Bệnh nhân ung thư thời dịch Covid-19: Đừng sợ quá mà quên tái khám

Sợ dịch Covid-19, nhiều bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng đã trì hoãn tái khám, xạ trị mà không tham khảo ý kiến bác sĩ. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ bệnh nặng hơn.

Sợ Covid-19 không dám đi khám

Bác sĩ Nguyễn Thị Thái Hoà - Trưởng khoa Nội lồng ngực (Bệnh viện K T.Ư) cho biết, thời gian qua, bà nhận được khá nhiều câu hỏi của bệnh nhân ung thư phổi như: “Có nên đi tái khám ung thư khi đang có dịch Covid-19” hay “có nên giãn cách thời gian xạ trị để tránh Covid-19”...

Bệnh nhân ung thư thời dịch Covid-19: Đừng sợ quá mà quên tái khám - 1

Khám sức khỏe cho bệnh nhân tại Bệnh viện K Trung ương. Ảnh: T.K

“Bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng cần thực hiện nghiêm ngặt các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng dịch Covid-19 như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, hạn chế đi ra ngoài, tiếp xúc đám đông, duy trì chế độ luyện tập thể dục nâng cao sức khỏe, ăn uống đầy đủ dưỡng chất...”.

Bác sĩ Nguyễn Công Hoàng

 

Theo bác sĩ Hòa, việc tuân thủ kế hoạch điều trị chiếm vai trò quan trọng trong điều trị bệnh. Trong dịch bệnh phức tạp, các bác sĩ cũng chia sẻ lo lắng của bệnh nhân và người nhà khi đến bệnh viện. Tuy nhiên, bên cạnh nguy cơ nhiễm Covid-19 và các biến chứng có thể gặp phải khi mắc Covid-19 thì nguy cơ bệnh ung thư tiến triển cũng luôn thường trực. Bác sĩ sẽ phải cân nhắc để làm thế nào để kéo dãn điều trị một cách thích hợp mà không ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

“Đối với ung thư phổi, sẽ có những giai đoạn bệnh mà việc điều trị không nên trì hoãn, bởi điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị. Đó là các bệnh nhân trong giai đoạn điều trị triệt căn. Còn đối với bệnh nhân ở giai đoạn điều trị tiến xa và đã đạt được đáp ứng ban đầu, đang điều trị duy trì ổn định bệnh thì việc kéo dãn thời gian điều trị trong một thời gian ngắn cũng được. Để đưa ra khuyến cáo này thì bác sĩ điều trị sẽ nắm rõ nhất, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có quyết định sáng suốt nhất” - bác sĩ Hòa khuyến cáo.

Theo bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh - Trưởng phòng Công tác xã hội, phụ trách Phòng Quản lý chất lượng (Bệnh viện K T.Ư), vài ngày gần đây, số người bệnh ung thư quay lại tái khám tại Bệnh viện K khá đông. Bệnh viện đã bố trí nhiều bàn đón tiếp, sàng lọc sức khỏe cho bệnh nhân và người nhà, yêu cầu đo nhiệt độ, kê khai y tế...

“Người bệnh nên khai báo trung thực yếu tố dịch tễ của mình. Để tránh phải chờ lâu, người bệnh nên khai báo online trước khi đến bệnh viện. Chúng tôi cũng đã phổ biến cho người bệnh, người nhà bệnh nhân cách khai báo online này trên trang web của Bệnh viện K” - bác sĩ Tĩnh cho biết.

Hiện Bệnh viện K T.Ư cũng sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ từ xa đối với bệnh viện vệ tinh, bệnh viện tuyến cơ sở để người bệnh có thể được khám, điều trị bệnh trong thời gian giãn cách xã hội phòng tránh Covid-19. Đối với bệnh nhân tái khám, bệnh viện cũng kê đơn thuốc 2 tháng cho từng bệnh nhân để hạn chế bệnh nhân phải đến bệnh viện.

Nguy cơ biến chứng nặng

Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu người mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Năm 2018, tại Việt Nam có thêm hơn 23.000 người mắc ung thư phổi, con số này dự báo có thể sẽ tăng lên vào những năm tiếp theo. Ung thư phổi là một trong những ung thư đứng hàng đầu và có tỷ lệ tử vong cao trong các bệnh ung thư thường gặp.

Trong mùa dịch Covid-19, bệnh nhân ung thư phổi cũng có nguy cơ dễ mắc bệnh và dễ biến chứng nặng nếu mắc Covid-19. Nghiên cứu mới đây từ các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy, người bệnh ung thư có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao hơn so với người không mắc bệnh ung thư. Người bệnh ung thư (đặc biệt là ung thư phổi) đang hoặc vừa được điều trị phẫu thuật hay hóa chất, khi nhiễm Covi-19 thường có nguy cơ gặp biến cố lâm sàng cao hơn so với người không mắc bệnh ung thư.

Về nguy cơ mắc Covid-19 và nếu mắc thì biến chứng nặng của bệnh nhân ung thư phổi, bác sĩ Nguyễn Công Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm xạ trị quốc gia, Trưởng khoa Xạ lồng ngực (Bệnh viện K T.Ư) đánh giá: “Đối với bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng cũng như các phương pháp điều trị ung thư với những tác dụng phụ, thời gian điều trị kéo dài khiến sức khỏe của bệnh nhân suy yếu, khả năng miễn dịch đối với các tác nhân trong đó có virus kém hơn. Do đó nếu bệnh nhân ung thư mà lại bị mắc thêm các bệnh lý nhiễm trùng hoặc nhiễm virus thì sẽ khiến cơ thể suy yếu. Khi sức khỏe của họ quá yếu, bác sĩ không dám thực hiện các phương pháp điều trị ung thư, bệnh ung thư có thể nặng hơn. Nhiều nước đã khuyến cáo về nguy cơ Covid-19 biến chứng nặng ở người có bệnh nền”.

Theo Danviet.vn