1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh nhân Covid-19 ủ bệnh đến 23 ngày?

(Dân trí) - Ca mắc Covid-19 mới đây của Hà Nội có xét nghiệm dương tính sau 23 ngày đến BV Bạch Mai. Nhiều người lo virus ủ bệnh 23 ngày, theo chuyên gia cần điều tra dịch tễ kỹ mới có thể đưa ra kết luận.

Tối 6/4, Bộ Y tế công bố ca bệnh Covid-19 số 243 là bệnh nhân nam 47 tuổi ở Mê Linh, TP Hà Nội. Ngày 12/3, người này đưa vợ đi khám tại Khoa miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai. Ngày 4/4, người này được CDC Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm và tối 5/4 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. 

Vì thế, nhiều người lo ngại thời gian ủ bệnh của người này lên đến 23 hay 24 ngày. 

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng cần điều tra dịch tễ thật kỹ về trường hợp bệnh nhân này. Hiện nay nếu theo điều tra, thời gian từ lúc bệnh nhân vào Bệnh viện Bạch Mai đến khi có xét nghiệm dương tính là 23 ngày.

“Giả sử bệnh nhân có lây từ Bệnh viện Bạch Mai thì cũng phải điều tra xem trong giai đoạn từ lúc đến BV Bạch Mai đến nay có thời điểm nào bệnh nhân đã có những triệu chứng rất nhẹ của bệnh như sốt, ho, mệt mỏi… mà không phát hiện ra hay không”, TS Phu nói.

Tuy vậy bệnh nhân này còn đi đến nhiều nơi khác như Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Yên (Vĩnh Phúc), tiếp xúc với nhiều người… Nên TS Phu cho rằng việc kết luận thời gian ủ bệnh của bệnh nhân này là bao nhiêu thì cần điều tra thật kỹ lưỡng.

Hiện thế giới cũng chưa có khuyến cáo mới gì về thời gian ủ bệnh. Thời gian ủ bệnh của virus SARS-CoV-2 trung bình là 5-6 ngày, tối đa là 14 ngày. Một số nghiên cứu có chỉ ra rằng có thể thời gian ủ bệnh kéo dài nhưng đây kết quả từ một vài báo cáo nhỏ và cũng chỉ là nhưng ca bệnh cá biệt.

Bệnh nhân Covid-19 ủ bệnh đến 23 ngày? - 1

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, thời gian ủ bệnh được tính từ lúc chắc chắn virus xâm nhập vào cơ thể - tiếp xúc với người bệnh sau đó bị bệnh. Tuy nhiên có thể tiếp xúc lần 1, virus chưa xâm nhập, tiếp xúc lần sau virus với vào cơ thể. Việc tính toán chính xác ngày nào virus tấn công là vô cùng khó. 

Khi một người tiếp xúc với rất nhiều người, cộng thêm một số ca mắc Covid-19 không có triệu chứng thì không thể biết chắc chắn người nào lây bệnh cho mình. Trừ khi bệnh nhân không tiếp xúc với ai khác, chỉ tiếp xúc duy nhất với một người này thì chắc chắn người đó lây cho mình. 

Với trường hợp bệnh nhân trên không thể xác định chắc chắn thời gian người này tiếp xúc với mầm bệnh. 

Ngoài ra, theo BS Khanh cũng có một tình huống khác là bệnh nhân tiếp xúc với người đã phát bệnh ra rồi nhưng không có triệu chứng hoặc rất nhẹ. Thực tế, rất nhiều bệnh nhân tại nước xét nghiệm ra bệnh nhưng tổng trạng sức khỏe rất tốt, thậm chí triệu chứng rất nhẹ. Đặc tính của virus này như thế. 

“Một người đã bị bệnh thì không thể chắc chắn chắn là 14 ngày họ sẽ hết virus. Thời gian đào thải virus của cơ thể mỗi người là khác nhau, có người 2-3 ngày nhưng có người đến 20 ngày vẫn chưa đào thải hết virus, phụ thuộc khả năng miễn dịch của mỗi cơ thể.”, BS Khanh phân tích. 

Một khả năng khác là bệnh nhân này có thể đã phát bệnh, đã có virus từ trước ngày được lấy mẫu xét nghiệm, ví dụ từ một ngày trước khi xét nghiệm nhưng triệu chứng quá nhẹ. Hoặc cũng có thể có tình huống người lành mang trùng, tuy nhiên việc này cần xét nghiệm nhiều mới kết luận được.  

Theo bác sĩ Khanh, thời gian ủ bệnh bao lâu phụ thuộc vào tính chất của virus. Khi virus xâm nhập vào cơ thể, nó chờ một thời gian nào đó để phát tán trở lại, xuất hiện triệu chứng và bắt đầu phát tán virus ra bên ngoài. Không phải thời gian ủ bệnh của virus nào cũng giống nhau, đặc biệt là virus gây bệnh đường hô hấp thì thời gian này ngắn hơn. Đặc biệt là với virus corona, nó vào cơ thể chủ yếu ở vùng cổ họng. 

Vì thế không phải tự dưng mà có con số này 14 ngày, cần có quy trình để virus sinh sôi, phát tán và gây bệnh. Đa số virus hô hấp sinh sôi phát triển nhanh, tối đa 14 ngày. 

“Đây cũng không phải lần đầu thông tin về thời gian ủ bệnh kéo dài được nhắc đến, đặc biệt là tại Trung Quốc. Tuy nhiên sau đó, WHO kết luận là không có cơ sở”, BS Khanh chia sẻ.

Các nghiên cứu tổng kết đến thời điểm này (trên số lượng bệnh nhân lớn) cho thấy, thời gian ủ bệnh trung bình là 5-6 ngày, nhanh nhất là 2 ngày, chậm chất là 14 ngày. 

Nam Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm