Thanh Hóa:

Báo động tình trạng ô nhiễm nước thải từ các bệnh viện

(Dân trí) - Hệ thống thu gom và xử lý nước thải của nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện đã xuống cấp, hoạt động cầm chừng. Việc phân loại sử lý nước thải y tế chưa triệt để, xả thải trực tiếp ra môi trường đã gây ô nhiễm nghiêm trọng đất và môi trường sống của người dân.

Tại kỳ họp thứ 15, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVI, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 11/12, vấn đề ô nhiễm môi trường ảnh hưởng từ nước thải của các bệnh viện được nhiều đại biểu cũng như các cử tri trong tỉnh quan tâm.

Theo báo cáo của Sở TNMT Thanh Hóa, gần 60ha đất sản xuất nông nghiệp của xã Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hóa đã bị ô nhiễm nặng do nước thải từ các bệnh viện gât ra. Đây là khu đất nằm sau các bệnh viện tỉnh như: Bệnh viện Nhi, Đa khoa, Phụ Sản, Da liễu, Mắt, và Tâm thần.

Ngày 11/12, HĐND tỉnh Thanh Hóa làm việc với phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các Giám đốc Sở
Ngày 11/12, HĐND tỉnh Thanh Hóa làm việc với phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các Giám đốc Sở

Báo cáo cũng nêu rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Theo đó, nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng này là do các bệnh viện nói trên đều được xây dựng từ những năm 60,70 của thế kỷ 20. Đến nay hệ thống hạ tầng kỹ thuật thu gom và xử lý nước thải đã xuống cấp, không còn hoạt động nên việc tách nước thải chưa triệt để; nước thải y tế từ các bệnh viện đã thải trực tiếp ra cánh đồng lúa của người dân xã Quảng Thịnh.

Bênh cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là do các bệnh viện hiện nay đang trong tình trạng quá tải. Tại bệnh viện Nhi Thanh Hóa, số giường bệnh được giao là 500 giường nhưng số giường kê thực lên đến 700 giường. Công tác bảo vệ môi trường tại đây chưa được quan tâm đúng mức, hệ thống nước thải của bệnh viện được xây dựng từ năm 2002 đến nay đã xuống cấp nhưng không được bảo dưỡng, sửa chữa, nước thải chưa được xử lý đã thải trực tiếp ra môi trường. Sở TNMT Thanh Hóa đã nhiều lần kiểm tra, đôn đốc nhưng bệnh viện này vẫn chưa chịu khắc phục.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở một số bệnh viện như: Đa khoa, Phụ sản, Da liễu… Số giường bệnh của bệnh viện đa khoa Thanh Hóa được giao chỉ có 750 giường nhưng số giường thực kê hiện lên đến 1.000 giường. Từ năm 2012 trở về trước, hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện hư hỏng, nước thải trực tiếp ra môi trường. Từ tháng 7/2013, bệnh viện đã đưa vào vận hành hệ thống xử lý tập chung, tuy nhiên vẫn còn tình trạng nước thải y tế chưa được thu gom xử lý triệt để xử lý mà vẫn thải ra môi trường.

Ông Lưu Trọng Quang - Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa nêu thực trạng nước thải từ các bệnh viện gây ô nhiễm
Ông Lưu Trọng Quang - Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa nêu thực trạng nước thải từ các bệnh viện gây ô nhiễm

Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa được giao số giường là 500 nhưng hiện đang kê thực lên đến 600 giường. Hệ thống xử lý nước thải tại đây được xây dựng từ năm 2002, công suất nhỏ, không xử lý hết được lượng nước thải hàng ngày của bệnh viện. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý nước thải cũng không hoạt động thường xuyên…

Các bệnh viện trên hàng năm đều được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp kinh phí để vận hành lò đốt rác thải y tế và hệ thống xử lý nước thải. Nhưng hầu hết các bệnh viện đều sử dụng nguồn kinh phí chưa hiệu quả. Còn tư tưởng là đơn vị công lập, phụ thuộc vào ngân sách nhà nước nên không chủ động đầu tư, cải tạo hệ thống thu gom xử lý nước thải, vận hàng xử lý chưa thường xuyên, chưa đúng quy trình kỹ thuật.

