1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bảo hiểm y tế tự nguyện nhân dân: Dân mua... không được

Sau bốn tháng triển khai bảo hiểm y tế tự nguyện (BHYTTN) theo qui định mới của thông tư 06 liên bộ Y tế - Tài chính, tính đến cuối tháng 8/2007 tại TPHCM mới có 8/317 phường xã hoàn tất việc cấp thẻ BHYTTN cho vài ngàn người dân.

Ông Phạm Quang Trung (P.9, Q.Phú Nhuận, TPHCM) cho biết gia đình ông thường xuyên tham gia BHYTTN nhân dân (gọi tắt BHYTTN). Từ ngày 30/6, thẻ BHYT của ông hết hạn sử dụng. Gia đình ông có bốn người đã đóng tiền hơn 1 triệu đồng để mua BHYTTN tiếp theo từ tháng 5/2007, cán bộ của UBND P.9 nói là phải đến tháng chín mới có thẻ. Ngày 10/9, ông Trung cho hay vẫn chưa được cấp thẻ BHYT mới vì UBND P.9 trả lời "chưa đủ người theo qui định".

 

Có tiền cũng không mua được

 

Ông Nguyễn Văn Hòa (ngụ Cách Mạng Tháng Tám, P.11, Q.3) phân trần: "Gia đình tôi có bốn người, ba người có thẻ BHYTTN đến ngày 30/8 hết hạn. Tôi đến UBND P.11 đăng ký tiếp tục đóng tiền mua, nhưng phường cho biết phải chờ đủ 10% số người trong phường tham gia mới cho đóng tiền mua tiếp".

 

Ông Trịnh Đình Tuyên (P.9, Q.3) cũng ở hoàn cảnh tương tự. Cả gia đình ông tham gia BHYTTN đã ba năm nay. Ngày 1/8, thẻ của ông hết hạn sử dụng, ông đã lên UBND phường để làm thủ tục đổi và gia hạn thẻ mới. Tuy nhiên, phường nói còn đang làm thống kê. Ông liên hệ Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM thì được trả lời: "Cứ phải về địa phương để chờ cho bao giờ đủ tỉ lệ phần trăm dân số tham gia BHYT mới được cấp và đổi thẻ mới!".

 

Ngoài ra, có những trường hợp cùng một hộ khẩu thường trú nhưng lại có đến 3 - 4 hộ gia đình cùng chung sống. Do đó chỉ cần một hộ không mua, những hộ khác cũng không tham gia được. Chưa kể đối tượng dân quân tự vệ, tổ trưởng tổ dân phố... được kinh phí nhà nước cấp cho mua cũng bị vướng qui định 10% do đưa về mua cùng hộ gia đình nên không thể mua được. Rất nhiều hộ gia đình thuộc diện xóa đói giảm nghèo, người lao động nhập cư muốn mua BHYTTN nhưng do không có KT3 trên một năm theo qui định cũng không thể tham gia.

 

Bao giờ cho đến... 10%

 

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Châu, phó chủ tịch UBND P.11, Q.3 - cho biết hầu như ngày nào cũng có người dân lên hỏi khi nào được mua BHYTTN. Phường chỉ biết động viên "bà con ráng chờ cho đủ 10%". P.11 hiện có hơn 4.000 hộ dân, theo quy định phải có hơn 400 hộ đăng ký tham gia thì mới đạt chỉ tiêu 10%. Tuy nhiên, đến nay P.11 vẫn chưa dám thu tiền của dân vì mới có 200 hộ đăng ký.

 

Còn bà Lê Thị Thu Hương, chủ tịch UBND P.14, Q.Phú Nhuận - cho biết: theo qui định P.14 phải có 150 hộ gia đình (10% của 1.500 hộ) đăng ký thì BHXH mới bán BHYTTN. Thế nhưng đến ngày 30/8 cả phường mới có 60 hộ đăng ký nên không thể mua được vì vướng qui định này.

 

Theo bà Thu Hương, có thể do tổ trưởng tổ dân phố vận động tham gia BHYTTN chưa tốt nên người dân chưa hưởng ứng. Cái khó hiện nay là người dân chưa thông về tư tưởng, còn ngần ngại, tâm tư vì giá quá cao. Cũng có nhiều người không muốn tham gia BHYTTN vì cho rằng "có bệnh gì đâu mà mua".

 

Vì sao việc triển khai BHYTTN tại TPHCM gần như "giậm chân tại chỗ"? Ông Đinh Ngọc Hưng - phó phòng bảo hiểm tự nguyện, BHXH TP - cho rằng nguyên lý hoạt động của BHYT là phải lấy số đông bù số ít, người khỏe lo cho người bệnh. Vì vậy, qui định 100% thành viên trong hộ gia đình tham gia và 10% số hộ gia đình ở phường, xã đăng ký tham gia thì mới bán là hợp lý. Tuy nhiên, khi thực hiện thông tư 06 tại TPHCM đã gặp một số khó khăn, nhất là mạng lưới tổ chức thực hiện ở phường, xã không đảm bảo yêu cầu. 

 

Cũng theo ông Hưng, nơi nào lãnh đạo UBND quan tâm, tổ trưởng tổ dân phố nhiệt tình đến nhà dân tuyên truyền về chính sách, giải thích về quyền lợi và hướng dẫn người dân đăng ký thì chỉ tiêu 10% hay 100% không là khó khăn khiến người dân phải than phiền. BHXH TPHCM cũng rất sốt ruột nhưng tiến độ triển khai thực hiện BHYTTN tại TP vẫn rất chậm.

 

Theo Thanh Hà

Tuổi trẻ