7 thói quen xấu khiến răng trẻ hô, mọc lệch

(Dân trí) - BS Nguyễn Huy Hoàng, Bác sỹ khoa Phẫu thuật hàm mặt Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, cho biết: Khoảng 60% người bị răng hô, khấp khểnh là do di truyền... Bên cạnh đó, nhiều thói quen xấu có thể làm răng bị lệch lạc, hô răng và cắn hở.

Dưới đây, là 7 thói quen xấu nên tránh cho trẻ do BS Huy Hoàng, hay còn được trẻ em gọi là chuyên gia chỉnh nha Hoàng TuT khuyến cáo:

7 thói quen xấu khiến răng trẻ hô, mọc lệch - 1

Ngậm ti giả - bú bình khi ngủ

Nhiều cha mẹ thường nghĩ rằng cho trẻ ngậm ti giả sẽ giúp bé dễ làm quen với việc ti bình khi mẹ phải đi làm trở lại hay giúp trẻ ngoan và ngủ ngoan hơn.

Tuy nhiên, nếu để trẻ ngậm trong một thời gian dài sẽ khiến trẻ dễ bị sâu răng và cụt răng sữa rất nhanh bởi trong miệng lúc nào cũng có đường. Thêm vào đó, việc ngậm mút ti giả sẽ tạo lực ép vào hàm, việc mút nhiều liên tục trong thời gian dài càng gây áp lực làm hẹp cung hàm, từ đó khiến cho hàm trên của trẻ bị nhô lên, hàm dưới đẩy xuống làm răng lệch, cắn hở.

Mút ngón tay

Mút ngón cái hay các đồ vật tương tự, giúp trẻ có cảm giác thoải mái. Tuy nhiên, nếu mút ngón liên tục quá 5 tuổi, sẽ gây ra mọc răng không đúng vị trí, gây hô, cắn hở… hệ quả là thẩm mỹ xấu, chức năng nhai ảnh hưởng, khả năng phát âm kém hơn.

Thói quen cắn móng tay, gặm bút, cắn các vật cứng rất có hại vì sẽ làm cho răng trẻ bị mòn, dễ rạn nứt, mẻ, ê, đau răng…

Đẩy lưỡi về phía trước

Đẩy lưỡi là tật trẻ đưa đầu lưỡi ra trước chặn khoảng trống giữa 2 hàm răng và miệng. Cũng giống như mút ngón tay, đẩy lưỡi tác động tiêu cực đến sự phát triển hàm răng, thẩm mỹ, chức năng nhai, chức năng phát âm. Do vậy cha mẹ cần quan sát và hướng dẫn trẻ đặt lưỡi ở đúng vị trí.

Mút môi hoặc cắn môi

Mút môi hoặc cắn môi là tật mút giữ môi dưới hoặc môi trên liên tục. Có thể đơn thuần hoặc kết hợp với các tật khác. Mút môi dưới dễ gây thiểu sản xương hàm dưới, hô răng. Mút môi trên gây chìa xương hàm dưới. Nếu bố mẹ thấy con có tật này cần nhắc nhở trẻ liên tục và khuyến khích trẻ ko làm như thế nữa. Với những trẻ từ 5 tuổi trở lên, nên đưa trẻ đến nha sĩ để cho trẻ đeo hàm ngăn chặn.

Thở bằng miệng

Thở miệng có thể gây hẹp cung hàm, viêm A, sức đề kháng kém. Khi trẻ thường xuyên thở bằng miệng, lưỡi sẽ đi theo hàm dưới (lưỡi là khí cụ chỉnh nha tự nhiên làm long rộng hàm trên thụ động) khi đó hai phần cơ ở má bóp vào gây hẹp cung hàm trên. Hệ thống xương mặt phát triển không cân đối, dễ làm rối loạn các khớp cắn.

Nếu thấy trẻ hay thở bằng miệng khi ngủ, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sỹ để được hướng dẫn điều trị.

Ở nhà, bố mẹ nên thường xuyên để ý đẩy miệng trẻ kín lại khi ngủ. Khi trẻ thức, cho trẻ luyện thở mũi, luyện cơ môi, luyện vị trí đặt lưỡi, luyện cách nuốt đúng.


BS Huy Hoàng: Hàm răng khỏe, đẹp cần bắt đầu từ những thói quen tốt

BS Huy Hoàng: Hàm răng khỏe, đẹp cần bắt đầu từ những thói quen tốt

Tự ý nhổ răng ở nhà

Thực tế có rất nhiều trường hợp cha mẹ nghĩ rằng có thể nhổ răng sữa tại nhà vì dễ dàng. Tuy nhiên, thời điểm trẻ thay răng sữa cũng là lúc các răng vĩnh viễn bắt đầu mọc. Nếu trẻ được đưa tới phòng khám để nhổ răng để được đánh giá mầm răng vĩnh viễn và xem xét có nhổ răng không.

Bác sỹ đồng thời cũng thăm khám việc mọc răng vĩnh viễn, xem răng mọc có đúng trình tự không, có đủ chỗ trên xương hàm cho răng phát triển không, những răng mới mọc có dấu hiệu bệnh lý gì không, có bất thường hay không...

Do đó, việc tự nhổ răng sữa cho trẻ tại nhà sẽ có thể khiến thời điểm vàng để can thiệp nắn chỉnh, sửa chữa những lệch lạc răng vĩnh viễn ở giai đoạn sớm bị bỏ qua.

Không quan tâm răng sữa

Một sai lầm mà nhiều cha mẹ mắc phải đó là chưa quan tâm đầy đủ đến hàm răng sữa khi cho rằng hàm răng sữa chỉ là tạm thời.

Trên thực tế, khi một răng sữa sâu và hỏng trước thời điểm thay răng sẽ ảnh hưởng đến mầm răng vĩnh viễn ngay phía dưới (ví như mầm răng bị mọc lệch). Hàm răng có nhiều răng bị nhổ sớm làm cho các răng khác bị chạy, di chuyển sai trên cung hàm gây lệch lạc răng. Nếu mất răng sớm gây nên hiện tượng kém phát triển cung hàm.

BS. Huy Hoàng khuyên nên đưa bé đi khám răng ít nhất 6 tháng/1 lần, đừng chờ đến lúc trẻ bị sâu răng hay bị đau răng mới đưa đi khám. Việc khám và chăm sóc răng trẻ em định kỳ sẽ giúp theo dõi chính xác tình trạng phát triển của răng và có điều trị kịp thời.

Trần Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm