Bác sĩ Bùi Nhuận Quý: "Hạnh phúc vì được làm đúng đam mê"

Trường Thịnh Yến Lê

(Dân trí) - Nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nội soi, bác sĩ Bùi Nhuận Quý - đang công tác tại Bệnh viện FV - đam mê với nghề cùng hoài bão xây dựng một Trung tâm Tiêu hóa Gan Mật hiện đại.

Tìm thấy đam mê trên con đường ít ai chọn lựa

Chia sẻ về chặng đường gần 20 năm theo đuổi lĩnh vực nội soi chuyên khoa tiêu hóa gan mật, bác sĩ CKII. Bùi Nhuận Quý bộc bạch, đây như một hành trình tự nhiên, với những điều buộc phải trải qua và kiên trì đi thật xa để khám phá biển kiến thức rộng lớn.

Bác sĩ Bùi Nhuận Quý: Hạnh phúc vì được làm đúng đam mê - 1
Bác sĩ Bùi Nhuận Quý (Ảnh: FV).

Thời điểm bác sĩ Quý chọn chuyên Khoa Nội soi thì đó còn là một lĩnh vực rất mới. Càng tìm hiểu, anh càng thấy đây là lĩnh vực mênh mông và bắt đầu học hỏi, nghiên cứu, nhận làm thêm giờ để tích lũy kinh nghiệm.

"Tôi vẫn còn nhớ cảm giác lâng lâng khi lấy được viên sỏi đầu tiên cho bệnh nhân, hay cắt ca polip đầu tiên. Nhiều kỹ thuật khó chưa làm được, tôi vô cùng day dứt, tìm mọi cách để thành công cho bằng được", bác sĩ Quý tâm sự.

Không dừng lại ở lĩnh vực nội soi, bác sĩ Quý còn lấn sân sang cả khoa Tiêu hóa. Kinh nghiệm lâm sàng trong 7 năm ở Khoa tiêu hóa cùng kỹ thuật nội soi giúp anh trở thành một trong những bác sĩ điều trị chuyên khoa tiêu hóa có chuyên môn sâu về chẩn đoán sớm ung thư dạ dày, nội soi tiêu hóa, nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP), siêu âm nội soi (EUS).

Tháng 7/2021, bác sĩ Quý giữ vị trí Phó Trưởng khoa Nội soi bệnh viện Nhân dân Gia Định, đã quyết định về làm việc tại FV trong vai trò bác sĩ điều trị cấp cao. Đây được xem là một quyết định gây ngỡ ngàng cho nhiều bạn bè và đồng nghiệp.

Bác sĩ Quý chia sẻ: "Làm nghề đồng thời là quá trình phát triển bản thân. Để thực hiện các kỹ thuật nội soi phức tạp cần sự hỗ trợ của máy móc tiên tiến. Khi biết FV đang tìm kiếm những bác sĩ đủ tài năng, nhiệt huyết để phát triển các trung tâm điều trị nội soi kỹ thuật cao, tôi coi đó là một cơ hội phát triển nghề nghiệp".

Mỗi bệnh nhân là một bài học cho người thầy thuốc

Luôn ham học hỏi, trăn trở với những kỹ thuật khó và tìm cách phát triển tay nghề, nên với bác sĩ Quý, kỷ niệm sâu sắc nhất của anh trong con đường hành nghề không phải là những thành công của hàng trăm ca bệnh khó, những khoảnh khắc hạnh phúc của người nhà bệnh nhân khi người thân qua cơn hoạn nạn, mà là về một sự cố y khoa. Bởi theo anh, chính vì sự cố ấy, anh đã trưởng thành hơn về chuyên môn và trau dồi thêm kinh nghiệm.

Đó là trường hợp bệnh nhân 62 tuổi, bị sỏi đường mật, nhú Vater nằm cạnh túi thừa nên vị trí tiếp cận khó khăn. Với những trường hợp này, cần can thiệp vừa phải, đặt stent để dẫn lưu mật, bớt nhiễm trùng trước, sau đó mới làm nội soi mật tụy ngược dòng lần 2. Tuy vậy, theo thói quen là điều trị triệt để một lần để rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí, bác sĩ Quý đã cố cắt rộng  nhú Vater để lấy hết sỏi đường mật, không may vô tình vị trí cắt rộng gây thủng.

Bác sĩ Bùi Nhuận Quý: Hạnh phúc vì được làm đúng đam mê - 2
Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm nội soi mật tụy ngược dòng - ERCP (Ảnh: FV).

