ phận đứt tiếp xúc trực tiếp với đá gây bỏng lạnh và cũng làm tăng thời gian sống cho bộ phần đứt rời. Nếu bệnh nhân được nối sau 6- 10 tiếng bị đứt rời các bộ phận, tỷ lệ thành công là rất lớn, trên 80%", TS Hà nói.