4 yếu tố làm tăng ung thư vú

Hồng Hải

(Dân trí) - Bệnh ung thư vú sinh ra do các đột biến gen làm tế bào sinh sản không kiểm soát được. Khoảng 5-7% tnguyên nhân di truyền, còn hơn 90% trường hợp chịu tác động của các yếu tố môi trường và lối sống.

TS.BS Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Ngoại vú, Bệnh viện K cho biết, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ung thư vú.

Bệnh ung thư vú sinh ra do các đột biến gen làm tế bào sinh sản không kiểm soát được. Có nhiều lý do mà cơ thể có các đột biến gen, trong đó khoảng 5-7% trường hợp có nguyên nhân di truyền, còn lại hơn 90% trường hợp chịu tác động của các yếu tố môi trường và lối sống.

Di truyền: Có khoảng 5-7% các trường hợp ung thư vú do các đột biến gen. Các đột biến gen BRCA1/2 di truyền này, gặp cả ở nữ giới và nam giới, làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng và một số ung thư khác.

Những đột biến di truyền này có từ ngay khi sinh ra, và chúng ta không thay đổi được nó. Ngoài gen BRCA, thì còn một số đột biến gen khác nữa (p53, PTEN…) cũng tác động vào quá trình hình thành khối u tuyến vú.

Môi trường: Những tác nhân từ môi trường như tia tử ngoại, tia X, hóa chất, khói xe, vi sinh vật…được gọi là các tác nhân sinh ung và được chứng minh có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ mắc ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng. Những tác nhân này làm cho các gen dễ bị đứt gãy trong quá trình sao chép, là điều kiện để các đột biến xuất hiện.

Lối sống: Ung thư vú có liên quan đến tình trạng thừa cân, béo phì, uống nhiều rượu, hút thuốc và ít vận động. Do các tế bào tuyến vú hoạt động phụ thuộc vào nội tiết tố estrogen, nên các nguyên nhân làm tăng estrogen có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Thừa cân, béo phì, uống nhiều rượu bia, sử dụng liệu pháp hormone estrogen thay thế…làm cơ thể  phơi nhiễm với estrogen nhiều hơn và do đó kích thích tế bào tuyến vú tăng sinh -  một điều kiện để các đột biến sinh ung xuất hiện. Thừa cân và ít vận động còn có liên quan đến tăng nguy cơ tái phát ở những người đã mắc ung thư vú.

Khả năng miễn dịch của cơ thể: Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc tìm và tiêu diệt các vật thể lạ trong cơ thể, bao gồm các tế bào ung thư. Một khối u ác tính chỉ có thể được hình thành nếu nó vượt qua được hết các chặng kiểm soát của hệ miễn dịch - một tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng các đột biến gen xảy ra. Như vậy, về mặt nguyên tắc, nếu có một hệ miễn dịch khỏe và hoạt động tốt thì nguy cơ mắc bệnh ung thư sẽ ít hơn, trong đó bao gồm cả ung thư vú.

Hầu hết các trường hợp ung thư vú đều không xác định được một nguyên nhân cụ thể. Những yếu tố về vật lý, phóng xạ, hóa chất, suy giảm miễn dịch, lối sống… mà chúng ta nói ở trên được gọi là các "yếu tố nguy cơ" gây ung thư vú. Có nghĩa là việc tiếp xúc với các yếu tố đó không nhất thiết là nguyên nhân trực tiếp gây ra ung thư vú, nhưng sẽ làm nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn so với không tiếp xúc. Hơn nữa, tác động của các yếu tố nguy cơ này có tính chất cộng gộp, nghĩa là càng tiếp xúc với nhiều yếu tố nguy cơ và trong thời gian càng dài thì nguy cơ mắc ung thư vú càng cao.

Tại Việt Nam, các bác sĩ khuyến cáo, nếu không có yếu tố nguy cơ cao như đột biến BRCA; bố, mẹ, anh chị em ruột hoặc con của người mang đột biến BRCA, có tiền sử xạ trị vào vùng ngực từ 10 đến 30 tuổi .... thì nên đến khám tầm soát ở độ tuổi từ 40 trở lên. Ngoài ra, mỗi tháng, sau kỳ kinh nguyệt từ 3-5 ngày nên tự khám vú để phát hiện những bất thường sớm nhất.