1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bác sĩ góp tiền cứu bệnh nhân bị thai lưu, đột tử

(Dân trí) - Nữ bệnh nhân chuyển viện trong tình trạng nguy cấp vì bệnh cơ tim chu sinh, suy nút xoang, biến chứng đột tử. Tuy nhiên gia đình quá khó khăn không đủ chi phí điều trị, các bác sĩ vừa nỗ lực cứu chữa vừa góp tiền đặt máy tạo nhịp giúp người bệnh qua cơn nguy kịch.

Ca bệnh may mắn trên là trường hợp nữ bệnh nhân Thị Linh (26 tuổi, đồng bào M’nông ngụ tại Bù Gia Mập, Bình Phước). Bệnh nhân được Bệnh viện Từ Dũ chuyển đến Chợ Rẫy trong tình trạng rất nguy kịch với chẩn đoán ban đầu là bệnh cơ tim chu sinh, suy nút xoang biến chứng đột tử do nhanh thất đa hình, xoắn đỉnh từng lúc gây thai lưu.

Bác sĩ góp tiền cứu bệnh nhân bị thai lưu, đột tử - 1

Thị Linh cùng chồng rơi vào cảnh khó khăn khi chi phí đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn quá tốn kém

Tại thời điểm nhập viện, qua thăm khám bác sĩ ghi nhận mạch của bệnh nhân yếu và rời rạc chỉ khoảng 30 đến 40 lần mỗi phút. Trên màn hình monitor theo dõi điện tim có những cơn xoắn đỉnh nguy hiểm, tình trạng huyết áp bệnh nhân thấp (90mmhg), bứt rứt dữ dội.

Qua hội chẩn, bác sĩ xác định bệnh nhân đang đối mặt với tình trạng rất nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tính mạng. Các bác sĩ đã quyết định đặt máy tạo nhịp tạm thời cho người bệnh. Sau đặt máy tạo nhịp tạm thời, nữ bệnh nhân tạm qua được nguy kịch. Tuy nhiên, người bệnh có nguy cơ đối mặt với tình trạng bệnh tái phát, diễn tiến nguy hiểm nếu không được điều trị triệt để.

Giải pháp được các bác sĩ chỉ định là đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho bệnh nhân chi phí khoảng 60 triệu đồng. Tuy nhiên, hoàn cảnh kinh tế của gia đình quá khó khăn không đủ khả năng chi trả, người chồng nghèo lo lắng định đưa vợ về chấp nhận đối mặt với rủi ro. Cảm thông trước nỗi đau của người mẹ nghèo vừa bị thai lưu, các y bác sĩ tại khoa Rối loạn Nhịp của bệnh viện đã đóng góp và vận động y bác sĩ trong khoa hỗ trợ bệnh nhân.

Bác sĩ góp tiền cứu bệnh nhân bị thai lưu, đột tử - 2

Với sự hỗ trợ cả về chuyên môn lẫn tài chính từ các y bác sĩ, bệnh nhân đã vượt qua nguy nan

Với sự giúp đỡ cả về tài chính lẫn chuyên môn kỹ thuật của các bác sĩ, ngày 29/7 chị Linh đã may mắn được đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn. Sau đặt máy, các bác sĩ còn tặng bệnh nhân thêm 10 triệu đồng để chị cùng gia đình có chi phí sinh hoạt và an tâm điều trị. Hiện sức khỏe của người bệnh đã bình phục khá tốt, các bác sĩ đang tiếp tục theo dõi để chủ động xử lý tránh rủi ro có thể xảy ra.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Bệnh cơ tim chu sinh (thuật ngữ hay dùng Peripartum caridomyopathy) là một nguyên nhân hiếm gặp của suy tim, thường xuất hiện ở giai đoạn cuối thai kỳ và thời gian đầu hậu sản (1 tháng trước sinh và 5 tháng sau sinh).

Mặc dù được mô tả lần đầu tiên vào năm 1849, nhưng phải đến thập niên 30 của thế kỷ trước, bệnh lý này mới được nhận diện và phân biệt với các thể khác của suy tim. Trước đây bệnh còn được gọi với các thuật ngữ như suy tim do nhiễm độc hậu sản, hội chứng Meadows, hội chứng Zaria hay viêm cơ tim hậu sản. Bệnh thường gây ra các biến chứng rối loạn nhịp nguy hiểm như nhịp nhanh trên thất, nhanh thất hoặc những rối loạn nhịp chậm như blốc hoàn toàn, chậm xoang hay ngừng tim từng lúc.

Đến nay, y học vẫn chưa hiểu một cách đầy đủ về cơ chế bệnh sinh, nhiều nghiên cứu cho rằng bệnh viêm cơ tim chu sinh là hậu quả của viêm cơ tim do vi rút nhưng nhiều nghiên cứu khác lại đưa ra nguyên nhân do bệnh tự miễn. Tỷ lệ tử vong của bệnh cơ tim chu sinh từ 25% - 50%.

Phụ nữ đẻ con dạ được coi là một yếu tố nguy cơ của bệnh. Sau điều trị, nếu bệnh nhân còn suy tim thì lần có thai sau thường làm tổn thương tim gia tăng dẫn tới suy tim không hồi phục. Do vậy, các bệnh nhân bị bệnh cơ tim chu sản cần được tư vấn về kiểm soát sinh đẻ để tránh nguy hiểm cho cả thai phụ và thai nhi.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm