TPHCM:
Bệnh sốt xuất huyết vào mùa, số ca bệnh tăng nhanh
(Dân trí) - Mưa liên tục tại khu vực Nam bộ thời gian qua đang tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết gia tăng. Ngành Y tế cảnh báo, sốt xuất huyết sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới, người dân cần chủ động các biện pháp phòng ngừa bệnh.
Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng cho thấy, tích lũy từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố có hơn 4.500 trường hợp mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị. Tính riêng trong tháng 8, trung bình mỗi tuần có 160-190 trường hợp mới mắc sốt xuất huyết, số ca bệnh đã tăng 20% so với cùng kỳ tháng 7.
Ca bệnh sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới
Không chỉ riêng TPHCM, số ca bệnh từ những tỉnh thành lân cận chuyển đến các bệnh viện trên địa bàn thành phố cũng có dấu hiệu gia tăng. Trung bình mỗi tuần tại bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 điều trị cho khoảng hơn 250 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. Tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, số ca bệnh của cả trẻ em và người lớn mỗi tuần cũng có khoảng 100 ca. Hơn 60% bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện trên là người ở các tỉnh khác chuyển lên điều trị.
BS Phan Tứ Quí, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực và chống độc trẻ em cho biết: Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 2.500 ca sốt xuất huyết, trong đó có khoảng 900 ca là bệnh nhi. Phân tích của BS Tứ Quí cho thấy, những ca bệnh sốt xuất huyết được điều trị tại khoa từ đầu năm đến nay thường có diễn tiến nặng và nguy hiểm hơn so với các năm trước đang gây ra những khó khăn không nhỏ trong việc điều trị.
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng nhận định, thời tiết mưa nhiều đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự gia tăng về mật độ của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Dù số ca bệnh của năm 2014 đang ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2013 nhưng dự báo khi khu vực Nam bộ đi sâu vào mùa mưa, sốt xuất huyết sẽ còn diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng.
Bệnh sốt xuất huyết không truyền trực tiếp từ người sang người mà lây qua trung gian là muỗi vằn. Loài muỗi này sinh sản trong nước sạch đặc biệt là nước mưa, do đó tất cả những khu vực nước sạch tù đọng đều có thể trở thành điểm nguy cơ xuất hiện ổ muỗi gây bệnh. Đến nay, bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin chủng ngừa. Để ngăn chặn sự lây lan của sốt xuất huyết, biện pháp hiệu quả nhất là diệt muỗi và diệt lăng quăng.
Trung tâm Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát; phát quang bụi rậm; khơi thông hoặc san lấp những khu vực ao tù nước đọng; những vật dụng phế thải hoặc vật dụng không sử dụng đến nhưng có thể chứa nước mưa ở quanh nhà cần dọn dẹp, đậy kín miệng hoặc úp xuống để muỗi không có chỗ sinh sản; thường xuyên ngủ mùng và áp dụng các biện pháp diệt muỗi…
Sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao liên tục từ 3-5 ngày sau đó chuyển sang giai đoạn sốc, biến chứng,… người dân cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ bệnh diễn tiến nặng.
Cùng với bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cũng khuyến cáo người dân và đề nghị các đơn vị trực thuộc không lơ là với bệnh tay chân miệng. Hiện mỗi tuần trên địa bàn thành phố ghi nhận khoảng 120 ca mắc tay chân miệng, từ đầu năm đến nay, số ca bệnh đã lên tới hơn 6.300 ca.
Mặc dù số ca bệnh đang có chiều hướng giảm, tuy nhiên những nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh đang rình rập trẻ trong mùa tựu trường. Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và người chăm trẻ; vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần đối với đồ chơi và khu vực vui chơi của trẻ; thực hiện ăn chín, uống sôi, không cho trẻ ăn chung muỗng, chung chén… là những biện pháp tiên quyết để phòng bệnh tay chân miệng.
Vân Sơn