Bệnh nhân ung thư phải làm gì để kiểm soát cơn đau?

Minh Anh

(Dân trí) - Đau là một triệu chứng thường gặp ở các bệnh nhân ung thư. Những cơn đau sẽ làm ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và hơn hết những cơn đau ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của bệnh nhân.

Việc điều trị cơn đau là một phần công việc của bác sĩ, tuy nhiên nhiệm vụ quan trọng của bệnh nhân là lắng nghe cơ thể mình và trao đổi với bác sĩ những thông tin cần thiết.

Đầu tiên hãy nói sớm và mô tả chính xác cơn đau: khi nào bắt đầu đau; đau ở đâu; cảm thấy cơn đau như thế nào, mức độ đau, cơn đau kéo dài bao lâu, có ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngay không, những yếu tố làm đau tăng hoặc tư thế nào giảm đau; các loại thuốc đang sử dụng để giảm đau và hiệu quả của các thuốc đó; các triệu chứng đi kèm theo cơn đau.

Bệnh nhân ung thư phải làm gì để kiểm soát cơn đau?  - 1

Việc đưa ra kế hoạch điều trị giảm đau ở bệnh nhân ung thư là công việc của đội ngũ nhân viên y tế. Tuy nhiên sự phối hợp của bệnh nhân lại chiếm một vai trò vô cùng quan trọng.

Thứ nhất bệnh nhân và người nhà bệnh nhân luôn luôn nhớ rằng đau do ung thư có thể kiểm soát được, việc kiểm soát này là một phần của chiến lược điều trị.

Thứ hai hãy trao đổi cởi mở, trung thực  và rõ ràng với bác sỹ của mình về những cơn đau hay những triệu chứng mà mình đang gặp phải vì họ chính là những người giúp mình giảm đau.

Thứ ba, có rất nhiều thuốc cũng như phương pháp giảm đau. Với mỗi bệnh nhân sẽ có một kế hoạch giảm đau khác nhau và hiệu quả của mỗi phương pháp giảm đau với các bệnh nhân cũng khác nhau. Vì vậy thay vì tự ý làm theo người bệnh bên cạnh mình, hãy lắng nghe và làm theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

Thứ tư, uống thuốc đúng theo hướng dẫn kể cả liều lượng hay thời gian, thực hiện đúng các chỉ định của đội ngũ nhân viên y tế .

Ngoài ra để giảm đau người bệnh thử tắm nước ấm hoặc lau bằng khăn ấm lên vùng bị đau (tránh lau lên vùng đang xạ trị). Nếu không đỡ, hãy thử chườm lạnh. Mát xa nhẹ cũng có thể giúp giảm đau. Người chăm sóc thử đề xuất các hoạt động thú vị để đánh lạc hướng người bệnh khỏi cơn đau như đi lại, nghe nhạc.... Lên kế hoạch các hoạt động khi người bệnh thoải mái và tỉnh táo nhất. Cho người bệnh dùng nhiều nước và thực phẩm giàu chất xơ…

Và lưu ý, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc giảm đau khi chưa có chỉ định của bác sĩ.