1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh có thể gặp ở tinh hoàn

(Dân trí) - Đau, sưng, nhạy cảm khi sờ nắn tinh hoàn… có thể là biểu hiện của bệnh ung thư tinh hoàn hoặc những chứng viêm khác. Hãy cảnh giác khi phát hiện có những bất thường sau:

Ung thư tinh hoàn

 

Xảy ra khi các tế bào bất thường của tinh hoàn phân chia và phát triển không thể kiểm soát. Một số trường hợp, khối u lành có thể tiến triển và trở thành ung thư. Ung thư tinh hoàn cũng có thể phát triển ở một hay cả 2 bên ở ngừơi trưởng thành hay thanh niên. 

 

Triệu chứng:

- Cục cứng, không đều ở tinh hoàn hay tinh hoàn to ra; có cảm giác nặng nề ở bìu.

- Đau âm ỉ ở bẹn hay bụng dưới; tinh hoàn đau hay khó chịu.

 

Nguyên nhân đích thực của tinh hoàn còn chưa rõ nhưng có một số yếu tố nguy cơ như: 

- Tuổi, hay gập nhất ở độ tuổi từ 15 - 40.

- Tinh hoàn không xuống bìu sau khi sinh ít lâu (yếu tố nguy cơ chủ yếu).

- Lịch sử gia đình có người đã bị bệnh.

- Chủng tộc (người vùng Caucase có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn cao hơn 5 lần so với người Mỹ gốc Phi, gấp đôi so với người Mỹ gốc Á).

 

Ung thư tinh hoàn là thể ung thư hiếm và có khả năng chữa khỏi cao. Phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ cập nhất, gồm cắt bỏ cả 2 tinh hoàn, có thể lấy cả hạch bạch huyết trong ổ bụng. Tia xạ dùng các tia có năng lượng cao để tấn công ung thư và hoá liệu pháp để diệt các tế bào ung thư.

 

Kết quả điều trị phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của bệnh, nếu ung thư chưa lan tới hạch bạch huyết thì tỷ lệ khỏi bệnh rất cao, trên 98%. Ngay cả khi đã di căn tới các bộ phận khác của cơ thể thì hoá liệu pháp cũng có hiệu quả cao, tỷ lệ chữa khỏi trên 90%. Biết tự khám tinh hoàn là cách phòng ngừa tốt mà mọi nam giới trên 15 tuổi đều cần được hướng dẫn.

 

Nang ở mào tinh hoàn

 

Mào tinh hoàn nằm phía sau tinh hoàn, nơi tinh trùng trưởng thành dần, khi phát triển thành nang thì sưng do ứ nước, cũng có thể gây sốt và xuất tiết ở dương vật.

 

Giãn tĩnh mạch tinh hoàn

 

Nếu các tĩnh mạch có chức năng đưa máu ra khỏi tinh hoàn bị giãn thì phần bao quanh tinh hoàn cũng bị sưng to, bệnh này không có nguyên nhân rõ ràng. 

 

Phần sưng to có thể mất khi nằm nhưng đôi khi kèm cảm giác khó chịu, nặng nề nhất là khi thời tiết nóng hoặc sau khi vận động.

 

Để giảm bớt sự khó chịu, chỉ cần mặc đồ lót có khả năng nâng đỡ, ôm giữ tinh hoàn, ngoài ra không cần điều trị gì khác trừ phi xem ra giãn tĩnh mạch có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

 

Tuy hiếm, có khi cần phải cắt bỏ những tĩnh mạch giãn nhưng kết quả của can thiệp ngoại khoa này cũng không mấy mỹ mãn.

 

Viêm tinh hoàn

 

Thường do biến chứng của quai bị, tuyến nước bọt mang tai ở tuổi vị thành niên bị viêm do vi rút; sau thời gian ủ bệnh từ 14 - 28 ngày, tuyến nước bọt mang tai bắt đầu sưng. 

 

Biến chứng thường gặp của quai bị là gây viêm tinh hoàn ở con trai hoặc viêm buồng trứng ở con gái, 3 - 4 ngày sau khi tuyến nước bọt mang tai sưng. Con trai có thể thấy tinh hoàn sưng đau trong 1 - 2 ngày sau đó giảm và thường không để lại di chứng gì nhưng người trẻ hay người trưởng thành có thể bị biến chứng viêm tinh hoàn sau quai bị dẫn đến giảm số lượng tinh trùng.

 

Viêm mào tinh hoàn

 

Mào tinh hoàn gồm ống xoắn nằm trên mỗi tinh hoàn, có chức năng vận chuyển, lưu giữ và giúp cho các tế bào tinh trưởng thành. Mào tinh kết nối tinh hoàn với ống dẫn tinh (vas deferens)… Nguyên nhân gây viêm mào tinh hoàn thường do nhiễm khuẩn hay bệnh lây truyền qua đường tình dục do chlamydia.

 

Triệu chứng: vùng bìu sưng đau. Trường hợp nặng, nhiễm khuẩn lan đến vùng lân cận của tinh hoàn gây sốt và có thể tạo thành túi mủ (áp xe). Điều trị bằng kháng sinh, nghỉ ngơi, chườm đá để giảm sưng nề, dùng thiết bị nâng đỡ bìu, thuốc chống viêm như ibuprofen.

 

Dùng bao cao su trong quan hệ tình dục có thể giúp phòng ngừa viêm mào tinh hoàn do chlamydia. Nếu không được điều trị, viêm mào tinh hoàn có thể gây ra sẹo mô làm nghẽn tắc đường tinh trùng ra khỏi tinh hoàn, vì thế dẫn đến vô sinh, nhất là khi dính líu đến cả 2 tinh hoàn hay nhiễm khuẩn dễ tái diễn.

 

Xoắn tinh hoàn

 

Xảy ra khi tinh hoàn bị xoắn vặn, thừng tinh bị nghẽn tắc và máu không đến nuôi dưỡng tinh hoàn. Hay xảy ra nhất quanh tuổi dậy thì và gây ra đau dữ dội kèm sưng tinh hoàn.

Đừng lầm với thoát vị bẹn khi ruột chui qua ống bẹn xuống bìu làm cho bìu sưng to, vì thế có thể lầm lẫn là bệnh lý tinh hoàn.

 

Quan hệ tình dục hay thủ dâm không gây sưng tinh hoàn, có thể chỉ gây giác đau tức vùng tinh hoàn và tầng sinh môn nếu như không xuất tinh được.

 

Xoắn tinh hoàn gây đau dữ dội, xảy ra khi thừng tinh - có chứa ống dẫn tinh, động mạch tĩnh mạch, bạch huyết và thần kinh - bị xoắn làm cho máu không cung cấp cho tinh hoàn (nơi sản xuất ra tinh trùng và hormon testosterone). Xoắn tinh hoàn xảy ra khi một dây chằng nhỏ nối tinh hoàn với đáy của bìu bị dão làm cho tinh hoàn có thể bị xoay vặn. 

 

Dây chằng đó có thể dão bẩm sinh ở nam giới nhưng cũng có một số cơ hội làm cho dây chằng dễ dão hay có thể do có chấn thương ở tinh hoàn, do hoạt động thể lực căng thẳng. Phần lớn xảy ra ở nam dưới 30 tuổi, hay xảy ra hơn ở trẻ em hay tuổi vị thành niên. Ở Mỹ tỷ lệ xoắn tinh hoàn khoảng 1 cho 4.000 nam dưới 25 tuổi. 

 

Bệnh cảnh của xoắn tinh hoàn là: 

- Đau đột ngột ở tinh hoàn; sưng, rất nhạy cảm khi sờ nắn.

- Buồn nôn hay nôn, có thể có sốt.

- Đau vùng bụng; ngất và nhức đầu; tinh hoàn bệnh co lên cao. 

 

Xoắn tinh hoàn cần phải được can thiệp ngoại khoa càng sớm càng tốt, nên trong 6 giờ đầu sau khi có triệu chứng để cứu tinh hoàn vì máu ít đến tinh hoàn có thể gây ra teo hay thậm chí có thể gây nhiễm khuẩn tinh hoàn. 

 

Chấn thương tinh hoàn

 

Vì tinh hoàn nằm trong bìu, được treo ngoài của cơ thể, không có cơ và xương bảo vệ cho nên dễ bị đụng chạm, bị tổn thương… nhất là trong thể thao vì thế các võ sĩ quyền anh phải mang trang bị bảo vệ tinh hoàn.

 

Chấn thương tinh hoàn có thể gây đau, bầm tím và sưng nề; trong phần lớn trường hợp tinh hoàn được cấu tạo bằng nguyên liệu sốp, có khả năng thấm hút va chạm mạnh của chấn thương mà không bị tổn thương.

 

Một thể chấn thương tinh hoàn hiếm gập, gọi là vỡ tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn bị một thương tích trực tiếp hay bị đè ép vào mặt phẳng cứng của tiểu khung dẫn đến dò rỉ máu vào bìu. Trường hợp nặng phải can thiệp ngoại khoa để sửa lại chỗ vỡ và có thể cứu được tinh hoàn.

 

BS  Đào Xuân Dũng