Bệnh tim mạch, đái tháo đường “gánh nặng cho toàn nhân loại”

(Dân trí) - Mỗi năm có hơn 22 triệu người trên toàn cầu tử vong vì bệnh lý tim mạch và đái tháo đường. Dự báo, thời gian tới bệnh sẽ tiếp tục gia tăng ngốn một nguồn ngân sách khổng lồ của các quốc gia và để lại nhiều gánh nặng cho nhân loại.

Thông tin trên vừa được công bố tại “Hội thảo Chăm sóc sức khỏe tim mạch và chuyển hóa thế kỷ XXI” diễn ra tại TPHCM (ngày 13/4). Theo đó, bệnh lý tim mạch có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội, không loại trừ người trẻ tuổi, nam giới, phụ nữ hay trẻ em. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mỗi năm có khoảng 17,2 triệu người tử vong vì bệnh lý này. Nguyên nhân tử vong do bệnh lý tim mạch nhiều hơn gấp 6 lần tổng số người tử vong do 3 loại bệnh là HIV/AIDS, sốt rét và lao.

Nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cho thấy, trung bình, cứ 2 giây thì sẽ có một người chết do bệnh tim mạch. Cứ 4 giây sẽ có một người bị nhồi máu cơ tim, 5 giây có một người bị tai biến mạch máu não và cứ 3 người tử vong thì có một người mắc bệnh tim mạch. Dự báo, đến năm 2025 sẽ có khoảng 500 triệu người mắc các bệnh lý về tim mạch trên khắp thế giới. Trong các bệnh tim mạch thì tăng huyết áp là loại bệnh lý phổ biến nhất với tỷ lệ mắc gia tăng hàng năm và đang dần trẻ hóa.

Bệnh lý tim mạch tấn công mọi giới, mọi lứa tuổi
Bệnh lý tim mạch tấn công mọi giới, mọi lứa tuổi

Bên cạnh bệnh lý tim mạch thì đái tháo đường týp 2 cũng đang là hiểm họa của nhân loại. Thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới IDF (International Diabetes Federation) năm 2013 toàn cầu có 382 triệu người mắc đái tháo đường týp 2. Trung bình mỗi năm trên thế giới, căn bệnh này cướp đi sinh mạng của gần 5 triệu người. Ước tính cứ một ngày trôi qua lại có 3.600 bệnh nhân mới mắc đái tháo đường được phát hiện, dự đoán đến năm 2035 thế giới sẽ có 592 triệu người mắc đái tháo đường.

Nghiên cứu của Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới chỉ ra: Tại Ấn Độ, mỗi người mắc đái tháo đường sẽ tốn 25% thu nhập của gia đình dành cho việc điều trị; tại Mỹ là 10%; ở một số quốc gia khác, con số này dao động từ 10 đến 20%. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Viện Nội tiết Trung ương, năm 2012 nước ta có 5,7% người mắc bệnh đái tháo đường và là một trong những nước có tốc độ phát triển bệnh đái tháo đường nhanh nhất toàn cầu.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, một chế độ ăn uống và tập luyện thể dục thể thao hợp lý mỗi ngày sẽ giúp nhân loại phòng ngừa được hai loại bệnh nguy hiểm nói trên. Việc tầm soát, phát hiện và điều trị bệnh sớm giúp bệnh nhân tránh được những biến chứng nguy hiểm góp phần nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng sống cho toàn nhân loại.

Vân Sơn