Bác sĩ và những cơn đau!
(Dân trí) - Rủi ro trong khi làm việc, làm nhiệm vụ với ngành nghề nào cũng có, nhưng rủi ro, nguy hiểm trong ngành y dường như diễn ra khá cao. Đằng sau mỗi tai nạn nghề nghiệp là rất nhiều những câu chuyện đáng để suy ngẫm, về tình yêu và sự cao cả của nghề y trong mỗi người hay sự quan tâm của chính họ, của xã hội đối với sức khoẻ và sự an toàn, được bảo vệ của nhân viên ngành y…
Bác sĩ Hiếu- vẫn tiếp tục nhiệm vụ sau “tai nạn” phơi nhiễm HIV
Nguyễn Văn Hiếu (29 tuổi, bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương) - là một trong 7 bác sĩ đầu tiên được tham gia “Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” của Bộ Y tế.
Hiếu về Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé (một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước) công tác. Tháng 6 /2018, trong một tình huống cấp cứu bệnh nhân có HIV, bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu bị phơi nhiễm HIV.
Trong thời gian uống thuốc ARV, do thể trạng yếu, Hiếu bị phản ứng mạnh với thuốc. Một mình vật lộn với ảo giác, hoang tưởng mỗi ngày. Có lúc Hiếu ngậm ngùi xác định, nếu mình có H, sẽ xin chuyển sang ngành quản lý bệnh nhân HIV.
May mắn sau 3 tháng điều trị, Hiếu được kết luận âm tính với HIV, nhưng việc uống thuốc ARV cũng làm bệnh viêm cột sống dính khớp mà Hiếu mắc phải khi còn là sinh viên năm thứ hai không thể chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có thể duy trì thuốc giảm đau, chống viêm và tập luyện.
Sau tai nạn, dù có thể quay về Bệnh viên Nhi Trung ương, Hiếu vẫn tiếp tục nhiệm vụ của mình tại Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé. Sự tận tâm, trách nhiệm với nghề vẫn còn đó, nhưng sức trẻ của chàng trai 29 tuổi liệu có thể vực lại như xưa?.
Nguy cơ phơi nhiễm của nhân viên y tế cao
Trường hợp của bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu không phải là trường hợp cá biệt trong ngành Y, cả ở Việt Nam và trên thế giới.
Thông tin từ Cục Môi trường Y tế, Bộ Y tế, chăm sóc sức khỏe là một ngành lao động đặc thù với cường độ cao ở hầu hết các hoạt động trong ngành. Nhân viên y tế (NVYT) phải trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân và trực tiếp tham gia xử lý các vụ dịch bệnh. Trung tâm dự phòng và Kiểm soát bệnh của Hoa Kỳ (CDC) đã ước lượng hàng năm có khoảng 500-600 NVYT phải nằm viện do tiếp xúc với máu người bệnh với hơn 200 trường hợp tử vong.
Bên cạnh những tác hại lây nhiễm, NVYT phải tiếp xúc với rất nhiều tác hại không lây nhiễm, bao gồm các hóa chất trong đó có hóa chất dùng để khử khuẩn, những tác hại vật lý như nóng, tiếng ồn, bức xạ ion hóa, siêu âm... các tác hại đến da và stress. Nhiều hóa chất khử khuẩn được sử dụng trong bệnh viện, trong đó chủ yếu là các hóa chất như các loại cồn, các hợp chất clo, iốt, phenol, các hợp chất amoni bậc 4, glutaraldehyde và formaldehyde.
