1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bị glôcôm, nên phẫu thuật hay dùng thuốc?

(Dân trí) - Mẹ tôi mới được phát hiện bị glôcôm và được bác sĩ tư vấn điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, tôi hơi phân vân vì có quá nhiều loại thuốc được kê tra mắt, trong khi mẹ tôi đã già, rất hay quên lại không ở cùng các con để có thể nhắc nhở.

Xin hỏi bác sĩ, tôi có nên đăng kí phẫu thuật cho mẹ không, và khi phẫu thuật bệnh có khỏi hoàn toàn không, có cần dùng thêm thuốc tra mắt? Phan Linh (Hương Khê, Hà Tĩnh).

ThS.BS Đỗ Tấn, khoa Glôcôm, bệnh viện Mắt TƯ trả lời:

Glôcôm là một nhóm bệnh gây tổn hại dây thần kinh thị giác và qua đó gây mù loà. Yếu tố gây bệnh hay gặp nhất là nhãn áp (áp lực trong con mắt) cao (bệnh có thể xuất hiện khi nhãn áp không cao).

Để điều trị bệnh glôcôm có hai phương pháp chính là thuốc và phẫu thuật (bao gồm cả laser). Cả hai biện pháp này chỉ làm ổn định bệnh, không cho bệnh tiến triển thêm và duy trì ổn định, chứ không thể chữa khỏi dứt điểm bệnh glôcôm.

Tùy từng trường hợp bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật, vì mỗi biện pháp lại có một ưu, nhược điểm riêng.
 
Bị glôcôm, nên phẫu thuật hay dùng thuốc? - 1
Với nhiều loại thuốc tra mắt, người bệnh có thể ghi nhớ bằng "mẹo" gắn
với các hoạt động hàng ngày, phân biệt màu sắc của lọ thuốc...

Như với điều trị bằng thuốc, đây là phương pháp an toàn, rất có hiệu quả hạ nhãn áp và bảo vệ chức năng thị giác. Tuy nhiên, cũng có nhược điểm như bạn lo lắng, đó là việc tra thuốc kéo dài khiến người bệnh rất hay quên, hay chủ quan không hiểu rõ tầm quan trọng của bệnh và điều trị dẫn đến không tuân thủ phác đồ điều trị. Theo một kết quả thống kê tại bệnh viện Mắt trung ương, thì có từ 13 - 60% bệnh nhân không tuân thủ điều trị theo thuốc.

Ngoài ra, giá thành các loại thuốc nhỏ mắt, phải tra nhiều loại thuốc - tra nhiều lần… cũng là nhược điểm của phương pháp này.

Còn nếu phẫu thuật glôcôm thì tỷ lệ thành công tới 60-70% và sẽ thành công thêm 20% nếu dùng thuốc bổ sung. Tuy nhiên nó cũng có nhược điểm, đó là tỷ lệ thất bại sau vài tháng mổ là từ 10-15% do quá trình liền sẹo của cơ thể, ngoài ra 1% có thể có biến chứng nặng (chảy máu, nhiễm trùng); phẫu thuật có thể mất tác dụng sau 1 thời gian (7 - 8 năm sau phẫu thuật, khoảng 1/2 bệnh nhân phải mổ lại hoặc dùng thuốc hạ nhãn áp bổ sung).

Vì thế, tùy từng trường hợp cụ thể của mỗi bệnh nhân (bệnh lý, hoàn cảnh gia đình (ở cùng con cháu để có thể nhắc nhở tra thuốc)… mà bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị thuận lợi nhất cho người bệnh.

Riêng với phương pháp điều trị bằng thuốc, người bệnh có thể khắc phục tình trạng quên tra thuốc bằng cách gắn liền thời điểm nhỏ thuốc với các hoạt động thường ngày để dễ nhớ như khi ngủ dậy, bữa ăn, đi ngủ. Để tránh nhầm thuốc thì nên căn cứ vào màu sắc của mỗi lọ thuốc. Mỗi lọ thuốc có thể viết giấy dán vào, ghi nhớ thuốc màu xanh nhỏ lúc mấy giờ, màu đỏ nhỏ lúc mấy giờ… Ngoài ra cũng nên nhờ người khác nhắc nhở việc tra thuốc, để đảm bảo đúng quá trình điều trị, cho kết quả điều trị tốt nhất.

Hồng Hải (ghi)