Anti vắc xin đang phá hoại thành quả tiêm chủng

(Dân trí) - Nhiều phụ huynh không cho con đi chích ngừa chẳng những sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của trẻ mà còn khiến lỗ hổng miễn dịch trong cộng đồng ngày càng lớn. Trào lưu anti vắc xin đang tác động tiêu cực, phá hoại thành quả tiêm chủng.

Trào lưu anti vắc xin đang lây lan như một căn bệnh nguy hiểm trên mạng xã hội với những luận điệu tuyên truyền phản khoa học như: Vắc xin độc vì chứa các hóa chất "nguy hiểm" như MSG, chất chống đông máu, phenol, formaldehyde, nhôm và chì; vắc xin có thể có tác dụng ngược, khiến bạn nhiễm bệnh; vắc xin gây dị ứng; vắc xin không hiệu quả đến nỗi đáng để tiêm vào người; vắc xin gây ra chứng tự kỷ; tiêm chủng chỉ là quyền lợi bản thân, không tiêm chủng cũng không sao; các công ty dược che giấu thứ gì đó nguy hiểm để kiếm tiền từ vắc xin…

20151005_114141.jpg

Những luận điệu phản khoa học của trao lưu anti vắc xin

 

Anti vắc xin đang lôi cuốn được rất nhiều cha mẹ ở nhóm những người trẻ tuổi tham gia và quay về với những cách phòng bệnh thời nguyên thủy, để cơ thể tự chống chọi với bệnh tật. Nhiều người mẹ ấu trĩ đến mức mang cả sinh mạng của con mình ra làm thí nghiệm: “Cả ngành y tế lẫn người dân đang nháo nhào vì dịch sởi, họ lôi những đứa trẻ ra chích vi rút vào người để gọi là phòng bệnh. Con mình thì không, tuyệt đối không, chính sức đề kháng của cơ thể mới là vắc xin tốt nhất trước mọi loại bệnh”.

Suy nghĩ và hành động của phụ huynh đang đẩy con trẻ vào vòng nguy hiểm của các loại bệnh truyền nhiễm, những luận điệu tuyên truyền cảm tính, quy chụp nhưng đã tác động đến thành tựu chủng ngừa vắc xin của nhân loại hơn 2 thế kỷ qua. Thực tế tại TPHCM, ngoài số trẻ bị quên lịch tiêm chủng nên không chích ngừa đầy đủ thì nhiều trẻ hoàn toàn không được chích ngừa do cha mẹ cự tuyệt với vắc xin.

vacxin.jpg

Nguyên nhân chính khiến dịch bệnh bùng phát là do tiêm chủng không đạt độ bao phủ

 

“Chúng tôi đến tận nhà để vận động phụ huynh đưa trẻ đi chích ngừa ban đầu họ báo bận, sau đó họ từ chối, nhiều người còn tỏ thái độ căng thẳng với nhân viên y tế. Họ cho rằng, vắc xin có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của con em họ, chích ngừa là không cần thiết” – đại diện Trung tâm Y tế Dự phòng Quận 8, TPHCM chia sẻ.

BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết: “Thực tế của chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi, rubella cho trẻ xác định có tới 24.224 trẻ (chiếm 8,19% tổng số trẻ trong tuổi tiêm chủng) không đồng ý tiêm nhưng cũng không cung cấp tiền sử tiêm chủng; khoảng 6% trẻ được cha mẹ đồng ý cho tiêm nhưng sau đó vắng tại buổi tiêm hoặc chống chỉ định. Số bệnh nhân trên 9 tháng tuổi mắc sởi, có tới 97% không được tiêm chủng. Tình trạng trên đã khiến độ bao phủ phòng bệnh sởi, rubella tại TPHCM chỉ chiếm 85,8% đối tượng cần tiêm, không đạt mục tiêu 95% miễn dịch phòng bệnh trong cộng đồng. 

vac xin (2).JPG

Chích ngừa cho trẻ là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất

 

Bác sĩ cảnh báo hệ miễn dịch của trẻ nhỏ chưa được hoàn thiện, nếu không nhận được miễn dịch từ mẹ sẽ rất dễ bị vi khuẩn, vi rút gây bệnh tấn công. Tiêm vắc xin là cách phòng ngừa hữu hiệu nhất giúp con trẻ có hệ miễn dịch sẵn sàng đương đầu và đẩy lùi những tác nhân gây bệnh. Một số vắc xin sẽ giúp cơ thể có miễn dịch suốt đời nhưng một số loại vắc xin cần được tiêm nhắc lại để chúng có đủ lượng kháng thể cần thiết.

Ngoài ra, việc tiêm đầy đủ vắc xin cho trẻ sẽ tạo nên miễn dịch cộng đồng, gián tiếp chống bệnh truyền nhiễm diễn ra khi phần lớn dân cư đã miễn dịch với một loại vi khuẩn lây nhiễm từ đó tạo nên một lớp bảo vệ cho những người không miễn dịch. Tỷ lệ cá thể có miễn dịch trong cộng đồng càng lớn, thì khả năng những người không có miễn dịch tiếp xúc phơi nhiễm với cá thể nguồn lây càng nhỏ.

Vân Sơn