Bắt tật bệnh qua dáng đi!
(Dân trí) - Bạn có biết dáng đi cũng “tiềm ẩn”những tín hiệu cảnh báo tình trạng sức khoẻ? 8 kiểu đi dưới đây sẽ tiết lộ những dấu hiệu khác nhau về tình hình sức khoẻ.
Đi với tốc độ chậm
Cảnh báo: Tuổi thọ ngắn
Theo nghiên cứu của ĐH Pittsburgh, Mỹ, dựa vào tốc độ đi có thể dự đoán khá đúng về tuổi thọ, và càng chính xác hơn với nhóm người từ 75 tuổi trở lên.
Tốc độ đi của người bình thường là 0,9m/s. Và tuổi thọ tỉ lệ thuận với tốc độ đi, tức là những người có tốc độ đi thấp hơn 0,6m/s có tuổi thọ thấp; ngược lại, những người có tốc độ đi trên 1m/s lại sống khá thọ.
Cánh tay không cử động khi đi
Cảnh báo: Phần lưng dưới có vấn đề
Khi bước đi, cùng lúc chân trái đưa về phía trước, cột sống sẽ chuyển động về bên phải, cánh tay phải cũng tự nhiên hoạt động theo. Nếu khi đi, cánh tay không hề cử động, có khả năng vùng cử động ở phần lưng bị hạn chế, dễ gây tổn thương phần lưng, và tạo cảm giác đau lưng.
Bàn chân đặt xuống đất trước
Cảnh báo: Bị trúng gió hoặc đĩa đệm đốt sống nhô ra.
Theo Hiệp hội các bệnh về chân của Mỹ, khi người bình thường bước đi, gót chân sẽ tiếp xúc với mặt đất trước tiên. Nếu bàn chân tiếp xúc với mặt đất trước, phần lớn do khả năng không chế của các cơ bị suy yếu. Điều này có thể là tác hại của việc trúng gió hoặc đĩa đệm đốt sống bị nhô ra, chèn lên dây thần kinh, gây tổn thuơng chức năng của thần kinh cơ.
Bước đi ngắn
Cảnh báo: Xương đầu gối bị thoái hoá
Khoảng khắc gót chân tiếp xúc với mặt đất, đầu gối cần giữ tư thế thẳng. Nếu không được như vậy, có thể khả năng cử động của xương đầu gối hoặc khả năng co duỗi của xương hông đã bị hạn chế. Có thể thông qua liệu pháp mát-xa để xử lý tình trạng thoái hoá chức năng này.
Chân vòng kiềng
Cảnh báo: Viêm khớp xương
Theo các chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình của Mỹ, tư thế đi này chủ yếu do viêm khớp gối gây ra. Khoảng 85% người bình thường có dáng đi này chủ yếu do tuổi tác khiến hệ xương bị hao tổn gây ra.
Chân chữ bát
Cảnh báo: Viêm khớp phong thấp
Loại viêm khớp này có thể tạo thành trạng thái đi chân hình chữ bát. Khoảng 85% người bị viêm khớp phong thấp có đặc điểm này. Trong y học gọi đây là hiện tượng đầu gối lật ra ngoài, hay chân lật ra ngoài. Biểu hiện qua hai cẳng chân không thể duỗi thẳng, cong nghiêng ra phía ngoài, cảm giác hai đầu gối như sát lại với nhau, trong khi hai khớp mắt cá chân lại lật ra ngoài.
Đi kiễng chân
Cảnh báo: Não bộ có khả năng bị tổn thương
Đi kiễng 2 chân có liên quan với sự căng thẳng của các cơ. Khi cột sống hoặc não bộ bị tổn thương cũng có thể gây ra tình trạng này. Đáng chú ý là các bé vừa tập đi có thể tạm thời xuất hiện kiểu đi này. Lúc này các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng. Trong trường hợp tình trạng trên kéo dài mới nên cho bé đến bác sỹ kiểm tra.
Vừa đi vừa nhảy
Cảnh báo: Các cơ cẳng chân quá căng
Trạng thái này thường gặp ở nữ giới, do đi giầy cao gót trong thời gian dài khiến các cơ cẳng chân bị căng thẳng quá độ, gót chân vừa chạm đất sẽ tự nhanh chóng nhấc lên. Tốt nhất chị em nên hạn chế đi giầy cao gót quá lâu.
Phạm Thúy
Theo people