4 lần thay huyết tương cứu người đàn ông 43 tuổi bị ung thư giai đoạn muộn
(Dân trí) - Bệnh nhân nam ở Hà Nội mắc ung thư vòm giai đoạn 4, đang điều trị hóa xạ đồng thời. Gần đây bệnh nhân thấy đau đầu, chóng mặt, vào viện thì đã nguy kịch, tiểu cầu giảm sâu.
Bệnh nhân là anh Mai Xuân T., 43 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội, mắc ung thư vòm giai đoạn 4, điều trị hóa xạ đồng thời.
Trước đó vài ngày, anh thấy có hiện tượng đau đầu, chóng mặt, đã điều trị nhưng không đỡ. Ngày 13/12/2020, anh T. vào Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) xét nghiệm có tình trạng thiếu máu và giảm tiểu cầu nặng (TC=5 G/L).
Theo bác sĩ, bệnh nhân vào viện trong tình trạng nguy kịch co giật, tiểu cầu giảm nặng, thiếu máu. Ngay lập tức, anh được chuyển xuống khoa Hồi sức cấp cứu và được điều trị tích cực, truyền các chế phẩm máu (tiểu cầu, hồng cầu, huyết tương), dự phòng nhiễm khuẩn, chăm sóc hô hấp...
Đến ngày thứ 3 mặc dù đã được điều trị tích cực nhưng tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng, xuất hiện tình trạng co giật, suy hô hấp, bệnh nhân được an thần, thở máy. Các bác sĩ trong khoa đã hội chẩn và nhận định đây là một ca bệnh khó. Sau đó bệnh nhân được làm các xét nghiệm tìm chẩn đoán, thấy có tình trạng thiếu máu tan máu, có mảnh vỡ hồng cầu, tăng bilirubin gián tiếp, tiểu cầu vẫn giảm nặng ( TC= 9 G/L).
Trưởng khoa TS.BS Nguyễn Tiến Đức, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu đã chủ trì hội chẩn các bác sĩ trong khoa thống nhất chẩn đoán bệnh nhân bị ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối trên nền ung thư vòm đang điều trị hóa xạ đồng thời. Đây là bệnh lý ít gặp nhưng có diễn biến phức tạp, tỷ lệ tử vong cao hơn 90% nếu không được điều trị tích cực.
Bệnh nhân được chỉ định thay huyết tương hàng ngày và sử dụng methyl prednisolone liều 1mg /kg/ngày. Sau thay huyết tương 4 lần bệnh nhân tỉnh táo, rút ống nội khí quản tiểu cầu tăng trở lại. Sau đó anh T.được chuyển khoa Xạ 1 trong tình trạng tỉnh táo tiểu cầu 243 G/L tiếp tục được theo dõi, điều trị ung thư theo chuyên khoa. Hiện bệnh nhân đã ổn định ra viện.
Đây là lần đầu tiên, Bệnh viện K điều trị thành công bệnh lý ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối bằng kỹ thuật thay huyết tương.
Nguyên nhân gây ra bệnh có thể do di truyền, là kết quả của một đột biến trong gen ADAMTS1. Trong một số trường hợp, xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối có thể phát triển trong thai kỳ hoặc nếu thai phụ bị ung thư hoặc nhiễm trùng hay một số loại thuốc có thể dẫn đến sự phát triển xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối như: estrogen, liệu pháp hormone, hóa trị, Cyclosporine A.
Bệnh lý ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối là bệnh lý rất hiếm gặp, triệu chứng gồm: giảm tiểu cầu, triệu chứng thần kinh: đau đầu, buồn nôn, lú lần, hôn mê, co giật, tan máu, sốt, suy thận.
Khi thực hiện kỹ thuật thay huyết tương sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong xuống dưới 15%.