Bác sĩ học cách cảm ơn bệnh nhân: Chuyện khó tin

Nhân việc Bộ Y tế tổ chức tập huấn về kỹ năng giao tiếp, thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho lãnh đạo, điều dưỡng các bệnh viện, sở y tế mới đây, một ý tưởng rất mới được đưa ra: thầy thuốc phải tập nói lời cảm ơn với bệnh nhân.

Bác sĩ nở nụ cười vui vẻ thế này với bệnh nhân chỉ có ở trong phim (ảnh trong phim).  
Bác sĩ nở nụ cười vui vẻ thế này với bệnh nhân chỉ có ở trong phim (ảnh trong phim).  

 

Chỉ có dịch vụ khám - chữa bệnh mới dám mắng bệnh nhân

 

Mắng bệnh nhân như mắng con, mắng bệnh nhân xa xả… - đó là những chuyện diễn ra như cơm bữa tại các bệnh viện. Đừng nghĩ rằng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đặt điều cho các bác sĩ, y tá. Ông Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám - chữa bệnh (Bộ Y tế) đã đưa ra những con số để chứng minh điều này.

 

Theo ông Mục, một cuộc điều tra nhỏ mới đây cho thấy có đến 80% bệnh nhân bị mắng, 12% có người nhà bị mắng khi vào bệnh viện khám - chữa bệnh. “Vào nhà hàng, khách sạn, ngân hàng… khách hàng đều được nhân viên cúi chào, được đón tiếp nồng nhiệt. Không có nơi nào mà khách hàng lại bị mắng như dịch vụ khám - chữa bệnh tại Việt Nam”, ông Mục bày tỏ sự lo ngại.

 

Một cuộc điều tra nhanh khác cho thấy gần 80% người trả lời hay bị nhân viên y tế quát mắng, 70% bác sĩ chỉ “nói qua loa”, thậm chí có đến 16% bác sĩ “chẳng nói gì” khi bệnh nhân hỏi. 

 

Một thực tế ai cũng nhìn thấy là nhân viên y tế đang rất lạnh lùng, nếu không muốn nói quá là vô lễ với người bệnh. Những quy ước y đức, quy tắc ứng xử mà Bộ Y tế ban hành trong nhiều năm qua đã không hề có tính thực tế.

 

Chuyện một ông bí thư tỉnh ủy vào bệnh viện thăm người thân, đến cửa khoa khám bệnh hỏi nhân viên bệnh viện thì bị quát “suốt ngày toàn người hỏi”. Đến khu phòng bệnh, thấy mấy điều dưỡng đang đứng buôn chuyện, ông vào hỏi phòng bệnh nhân thì một cô hất hàm: “Có chỉ dẫn hết trên tường đó” - được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn chứng ra và cho đó chỉ là một vài “con sâu”, nhưng thực tế đang có rất nhiều “sâu”.

 

Những người ở quê ra các bệnh viện lớn chữa bệnh ngơ ngác, cái gì cũng xa lạ nên họ thường bị mắng chửi nhiều nhất. Hỏi phòng xét nghiệm ở đâu, bị một cô mặc áo blouse quát: “Ngay trước mắt kìa, không nhìn thấy à, phải nhìn rồi hãy hỏi chứ”. Thắc mắc vì sao phải đóng tiền viện phí trước khi nhập viện, một nhân viên trợn mắt quát: “Không đóng tiền thì đưa nhau về, lằng nhằng...”. Băn khoăn về kết quả siêu âm hỏi bác sĩ thì bị mắng xa xả: “Đã bảo là nhập viện, kết quả ghi rõ thế rồi, hỏi lắm thế…”. Có lẽ chướng tai nhất là khi nghe tiếng mấy cô y tá ngồi ở phòng khám quát nạt bệnh nhân đáng tuổi ông bà được phát ra loa: “Xếp hàng vào; giấy tờ đâu; đi ra; hỏi gì…”.

 

Một bệnh nhân bức xúc: “Đi khám bệnh trả tiền mà cứ như đi ăn cướp, ăn trộm thời gian của bác sĩ ấy, đã bỏ tiền ra mà còn bị chửi. Còn mấy em gái lần đầu đi khám thai đã hết hồn khi bị bác sĩ nam mắng xơi xơi: “Dạng chân ra, sau này còn đẻ đái có che được không mà che, mất thời gian!”...