Tiếp xúc với các hóa chất này có một số tác hại như kích thích mắt và niêm mạc, đau đầu và khó thở, kích thích da, dị ứng da... và có thể gây ung thư như formaldehyde. Tiếp xúc với bức xạ ion hóa ở các khoa chẩn đoán X quang, huỳnh quang, tia X mạch, X quang nha khoa, CT scanner, chữa bệnh tia X, da liễu, y học hạt nhân trong quá trình chẩn đoán và chữa bệnh cũng gây tác hại cho sức khỏe của các NVYT. Tiếp xúc tích lũy với liều thấp có thể gây những hủy hoại về mặt sinh học. Bức xạ ion hóa gây biến đổi gen và nhiễm sắc thể, có thể làm chậm hoặc huỷ hoại phân chia tế bào và can thiệp vào các quá trình chuyển hoá.
Ngoài ra còn có các ảnh hưởng khác bao gồm các dạng ung thư như ung thư máu, xương, da và tuyến giáp… Ở Việt Nam hiện chưa có con số thống kê chính xác về số nhân viên y tế mắc bệnh nghề nghiệp.
Theo PGS.TS. Phạm Thanh Bình – Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, nhân viên y tế - những người có sứ mệnh chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhưng bản thân họ lại đang phải chịu nhiều thiệt thòi. Tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, điều kiện làm việc của các y, bác sĩ còn thiếu thốn trang thiết bị, quy trình khám chữa bệnh nhiều nơi chưa đảm bảo vệ sinh nên nguy cơ phơi nhiễm nghề nghiệp là rất cao.
Nhiều trường hợp nhân viên y tế khi mắc bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo chưa được quan tâm đúng mức, bản thân nhân viên y tế cũng có khi coi thường vấn đề bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Chính vì thế, đã đến lúc cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng và của chính nhân viên y tế trong việc chăm lo, bảo vệ sức sức khỏe cho người lao động ngành Y, để họ yên tâm cống hiến với nghề.
Cũng theo PGS.TS. Phạm Thanh Bình, Chương trình “Bảo vệ Blouse trắng” được triển khai từ tháng 5/2019 đã thực hiện 6 lớp tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động và giao tiếp ứng xử cho người lao động trong ngành ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Hàng trăm trường hợp cán bộ, nhân viên ngành Y bị phơi nhiễm, bị bệnh hiểm nghèo, bị hành hung khi đang làm nhiệm vụ đã được thăm hỏi, hỗ trợ bằng tiền.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu cho biết: Chương trình “Bảo vệ Blouse trắng” có ý nghĩa rất thiết thực, vừa hỗ trợ cải thiện điều kiện làm việc, trang bị kiến thức để bảo vệ nhân viên y tế trước nguy cơ bị bạo hành, phơi nhiễm bệnh nghề nghiệp…, vừa kịp thời quan tâm, chia sẻ, động viên để nhân viên y tế có hoàn cảnh không may mắn yên tâm, gắn bó với nghề hơn.
Ngày 26/4/2019, Công đoàn Y tế Việt Nam và Tạp chí Lao động và Công đoàn ký Kế hoạch liên tịch số 100/KHLT-CĐYT-TCLĐCĐ triển khai Chương trình “Bảo vệ Blouse trắng” năm 2019. Chương trình nhằm mục đích tạo sự đồng thuận, cảm thông, chia sẻ của toàn xã hội đối với những khó khăn vất vả, sự hy sinh của cán bộ, nhân viên ngành Y; tuyên truyền, đề xuất xây dựng chính sách nhằm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn ngành Y. Trên hết là niềm mong mỏi các cấp chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, mỗi người dân cùng chung tay ủng hộ Chương trình “Bảo vệ Blouse trắng” để đội ngũ y, bác sĩ yên tâm, tập trung sức lực và trí tuệ chăm sóc người bệnh; mỗi cán bộ, nhân viên ngành Y cùng hưởng ứng chương trình bằng việc nâng cao ý thức, chủ động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho mình để chăm sóc tốt hơn cho người bệnh.
Ngày 29/10, diễn ra Hội thảo “Bảo vệ Blouse trắng” với chủ đề “An toàn, vệ sinh lao động, phòng chống bạo hành nhân viên tại cơ sở y tế” tại Hà Nội. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chủ trì.