Bắt bốn kho mỹ phẩm dỏm ở TPHCM
Xử phạt bốn công ty sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm dỏm có trụ sở ở TPHCM với tổng số tiền gần nửa tỉ đồng, đồng thời buộc tiêu hủy hơn 623.000 sản phẩm dỏm.
Thủ đoạn của bốn công ty là đăng ký sản xuất nhưng chuyên mua mỹ phẩm dỏm rồi đóng mác sản xuất từ nước ngoài và chuyển về các tỉnh tiêu thụ.
Vụ việc được phanh phui từ trước tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 nhưng đến nay các cơ quan chức năng mới tạm thời kiểm tra xong các ko hàng mỹ phẩm của bốn công ty. Qua đó, phát hiện hàng vạn lọ mỹ phẩm kém chất lượng, có chứa chất cấm vượt ngưỡng cho phép. Các sản phẩm này chủ yếu là hóa mỹ phẩm như dầu gội, thuốc nhuộm tóc, làm móng tay, chân sản xuất trong nước nhưng ghi Italy, Thái Lan, Hàn Quốc…
Vụ việc đến nay vẫn chưa kết thúc vì cơ quan chức năng còn phải giám sát việc tiêu hủy.
Đăng ký sản xuất nhưng chỉ mua bán hàng dỏm
Theo hồ sơ của Thanh tra Sở Y tế TPHCM, Công ty Sài Gòn H & T (64/8 E3 Bình Hòa, phường 5, quận 11) được Sở KH&ĐT TPHCM cấp phép sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm do ông Đỗ Duy Hiếu làm đại diện. Công ty được Sở Y tế TPHCM cấp 18 phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm với các nhãn hàng Kachi, Wellmete, Lukay, Elackar, Grisan.
Tuy vậy, khi kiểm tra kho của công ty này tại đường Tân Sơn (quận Tân Bình), thanh tra phát hiện tất cả sản phẩm đều do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Danh Hoa (C23 đường số 6, KCN Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) sản xuất. Thanh tra đã lấy 13 mẫu để kiểm nghiệm thì có sáu mẫu không đạt về độ đồng đều, một mẫu không đúng thành phần công bố.
Thanh tra nhận xét Công ty Sài Gòn H & T không sản xuất mỹ phẩm mà kinh doanh mỹ phẩm do công ty khác sản xuất. Mặt khác, các phiếu công bố mỹ phẩm của Công ty Sài Gòn H & T (do Công ty Danh Hoa sản xuất) có thành phần không đúng với thành phần trên phiếu công bố. Ngoài ra, sáu sản phẩm nhuộm hiệu Kachi, Kachi Hydrogen Peroxide Collagen, Kachi Hydrogen Peroxide, Kachi Hair Treatment Cream Olive, Elacka Hydrogen Peroxide Collagen, Elecka Avocado Extra và kem hấp dầu dưỡng chất trái bơ không có số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm.
Với những sai phạm trên, thanh tra phạt Công ty Sài Gòn H & T 145 triệu đồng; buộc tiêu hủy hơn 55.000 sản phẩm. Ngoài ra, thanh tra đề xuất thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm do có công thức không đúng với hồ sơ được duyệt.
Hàng dỏm “made in”… nước ngoài
Cũng với hành vi trên, Công ty TNHH TM SX & KD DL Thế Hệ Vàng (161D/25 Lạc Long Quân, phường 13, quận 11) do ông Đỗ Duy Hưng làm đại diện, có đăng ký kinh doanh, có 13 phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Tuy nhiên, kiểm tra kho của công ty tại 18 Cộng Hòa (phường 4, quận Tân Bình) thì có 16 sản phẩm (của 12 nhãn hàng) là hàng trôi nổi. Ông Hưng thừa nhận từ khi thành lập (2013) đến nay công ty không sản xuất mà chỉ mua đi bán lại mỹ phẩm. Hóa đơn mua hàng của công ty cho thấy các sản phẩm được mua từ TP Lạng Sơn nhưng xuất xứ trên các lọ mỹ phẩm này ghi ở… Italy, Thái Lan.
Với những sai phạm trên, thanh tra xử phạt công ty này trên 30 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy trên 65.000 sản phẩm.
Công ty TNHH SX TM XNK Tiên Du (18 Cộng Hòa, phường 4, quận Tân Bình) do ông Nguyễn Văn Nam làm đại diện. Kiểm tra kho của công ty này tại 18 Cộng Hòa (phường 4, quận Tân Bình), thanh tra nhận thấy công ty này mua mỹ phẩm từ Công ty Phong Thắng chứ không sản xuất. Tất cả sản phẩm này đều không có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và xuất xứ ghi trên nhãn là “made in” Italy, Thái Lan, Hàn Quốc, Tokyo…
Kết quả kiểm nghiệm 22 mẫu mỹ phẩm mà công ty này có tám mẫu không đạt về độ đồng đều, thể tích hoặc khối lượng.Với vi phạm trên, thanh tra phạt công ty này 30 triệu đồng và buộc tiêu hủy trên 390.000 sản phẩm.
Công ty TNHH MTV TM Lý Hoàng Long (18E Cộng Hòa, phường 4, quận Tân Bình) do ông Nguyễn Văn Lý làm đại diện. Kết quả kiểm tra kho cho thấy hàng trăm mặt hàng các hiệu Redline, Ship, Candy, Afuca không có phiếu công bố sản phẩm. Kết quả kiểm nghiệm 19 mẫu mỹ phẩm cho thấy có chín mẫu không đạt về độ đồng đều, thể tích hoặc khối lượng, một mẫu không đạt về giới hạn vi sinh…
Với những hành vi vi phạm như trên, Công ty Lý Hoàng Long bị xử phạt trên 250 triệu đồng và buộc tiêu hủy trên 111.000 sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không an toàn vi sinh, đồng thời thu hồi tất cả phiếu công bố sản phẩm.
Lỗ hổng quản lý Theo một chuyên gia về quản lý y tế, khác với dược phẩm, đối với mỹ phẩm chỉ cần đăng ký sản xuất, kinh doanh mà không yêu cầu các điều kiện khác (như bằng cấp chuyên môn, mặt bằng…) và muốn sản xuất khi nào thì tùy. Khi hậu kiểm, nếu phát hiện có sai phạm thì mới xử lý. Với kiểu quản lý mỹ phẩm có phần dễ dãi này nên thời gian qua đã có hàng chục vụ kinh doanh mỹ phẩm dỏm với quy mô lớn bị cơ quan chức năng phát hiện. Tuy nhiên, tình hình này chưa có dấu hiệu giảm. Thanh tra cho biết bốn công ty này đã thuê các đơn vị tổ chức tiêu hủy hàng vạn mỹ phẩm dỏm nói trên tại TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu. Đối với Công ty Tiên Du (thuê đơn vị tiêu hủy ở Bà Rịa-Vũng Tàu), do phải mang 3,5 tấn mỹ phẩm đi tiêu hủy nên thanh tra phải giám sát chặt bằng cách cắt đôi chai, lọ trước khi tiêu hủy. Dự kiến vài ngày nữa số mỹ phẩm “khủng” này mới được tiêu hủy xong. |
Theo Duy Tính
Pháp luật TPHCM