1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh nhân Bệnh viện K Trung ương “kêu trời” vì đợi khám, chiếu chụp

(Dân trí) - Tại BV K Trung ương, một bệnh nhân sau phẫu thuật u vú được chuyển về khoa Xạ trị 2 để xạ trị. Thế nhưng suốt 2 ngày, bệnh nhân không không được chiếu chụp vì không gặp được bác sĩ, vì máy xạ trị “hỏng từ Tết” không thể chiếu chụp.

Đó là bức xúc của gia đình bệnh nhân tên Ánh (Hà Nội) khi gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế vì thái độ làm việc, tiếp đón bệnh nhân tại BV K Trung ương.

Theo phản ánh, bệnh nhân Ánh được chẩn đoán K vú và được chỉ định mổ, đã được mổ u vú tại khoa K3, Bệnh viện K Trung ương. Sau phẫu thuật, sáng 21/10 chị Ánh được chuyển về khoa Xạ trị 2 (ở cơ sở 1 của Bệnh viện K ở 43 phố Quán Sứ- Hà Nội) để tiến hành xạ trị.

Bệnh nhân làm thủ tục chờ khám bệnh tại BV K Trung ương. Ảnh: H.Hải

Bệnh nhân làm thủ tục chờ khám bệnh tại BV K Trung ương. Ảnh: H.Hải

Theo ông Thắng, người nhà bệnh nhân, sau khi làm thủ tục ban đầu, chị Ánh được chuyển đến gặp bác sĩ khoa Xạ Trị 2 và đã phải chờ đợi rất lâu, từ 15h ngày 21/10, đến 17h15 phút thì bác sĩ đi ra khỏi phòng, khóa cửa ra về và hẹn bệnh nhân 8h sáng hôm sau đến.

Đến sáng 22/10, theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, chị Ánh đến cửa phòng đợi từ 8h sáng và sau 3 tiếng chờ đợi mới đến lượt khám. Tại đây, bác sĩ khám cho chị và chỉ định chiếu chụp. Điều đáng nói là khi người nhà đưa chị Ánh đến bộ phận chiếu chụp của bệnh viện thì “ngã ngửa” bởi nhân viên y tế tại đây thắc mắc: “Tại sao máy hỏng từ Tết rồi mà bác sĩ không biết và vẫn chỉ định chiếu chụp”?.

Trong suốt gần 2 ngày được chuyển đến khoa Xạ trị, nguyên việc chờ đợi được gặp bác sĩ cũng là quá mệt mỏi, lại đến việc chỉ định chiếu chụp nhưng máy chiếu chụp lại… hỏng từ Tết khiến người nhà bệnh nhân Ánh vô cùng bức xúc nên đã phản ứng, to tiếng với nhân viên y tế tại đây. Trước phản ứng của người bệnh, bộ phận chiếu chụp của BV K đã hẹn bệnh nhân sáng hôm sau qua lại. Nhưng như “giọt nước tràn ly”, đúng 9h sáng 23/10, chị Ánh trở lại theo lịch hẹn thì lại được hẹn 15h chiều cùng ngày quay lại. Quá bức xúc, người nhà bệnh nhân đã gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế phản ánh vụ việc.

Ngay khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ đường dây nóng, ngày 23/10, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) gửi công văn yêu cầu Bệnh viện K Trung ương yêu cầu kiểm tra, xác minh ý kiến phản ánh của người dân qua đường dây nóng phàn nàn về thái độ phục vụ và nhũng nhiễu của bác sĩ, nhân viên y tế tại cơ sở 1 (số 43 phố Quán Sứ, Hà Nội), báo cáo kết quả giải quyết về Bộ Y tế trước ngày 27/10.

Trước đó, từ tháng 11/2013 Bộ Y tế đã ra chỉ thị yêu cầu tất cả các bệnh viện thiết lập đường dây nóng, có cán bộ y tế trực 24/24 để kịp thời xử lý những phản ánh của người bệnh về những hoạt động chuyên môn trong khám chữa bệnh cũng như trong ứng xử, thái độ của y bác sĩ với bệnh nhân. Người bệnh có thể phản ánh mọi vấn đề bức xúc, những thông tin liên quan đến quá trình khám chữa bệnh như tinh thần thái độ phục vụ, ứng xử của nhân viên y tế, chậm xử trí các tình huống chuyên môn cấp cứu khẩn cấp; có biểu hiện vòi vĩnh, tiêu cực với người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh, khen ngợi cá nhân, tập thể trong bệnh viện…

 Sau 2 tháng đưa vào hoạt động, đã có tới 2.626 cuộc gọi của người dân đến đường dây nóng. Tuy nhiên, trong số đó có đến 1.732 cuộc gọi (66%) ngoài phạm vi tiếp nhận, nhầm số hoặc không có nhu cầu. Ngoài ra, các cuộc gọi không có mục đích, nháy máy và quấy rối chiếm tỷ lệ khá cao với 771/ 2.626 cuộc gọi (chiếm 29,36%), chỉ có 34% cuộc gọi đúng phạm vi tiếp nhận (894 cuộc gọi).

Đáng nói, trong số 894 cuộc gọi đúng phạm vi tiếp nhận có gần 40% cuộc gọi phàn nàn về chuyên môn, thái độ và trách nhiệm của bác sĩ, 16,2% phản ánh gian lận/hối lộ/viện phí; 23,7% phản ánh làm sai quy định của cơ sở y tế; 20,2% phản ánh cơ sở vật chất/nội quy của cơ sở y tế.

Hồng Hải