1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh nhân nghèo nặng gánh

Lo vỡ quỹ bảo hiểm y tế, các cơ quan chức năng tìm cách siết chặt việc chỉ định những loại thuốc chi phí lớn hay có khả năng lạm dụng.

Dự thảo danh mục thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) mới nhất đang được Bộ Y tế xây dựng dự kiến sẽ bỏ nhiều loại thuốc. Trong đó, một số thuốc trị ung thư, viêm khớp, viêm gan, ngộ độc… sẽ không nằm trong danh mục được BHYT chi trả 100%.

 

“Chẳng biết phải làm sao”

 

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết theo dự thảo thông tư mới về danh mục thuốc được BHYT chi trả sẽ có 98 loại bị loại ra khỏi danh mục này, đồng thời bổ sung thêm 41 loại mới thuộc các nhóm điều trị bệnh máu, tim mạch, ung thư… Với dự thảo này, danh mục thuốc được BHYT chi trả dự kiến sẽ có 836 hoạt chất và 1.052 loại thuốc được BHYT chi trả 100%. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc ngừng đăng ký lưu hành hoặc thuốc trùng nhau sẽ bị loại khỏi danh mục.

 

Tại dự thảo này, hầu hết các loại thuốc điều trị ung thư, tim mạch, xương khớp… có chi phí lớn đang được quỹ BHYT thanh toán 50-100% sẽ được xem xét xếp vào nhóm 34 loại thuốc có giới hạn chỉ định với một số bệnh. “Danh mục này cũng quy định cụ thể bệnh nào thì được thanh toán và thanh toán bao nhiêu… nhằm tăng cường kiểm soát việc lạm dụng thuốc” - bà Hương nói. Chẳng hạn, thuốc Cetuximad chỉ được chỉ định điều trị đối với bệnh nhân ung thư trực tràng di căn thuộc type KRAS tự nhiên; thuốc Trastuxumat chỉ định điều trị với bệnh nhân ung thư vú có HERS2 dương tính, ung thư dạ dày di căn có HERS2 dương tính; thuốc Gefitinib chỉ điều trị ung thư phổi thể không phải tế bào nhỏ; thuốc Rituximad chỉ định điều trị ulympho không phải Hodgkin tế bào B có CD20 dương tính…

 

Dù được quỹ BHYT chi trả một khoản tiền lớn nhưng người bệnh vẫn chật vật mỗi khi khám chữa bệnh

Dù được quỹ BHYT chi trả một khoản tiền lớn nhưng người bệnh vẫn chật vật mỗi khi khám chữa bệnh

 

Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh quỹ BHYT bị đe dọa vỡ thì việc loại khỏi danh mục BHYT những thuốc đắt tiền, có chi phí lớn là cần thiết. Tuy nhiên, gánh nặng này lại đổ sang cho những người đã nghèo lại bị trọng bệnh. Anh Mai Văn H. (ngụ tỉnh Nam Định) có người nhà đang điều trị ung thư tại Bệnh viện K Trung ương, cho biết cha anh được phát hiện ung thư đại tràng cách đây 6 tháng. Hai đợt điều trị hết hơn 100 triệu đồng nhưng vì gia đình thuộc hộ nghèo nên được thanh toán 95%. “Nhà tôi chỉ có 1 chiếc xe máy cũ dùng để làm xe thồ kiếm kế sinh nhai. Do đó, tuy chỉ thanh toán 5% viện phí (5-6 triệu đồng) nhưng cũng phải cắt cả ruộng để bán. Nếu đợt tới, bảo hiểm không chi trả những loại thuốc điều trị ung thư đắt tiền thì gia đình chẳng biết phải làm sao” - anh H. thở dài.

 

Thừa tiền vẫn siết quyền lợi

 

Thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy đến hết năm 2013, quỹ BHYT kết dư khoảng 15.000 tỉ đồng. Tuy vậy, trên thực tế, người bệnh vẫn chật vật cùng chi trả BHYT và phàn nàn về chất lượng khám chữa bệnh BHYT. Nhiều bác sĩ cho rằng bản chất của BHYT là chia sẻ rủi ro. Vì vậy, với người bệnh nghèo, người bệnh mạn tính hoặc người mắc các bệnh hiểm nghèo phải điều trị lâu dài thì quỹ BHYT chính là “cứu tinh”, “thần hộ mệnh”. Nếu như chỉ vì sợ quỹ vỡ mà hạn chế thuốc đắt, thuốc chữa ung thư thì có thể đẩy những người này vào đường cùng. Bà Nguyễn Phạm Ý Nhi, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), cho rằng ngoài những thuốc được quỹ BHYT chi trả 100% thì những loại thuốc đắt tiền, nhất là thuốc điều trị ung thư, nên hỗ trợ chi trả cho người bệnh với tỉ lệ nhất định.

 

Theo kết quả khảo sát của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tình trạng lạm dụng quỹ BHYT của các cơ sở khám chữa bệnh vẫn chưa được khắc phục triệt để. Đặc biệt, việc chỉ định rất “thoáng” các thuốc hỗ trợ điều trị, dịch vụ y tế không cần thiết, gây tốn kém cho người dân và quỹ BHYT.

 

“Tại thời điểm này, chưa đến mức “thủng” quỹ BHYT nhưng với tình trạng lạm dụng, trục lợi thuốc và dịch vụ kỹ thuật y tế sẽ gây nhiều khó khăn cho quỹ. Hơn nữa, có những thuốc điều trị ung thư, quỹ BHYT phải thanh toán hàng trăm triệu đồng/đợt mà hầu như không đem lại hiệu quả, bệnh nhân chỉ kéo dài sự sống thêm một vài tháng, ảnh hưởng rất lớn đến quỹ BHYT”, một chuyên gia y tế nhận định.

 

Nhiều loại thuốc giá rất cao

 

Theo danh mục 34 thuốc bị giới hạn chỉ định, nhiều loại có giá rất cao. Đơn cử như thuốc Erlotinib (dạng uống, điều trị ung thư phổi) có chi phí hơn 40 triệu đồng/tháng điều trị. Thuốc Gefitinib (dạng uống, điều trị ung thư phổi) có chi phí hơn 36 triệu đồng/tháng. Thuốc Sorafenib (điều trị ung thư tế bào) chi phí tới 118 triệu đồng/tháng…

 

Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị ung thư mới như Cetuximad thì cần tới 600 triệu đồng cho một liệu trình điều trị 8 tuần; thuốc Transtuzumab chi phí từ 200-800 triệu đồng/năm tùy theo liệu trình điều trị...

 

Theo Ngọc Dung

Người lao động