Để xảy ra tình trạng nước thải từ các bệnh viện gây ô nhiễm môi trường trách nhiệm chính thuộc về Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa. Trong kỳ họp, ông Lưu Trọng Quang - Phó Giám đốc Sở này đã nhận khuyết điểm và trách nhiệm trước HĐND tỉnh. Đồng thời cũng nếu rõ trách nhiệm của Sở Y tế và các bệnh viện để cùng khắc phục tình trạng trên, đảm bảo đời sống, sản xuất cho người dân sống xung quanh các bệnh viện nói trên.

Tại phiên chất vấn, ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đã “truy trách” nhiệm của những đơn vị có liên quan đã để xảy ra tình trạng ô nhiễm,  gây ảnh hưởng đến đời sống và gần 60ha đất sản xuất của người dân.

Ông Chiến đặt ra nhiều câu hỏi: Diện tích đất nông nghiệm của người dân bị ô nhiễm do nước thải từ các bệnh viện nên đã bỏ hoang bao nhiêu năm nay rồi? Sao đến nay vẫn chưa xử lý, khắc phục?. Ông Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng khẳng định: “Ô nhiễm đến nay rất nặng rồi!”.

Ông Chiến truy vấn tiếp: “Ngay cạnh đó có nhà máy xử lý nước thải của thành phố sao không xử lý được mà lại thải trực tiếp ra ruộng của người dân?. Vậy hồ điều hòa, xử lý nước thải hoàn thành một năm nay rồi để làm gì? Xây hồ chứa nước thải để xử lý mà không gom nước thải thì lấy nước ở đâu?

Ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thay mặt UBND tỉnh lý giải về thực trạng nhà máy xử lý nước thải chưa hoàn thành là do còn một số hạng mục chưa hoàn thành. Ông Tuấn cho biết, đến tháng 1/2016 nhà máy sẽ đi vào hoạt động và sẽ có giải pháp để gom nước từ các bệnh viện về đây xử lý.

BV Nhi Thanh Hóa hệ thống xử lý nước thải đã hư hỏng nhưng không được sửa chữa nâng cấp nên bệnh viện đã xả trực tiếp nước thải ra môi trường
BV Nhi Thanh Hóa hệ thống xử lý nước thải đã hư hỏng nhưng không được sửa chữa nâng cấp nên bệnh viện đã xả trực tiếp nước thải ra môi trường

Đại biểu huyện Quảng Xương đặt câu hỏi với Sở TNMT: Hàng năm Sở TNMT kiểm tra các bệnh viện mấy lần? Có quyết định xử phạt không? Và lần kiểm tra gần đây nhất là khi nào?

Ông Lưu Trọng Quang trả lời: Hàng năm Sở TNMT có tổ chức kiểm tra các bệnh viện, lần gần đây nhất trong năm nay là vào tháng 5, tháng 6. Trong quá trình kiểm tra lỗi nào xử phạt sẽ xử phạt, lỗ nào nhắc nhở sẽ nhắc nhở và hướng dẫn cho các bệnh viện. Cũng chưa có bệnh viện nào đến mức vi phạm phải đóng cửa.

Ông Trịnh Văn Chiến nêu rõ: Năm nào cũng kiểm tra, xử lý, kiểm tra rồi xử lý sao không có thay đổi? Năm trước kiểm tra, năm nay kiểm tra, năm sau, năm sau nữa vẫn kiểm tra… như thế mà ô nhiễm không được khắc phục còn liên tục bị ô nhiễm. Đến bao giờ người dân mới hết phải chịu cảnh sống trong ô nhiễm?

Thái Bá

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm