Bệnh... sợ đi học
Kết quả nghiên cứu của bác sĩ Phạm Thị Ngọc Tuyết, Trưởng Khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 2 về tình trạng đau bụng tái diễn ở học sinh trung học Q.1, TPHCM, cho thấy những cơn đau thường xuất hiện vào khoảng thời gian cao điểm của học tập, gặp nhiều ở tháng 9, tháng 10, thời điểm thi học kỳ 1, 2.
Trong số 1.026 em được chọn nghiên cứu, có tới 27,5% học sinh cho rằng việc học tập ở trường là quá nhiều.
Đau bụng, ói, tiểu lắt nhắt...
Cháu N.V.H, 10 tuổi, quận Bình Thạnh, TPHCM, được cha mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM khám bệnh với lý do hơn một tháng qua cứ đến cổng trường là H. lại bị ói. Sau khi khám, xét nghiệm, siêu âm, các bác sĩ kết luận H. không có bệnh lý thực thể và chuyển sang khoa tâm lý. Tại đây, H. đã “ thổ lộ” rằng vì học kém môn toán nên H. rất sợ đi học và mỗi khi nhìn thấy cổng trường học, H. có một cảm giác rất khó chịu và ói ra.
Còn P.T.L, 9 tuổi (Q.1, TPHCM), được đưa đến BV Nhi Đồng 2 khám với lý do thường xuyên bị đau bụng. Cứ chuẩn bị bước vào cửa lớp là L. bị đau bụng trong khi ở nhà thì không bao giờ thấy. P.T.L cũng được các bác sĩ chẩn đoán là bị rối loạn tâm lý do sợ đi học.
Chuyên gia tâm lý Ngô Xuân Điệp, Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2, cho biết hiện nay khoa tiếp nhận nhiều học sinh bị rối loạn tâm lý do sợ đi học. Lúc đó, trẻ sẽ có biểu hiện như đau bụng, ói, tiểu lắt nhắt... Những bệnh nhân này đã bị căng thẳng kéo dài và những triệu chứng trên chính là “tiếng chuông báo động” rằng chúng không thể chịu nổi cuộc sống này nữa. Nếu không được đưa đi khám bệnh, giải tỏa tâm lý, những học sinh này sẽ có sự phát triển bất thường về mặt nhân cách như nhu nhược, hiếu động, quậy phá, giao tiếp kém...
Chuyên gia tâm lý Ngô Xuân Điệp cho rằng ngoài chương trình học căng thẳng, quá tải như hiện nay thì nhiều học sinh lại bị căng thẳng ở mối quan hệ với thầy cô giáo. Trường hợp của cháu T.V.N, 10 tuổi ở Vũng Tàu, là một ví dụ. Có lần nhìn thấy cô giáo trừng mắt, N. sợ quá đã “tè” ngay tại lớp. Trong quá trình dạy, nhiều thầy cô đã tạo cho mình một vẻ uy nghi, nghiêm khắc quá đối với học sinh. Chính vì vậy mà học sinh không tìm được sự gần gũi, quen thuộc, an toàn để có thể “chia sẻ”. Điều này đã làm cho học sinh luôn bị căng thẳng, đặc biệt là ở những trẻ học kém. Càng căng thẳng, chúng càng không thể tập trung vào các bài học.
Những đứa trẻ thông minh nhưng học dốt
Chính tình trạng căng thẳng kéo dài đã làm nhiều học sinh có chỉ số IQ bình thường, thậm chí thông minh nhưng vẫn là những học sinh dốt. Một số bậc phụ huynh đưa trẻ đến Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2 với tâm trạng rất buồn vì cho rằng con họ chậm phát triển. Họ kể con họ học rất kém so với bạn bè trong lớp. Tuy nhiên, khi chuyên gia tâm lý kiểm tra chỉ số IQ thì kết quả lại cho thấy nhiều cháu bé có chỉ số IQ bình thường, thậm chí rất thông minh. Một cháu bé đã thắc mắc với chuyên gia tâm lý về chuyện sao cháu giải toán đúng mà cô giáo vẫn cho điểm kém. Ở nhà, thầy gia sư dạy cháu giải một kiểu khác. Khi đến lớp, cháu cũng áp dụng cách giải nhưng cô giáo vẫn cho cháu điểm kém. Sau khi nghe câu chuyện này, chuyên gia tâm lý Ngô Xuân Điệp khẳng định sẽ không có học sinh nào thoải mái được với phương pháp dạy như trên của cô giáo.
Chuyên gia tâm lý Điệp lưu ý, khi thấy con mình học kém hơn hẳn so với các bạn trong lớp, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để tìm nguyên nhân. Có thể trẻ có chỉ số IQ bình thường, thậm chí thông minh nhưng do phương pháp dạy không phù hợp đã ngăn cản sự phát triển của trẻ. Với trường hợp này, các bác sĩ, chuyên gia tâm lý sẽ có phương pháp can thiệp để phát huy khả năng vốn có của trẻ. Trong trường hợp trẻ học kém là do chậm phát triển thì các bác sĩ, chuyên gia tâm lý cũng có phương pháp giúp trẻ tiến bộ hơn, tránh tình trạng căng thẳng lo âu, sợ sệt vì đã “ngồi nhầm chỗ”.
Theo Thùy Dương
Người lao động