Ở một số bệnh viện, thông thường các ca có biến cố y khoa sẽ do ê-kíp khác tiếp quản, còn tại FV, bác sĩ trực tiếp điều trị phải là người tham gia chịu trách nhiệm xử lý cùng ê-kíp, nên tâm lý anh khi ấy có phần căng thẳng.

Tuy nhiên, ngay sau sự cố xảy ra, Giám đốc Y khoa đã tới trấn an, cùng thực hiện các quy trình an toàn cần thiết cho bệnh nhân. Tiếp sau đó, hằng ngày, bác sĩ Quý hội chẩn liên tục cùng các đồng nghiệp từ nhiều chuyên khoa liên quan, để đưa ra phương án điều trị thích hợp. Hơn một tuần sau, bệnh nhân hồi phục và xuất viện. Bệnh nhân sau đó coi bác sĩ Quý như người thân trong gia đình, tái khám định kỳ với sự tin tưởng vào anh và đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện FV.

Bác sĩ Bùi Nhuận Quý: Hạnh phúc vì được làm đúng đam mê - 3
Với bác sĩ Quý, mỗi bệnh nhân là một bài học (Ảnh: FV).

"Sự cố đó cho tôi bài học rất lớn. Ngoài việc phải có chuyên môn thực sự vững, bác sĩ đồng thời phải chịu trách nhiệm, đương đầu với những biến cố nếu không may xảy đến", bác sĩ Quý bộc bạch. Sự trao quyền xử lý, đòi hỏi trách nhiệm của bác sĩ với từng ca bệnh cũng như hỗ trợ của ban lãnh đạo với bác sĩ tại FV cho những trường hợp như bác sĩ Quý giúp mọi người có cơ hội học hỏi và trưởng thành. Điều đó giúp bác sĩ Quý trở nên gắn bó với FV và tìm được nơi để phát triển sự nghiệp lâu dài tại đây.

Thành công là động lực giữ lửa với nghề

Hiện tại, với cương vị Trưởng Khoa Tiêu hóa và Gan mật Bệnh viện FV, bác sĩ Quý cho biết những phương pháp điều trị bệnh lý tiêu hóa ở Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn chưa bắt kịp thế giới. Anh mong muốn được góp phần kéo gần khoảng cách này.

Thấu hiểu điều này, Ban giám đốc FV đã luôn tạo điều kiện để bác sĩ Quý trau dồi chuyên môn bằng các chương trình đào tạo và trao đổi kinh nghiệm tại các bệnh viện lớn trong và ngoài nước để có thể xây dựng một Trung tâm Tiêu hóa Gan Mật hiện đại trong tương lai không xa.

Bác sĩ Bùi Nhuận Quý: Hạnh phúc vì được làm đúng đam mê - 4
Tại bệnh viện FV, các bệnh lý về tiêu hóa, gan mật tụy, các tổn thương dưới niêm mạc hiện có thể điều trị bằng kỹ thuật ERCP(Ảnh: FV).

Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh (Giám đốc Y khoa, Bệnh viện FV) chia sẻ: "Tôi tin rằng bác sĩ Quý đủ kinh nghiệm, chín chắn, đồng thời anh có rất nhiều nhiệt huyết để cống hiến và triển khai những kế hoạch lớn hơn tại FV".

Bác sĩ Khanh cho biết thêm, FV đã xây dựng nền tảng quản trị và đầu tư trang thiết bị tối tân để bác sĩ Quý có thể yên tâm triển khai các kỹ thuật mới và khó tại chuyên khoa Tiêu hóa và Gan mật. Ngoài ra, FV đã bước đầu hợp tác với Bệnh viện AIG (Ấn Độ), một trong những trung tâm điều trị tiêu hóa, gan, mật, tụy nổi tiếng thế giới.

Bác sĩ Quý tâm sự, anh hạnh phúc vì được làm đúng đam mê trong một môi trường chuyên nghiệp, được đầu tư bài bản như FV. Anh có cơ hội nghiên cứu khoa học, có nhiều thời gian dành cho bệnh nhân, để từ đó mang lại thành quả tốt trong việc khám và điều trị cho nhiều bệnh nhân hơn. Chính những thành quả đạt được giúp anh giữ lửa đam mê với nghề.

Dù ở vị trí quản lý, bác sĩ Quý vẫn không ngừng học hỏi các kỹ thuật nội soi mới. Anh quan niệm: "Với một bác sĩ, việc học không bao giờ dừng lại".