 

Người dân luôn bức xúc khi đi khám - chữa bệnh và có cái nhìn méo mó, thiếu thiện cảm đối với người thầy thuốc, không phải không có lý do. Nếu biện minh rằng vì đồng lương quá thấp và áp lực công việc nên một số thầy thuốc có thái độ có phần vô lễ với bệnh nhân thì đó chỉ là  ngụy biện, vì thu nhập chẳng có liên quan gì đến đạo đức. Không có cơ sở nào để nói vì nghèo hay vì thu nhập thua kém người khác, nên phải hành xử như thế. 

 

Bác sĩ nói cảm ơn bệnh nhân: Quá xa xỉ

 

“Tôi đã từng ra nước ngoài khám bệnh, đã từng đến chữa bệnh ở một bệnh viện quốc tế tại Việt Nam và luôn cảm thấy người bệnh được tôn trọng. Bác sĩ không tiếc lời khi nói câu cảm ơn sau khi khám cho bệnh nhân, như: “Cám ơn anh đã tin tưởng vào tay nghề của tôi và bệnh viện của chúng tôi…”; “Cảm ơn chị đã hợp tác với bác sĩ…”. Khi nghe câu nói cảm ơn từ bác sĩ, tôi cảm thấy nhẹ nhõm và có niềm tin để chữa bệnh, cho dù chi phí cho khám - chữa bệnh lên tới hàng chục triệu đồng”, một bệnh nhân chia sẻ. Còn ở các bệnh viện công của Việt Nam đang tồn tại chuyện ngược lại: Bệnh nhân phải cảm ơn thầy thuốc không chỉ bằng lời nói, mà phải cả vật chất.

 

Ông Phạm Đức Mục - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám - chữa bệnh đặt câu hỏi: Tại sao bệnh nhân - khách hàng đem tiền đến cho bệnh viện, nuôi sống các bác sĩ mà họ lại phải đi cảm ơn? Tại sao bác sĩ không chủ động cảm ơn bệnh nhân, chủ động cúi chào bệnh nhân? Ông Mục cho rằng nếu bác sĩ, điều dưỡng biết nói từ cảm ơn bệnh nhân thì mọi việc sẽ khác. Nó sẽ tạo ra sự khác biệt về vị thế của bệnh nhân trong bệnh viện, từ đó tạo ra mối quan hệ thân thiện giữa người bệnh và bác sĩ.

 

Một giáo sư lâu năm trong ngành y bày tỏ: Thầy thuốc là người luôn được mọi người tin tưởng. Không mấy ai dễ dàng cởi bỏ quần áo của mình trước người xa lạ, nhưng với thầy thuốc thì họ không ngần ngại. Vì vậy, bác sĩ cần phải xin phép họ trước khi vén áo họ lên khám và họ rất đáng được nhận câu cảm ơn từ bác sĩ. Lâu nay, các thầy thuốc đã quên mất cách hành xử tối thiểu này. Thầy thuốc đừng cho rằng người bệnh cần thầy thuốc nên thầy thuốc có quyền quát mắng, thậm chí xúc phạm người bệnh. Các thầy thuốc nên nhớ đồng lương mà họ được nhận chính là tiền đóng thuế, tiền viện phí của nhân dân, vậy khi nhân dân đi chữa bệnh thì cớ sao họ phải chịu sự bất công đó.

 

Thái độ ứng xử ít cười, thiếu niềm nở, vi phạm y đức của không ít nhân viên y tế kéo dài trong nhiều năm qua đã trở thành căn bệnh khó chữa. Giờ đây, các lãnh đạo của ngành y tế lại nảy ra ý định tốt đẹp rằng: Bác sĩ phải cảm ơn bệnh nhân để cải thiện tình hình. Ý tưởng rất mới, rất lạ, nhưng lại xuất hiện câu hỏi to đùng: Liệu có được thực thi?

 

Đứng ở góc độ người bệnh, tác giả bài viết xin khẳng định: Đó là điều quá xa xỉ! Bởi y đức của thầy thuốc hiện nay đang có rất nhiều điều phải bàn.

 

Theo Ngọc Phương

Lao động