Bạn có thường xuyên sử dụng kim loại có liên quan đến bệnh ung thư này?
(Dân trí) - Nhờ vào các nghiên cứu không ngừng được thực hiện, chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn về các mối nguy hiểm tiềm ẩn trong môi trường, thậm chí đôi khi tác nhân gây hại lại là một thứ rất gần gũi.
Nhôm có liên quan đến ung thư vú
Trên thực tế, nhiều người trong chúng ta tin rằng, nhôm khá vô hại. Thậm chí, hàng ngày chúng ta vẫn đang chế biến và lưu trữ thức ăn với nồi nhôm, vỉ nhôm, lá nhôm mỏng… Vậy điều này có thể tệ đến mức nào?
Câu trả lời có thể khiến cho hầu hết chúng ta phải bất ngờ: Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí “Journal of Inorganic Biochemistry” cho thấy rằng, việc tiếp xúc với kim loại nhôm có thể làm tăng khả năng xâm lấn và di chuyển của các tế bào ung thư vú ở người. Theo các chuyên gia, chính khả năng lan rộng của các tế bào ung thư mới là nguyên nhân chính gây tử vong với trường hợp mắc ung thư vú, thay vì khối u nguyên phát ban đầu. Bên cạnh nghiên cứu này, các công trình khoa học trước đây cũng ghi nhận rằng, phụ nữ bị ung thư vú có lượng nhôm trong cơ thể cao hơn so với những người không mắc bệnh.
Không chỉ là ung thư, việc tiếp xúc với nhôm thông qua đường miệng còn có mối liên quan đến bệnh Alzheimer và các vấn đề thần kinh khác, bệnh thận. hàm lượng nhôm trong có thể phụ nữ còn có thể xâm nhiễm sang sữa mẹ và trẻ sơ sinh khi bú sữa này sẽ bị những tác động tiêu cực đến xương.
Rất khó để ngăn ngừa việc hấp thụ nhôm vào cơ thể
Nhôm hiện diện ở khắp nơi trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Ví dụ, nó thường được sử dụng trong các sản phẩm lăn nách ngăn tiết mồ hồ, với cách này nó có thể xâm nhập vào máu của bạn qua da và gây ra các vấn đề về sức khỏe. Một nghiên cứu trên Tạp chí “Journal of Applied Toxicology” đã chứng minh nhôm clorua, được tìm thấy trong chất ngăn tiết mồ hôi và chất khử mùi, có thể thay đổi các tế bào vú khỏe mạnh thành ung thư.
Ngoài ra, nhôm có thể được tìm thấy trong một số loại sản phẩm chăm sóc cá nhân khác, bao gồm cả mỹ phẩm. Nó cũng được sử dụng trong thuốc kháng axit, aspirin và các loại thuốc khác. Nhôm hiện diện nhiều trong nhà bếp, điển hình như nồi, chảo, vỉ, lá nhôm bọc, nướng thực phẩm. Trong ngành công nghiệp thực phẩm, nhôm được thêm vào bột nở, chất tạo màu....
Theo thống kê, một người Mỹ trưởng thành trung bình đang hấp thu từ 7 đến 9 miligam nhôm mỗi ngày trong thức ăn của họ.
Một số triệu chứng ban đầu của nhiễm độc nhôm rất dễ bị bỏ qua hoặc quy cho các nguyên nhân khác, chẳng hạn như đau đầu, trầm cảm và khô da. Nhiễm độc nhôm thường ít được nhận diện cho đến khi đã quá muộn và các triệu chứng nghiêm trọng hơn đã xảy ra, chẳng hạn như các vấn đề về cơ và mất trí nhớ.
Rất khó để loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm có chứa nhôm mà mỗi chúng ta đang sử dụng trong cuộc sống. Tuy nhiên, nhận thức rõ hơn về nguy cơ sẽ giúp bạn có khả năng điều chỉnh ở một mức nào đó để làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Minh Nhật
Theo Cancer News