1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh viện cần công nhận kết quả xét nghiệm của nhau!

(Dân trí) - Vấn đề các bệnh viện không công nhận, sử dụng kết quả xét nghiệm của nhau; có hay không tình trạng lạm dụng xét nghiệm xã hội hóa để tăng thu nhập cho bệnh viện... được đem ra mổ sẻ tại buổi kiểm tra tại BV Xanh Pôn, Việt Đức chiều 3/2.

Lâu nay, có một thực tế, với người bệnh chuyển tuyến từ tuyến cơ sở lên Trung ương, khi nhập viện hầu hết đều phải làm lại các xét nghiệm mà tuyến cơ sở đã thực hiện. Không riêng gì tuyến cơ sở, mà ngay các bệnh viện “ngang hàng” thì nhiều người dù có kết quả xét nghiệm vẫn phải chỉ định làm lại như thường.

Bệnh viện cần công nhận kết quả xét nghiệm của nhau!

Theo lý giải của ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc BV Xanh Pôn (Hà Nội), khi tiếp nhận bệnh nhân từ nơi khác chuyển đến, BV vẫn tôn trọng kết quả của các nơi khác chuyển đến, dùng lại chính kết quả xét nghiệm đó mà không phải làm lại. Tuy nhiên với một số trường hợp còn nghi ngờ, viết không rõ ràng thì vẫn phải làm lại xét nghiệm.

Còn tại BV Việt Đức, ông Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV, khẳng định: “BV Việt Đức sẵn sàng lấy kết quả xét nghiệm của các đơn vị khác nhưng với điều kiện phải đảm bảo chất lượng. Hiện tại bệnh viện đang chấp nhận một số kết quả xét nghiệm của một số bệnh viện lớn như: Bạch Mai, K, 108, Nhi Trung ương...”

Về vấn đề liệu có lạm dụng xét nghiệm dùng máy xã hội hóa để tăng doanh thu cho bệnh viện, chỉ định xét nghiệm “thừa” so với nhu cầu chẩn đoán bệnh, ông Trịnh Hồng Sơn khẳng định “trong điều trị nội trú không có chuyện chỉ định xét nghiệm thừa, ngoại trú thì có thể có, tuy nhiên con số này không phải nhiều”.

Ông Sơn dẫn chứng về việc 3 tuần vừa qua có một số xét nghiệm cho bệnh nhân ngoại trú không được thanh toán. Ví dụ có bệnh nhân là trẻ em nhưng nhân viên tại tích cả vào mục xét nghiệm ung thư tiền liệt tuyến. “Sơ xuất này do thái độ, không để ý, không chuyên tâm và những sơ xuất này không phải là nhiều, không phải hệ thống. Còn bác sĩ chỉ chỉ định xét nghiệm khi thấy cần thiết, trên thực trạng yêu cầu điều trị bệnh”, ông Sơn nói.

Tại buổi kiểm tra ở BV Xanh Pôn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhận thấy tại đây một số xét nghiệm bệnh nhân đã có ở viện khác nhưng đã phải làm lại, thậm chí có khi làm đi làm lại. Tuy nhiên nguyên nhân do một số điều kiện khách quan chưa cho phép nhận kết quả nguyên bản để từ đó bác sĩ có thể nhìn để chẩn đoán bệnh chính xác nên phải làm lại. Tuy nhiên cũng có những chỉ định xét nghiệm lại không cần tiết như chỉ định xét nghiệm nước tiểu, bệnh nhân cứ vào là phải là lại.

“Con số này không quá nhiều, nhưng theo tôi dù ít thì cũng không nên chấp nhận, không nên bao biện vì gây lãng phí, không cần thiết. Việt Nam không phải nước giàu, cái gì không đáng tiêu thì không nên làm. Xét nghiệm mà phí phạm rù rẻ nhưng cộng lên cũng thành một khoản lớn”, thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Vì thế, Thứ trưởng Tiến yêu cầu các bệnh viện phải rà soát, nhắc nhở các bác sĩ khi chỉ định xét nghiệm phải rà soát lại những xét nghiệm nào đã có có thể sử dụng được thì không cần làm lại; cái nào chưa có cần bổ sung để phục vụ chẩn đoán thì mới làm. Những xét nghiệm nào đắt tiền, bắt buộc phải làm lại thì giành thời gian tư vấn giải thích cho bệnh rõ không tạo bức xúc cho người bệnh.

Tại buổi làm việc, bà Lưu Thị Liên, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết các đơn vị trong ngành đã có nhiều chuyển trong việc không xét nghiệm lại cho người bệnh. Tuy nhiên bà Liên cũng cho rằng máy móc xét nghiệm ở mỗi tuyến, mỗi bệnh viện khác nhau, ở tuyến dưới các máy có thông số lớn không nhiều. Vì thế, trên xét nghiệm nếu không đủ các thông số cần thiết cho việc chẩn đoán bệnh thì việc phải xét nghiệm lại là cần thiết, trên cơ sở tận dụng tối đa các xét nghiệm cũ vẫn còn giá trị chẩn đoán.

Bà Liên cũng cho biết thêm, sắp tới Hà Nội sẽ khảo sát lại các đơn vị xem tỷ lệ sử dụng lại kết quả xét nghiệm của tuyến dưới là bao nhiêu %, nếu làm lại thì vì lý do gì.

Được biết, Bộ Y tế đã hoàn thiện dự thảo về quy trình kiểm chuẩn thiết bị xét nghiệm sinh hóa huyết học và sẽ ban hành trong thời gian tới. Đây sẽ là cơ sở để các bệnh viện tuân thủ để đảm bảo chất lượng xét nghiệm, từ đó tiến tới công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau, giảm chi phí cũng như phiền hà cho người bệnh.

Hồng Hải