5 nhận thức sai lầm về Ung thư cổ tử cung
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ mắc Ung thư cổ tử cung (UTCTC) ngày càng gia tăng ở Châu Á, là do hiểu biết thiếu khoa học của phụ nữ về căn bệnh này.
Dưới đây là 5 nhận thức sai lầm thường gặp về UTCTC:
SAI LẦM 1: UTCTC là do di truyền
UTCTC không phải là bệnh di truyền, mà thủ phạm dẫn đến mối “hiểm hoạ” này chính là Human Papilloma Virus (HPV). Đây là loại vi rút dễ lây lan qua đường tình dục, chỉ cần tiếp xúc ngoài da ở bộ phận sinh dục, phụ nữ đã có khả năng bị lây nhiễm, dẫn đến UTCTC.
HPV gây bệnh đường sinh dục có 2 chủng: lành và ác tính. Những chủng HPV sinh dục lành tính thường gây mụn cóc (hay mào gà) sinh dục, thường do các chủng HPV 6, 11,… gây ra. Đây là bệnh lành tính, tiên lượng và điều trị đơn giản.
Trong khi đó, UTCTC là một bệnh ác tính, có thể cướp mất sinh mạng và ảnh hưởng nhiều đến thể chất tinh thần người bệnh. Có ít nhất 15 chủng HPV gây UTCTC. Với 5 chủng HPV phổ biến nhất, chiếm đến 80% ca ung thư trên toàn cầu là 16,18, 31, 33 và 45. (1)
SAI LẦM 2: Ung thư cổ tử cung chỉ xảy ra khi quan hệ tình dục bừa bãi
Nhiều người nghĩ rằng UTCTC chỉ xảy ra với đối tượng quan hệ tình dục bừa bãi, sinh đẻ nhiều và vệ sinh cá nhân kém. Điều này không đúng!
UTCTC có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào (2-6) Ung thư cổ tử cung là ung thư phụ khoa thường gặp ở phụ nữ. Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung hiện nay được xác định là do nhiễm HPV. Và cứ 8 trong số 10 phụ nữ sẽ có ít nhất một lần nhiễm HPV trong đời (7). Tất cả phụ nữ khi có quan hệ tình dục đều có nguy cơ nhiễm HPV và có thể nhiễm nhiều týp HPV khác nhau.
SAI LẦM 3: Ung thư cổ tử cung chỉ xảy ra ở phụ nữ lớn tuổi
UTCTC là căn bệnh ung thư nguy hiểm và phổ biến đứng hàng thứ hai của phụ nữ từ 15-44 tuổi trên thế giới (7) UTCTC không chỉ đe doạ sức khoẻ, mạng sống mà còn tước đi thiên chức làm mẹ, làm vợ của phụ nữ, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho xã hội.
Mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 527.000 phụ nữ được chẩn đoán mắc UTCTC và khoảng 265.000 người tử vong vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, mỗi ngày có đến hơn 7 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này (7) UTCTC có thể xảy ra từ rất sớm. Nguy cơ nhiễm HPV bắt đầu ngay từ khi có quan hệ tình dục.
SAI LẦM 4: Ung thư cổ tử cung không thể điều trị
Chỉ khi phát hiện ở giai đoạn quá muộn, bệnh nhân mới ít có cơ hội điều trị khỏi. UTCTC phát triển từ giai đoạn 0 đến giai đoạn 4 và nếu được phát hiện sớm thì bệnh có nhiều khả năng lành bệnh.
Hiện nay, đa số bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn muộn, khi có dấu hiệu bất thường, lúc tế bào ung thư đã xâm lấn. Nhiều trường hợp nặng, tế bào ung thư lan đến cơ quan khác như bàng quang, trực tràng, thậm chí lan đến phổi, não, gan… thì hầu như không thể điều trị, mà chỉ có thể sử dụng hóa trị, xạ trị để làm chậm sự tiến triển của tế bào ung thư.
SAI LẦM 5: Ung thư cổ tử cung không thể phòng ngừa
Tuy nguy hiểm, nhưng UTCTC hoàn toàn có thể phòng ngừa, bằng cách khám phụ khoa, xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung định kỳ để tầm soát. Phương pháp này giúp phát hiện kịp thời các tế bào tiền ung thư tại cổ tử cung trong giai đoạn đầu để có hướng điều trị ngăn chặn trước khi tế bào ung thư phát triển.
UTCTC còn có thể chủ động phòng ngừa được bằng vắc xin. Hiện nay đã có vắc xin phòng ngừa những chủng HPV gây UTCTC phổ biến nhất. Vắc xin được chỉ định tiêm cho phụ nữ từ 9,10 đến 25, 26 tuổi, đã từng hoặc chưa từng có quan hệ tình dục. Việc chủng ngừa nên được tiến hành sớm để đạt hiệu quả phòng ngừa tốt nhất. Vắc xin phòng ngừa UTCTC hiệu quả là vắc xin tập trung phòng ngừa nhiều týp HPV gây UTCTC.
Việc phòng ngừa sẽ đạt kết quả cao khi kết hợp cả phương pháp tiêm vắc xin và tầm soát UTCTC định kỳ.
Nhiều phụ nữ chưa có hiểu biết đúng đắn để bảo vệ mình khỏi UTCTC.
Hà Phương
Tài liệu tham khảo:
1.Muñoz N, et al. N Engl J Med 2003; 348:518–527.
2.Castellsagué X et al. Gynecol Oncol 2009;115:S15–S23.
3.Dunne EF et al. JAMA 2007;297:813–819.
4.Goldie SJ et al. J Natl Cancer Inst 2004;96:604–615.
5.Harper DM et al. Lancet 2004;364:1757–1765.
6.Stanley M. Clinical Oncol 2008;20:388–394.
7.WHO/ICO HPV Information Centre 2014
Tài liệu giáo dục này được phối hợp thực hiện bởi Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam & VPĐD GlaxoSmithKline