30% dân số Việt mắc các bệnh trầm cảm, rối loạn tâm thần

(Dân trí) - Số liệu thống kê cho thấy có khoảng 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người mơ hồ về bệnh, chưa đến bệnh viện điều trị.

Những năm trở lại đây, trầm cảm là căn bệnh ngày càng được nhắc đến nhiều.

Theo Viện Sức khỏe Tâm thần, có khoảng 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%. Điều đáng nói là nhiều người vẫn còn mơ hồ về căn bệnh này, khiến việc chẩn đoán sớm và điều trị bệnh gặp rất nhiều khó khăn.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Ngô Tích Linh, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Dược TP.HCM.

30% dân số Việt mắc các bệnh trầm cảm, rối loạn tâm thần - 1

Tiến sĩ, Bác sĩ Ngô Tích Linh.

Thưa bác sĩ, có ý kiến cho rằng cuộc sống hiện đại tạo điều kiện cho bệnh trầm cảm gia tăng. Bác sĩ nhận định thế nào?

Bác sĩ Ngô Tích Linh: Đúng là hiện nay con số bệnh nhân trầm cảm đến khám bệnh ngày càng đông. Tại những thành phố lớn, lượng bệnh trầm cảm, lo âu là rất cao so với những nơi khác.

Tuy nhiên điều này chưa thể nói rằng tỉ lệ bệnh nhân trầm cảm ngày càng gia tăng, nhưng chúng ta có thể nhận thấy việc người ta càng ngày càng quan tâm đến vấn đề này nhiều hơn.

Vậy những dấu hiệu của bệnh trầm cảm là gì thưa bác sĩ?

Bác sĩ Ngô Tích Linh: Theo Hiệp hội Tâm thần Mỹ, có 9 triệu chứng theo mức độ mà ta có thể xác định bệnh nhân đang bị trầm cảm:

- Ít quan tâm hứng thú.

- Cảm thấy thất vọng.

- Mất ngủ hoặc ngủ nhiều.

- Kiệt sức.

- Chán nản.

- Cảm thấy bản thân thất bại, vô dụng.

- Khó tập trung vào công việc.

- Di chuyển chậm chạp hoặc nói chậm.

- Có ý niệm về cái chết.

Nếu bệnh nhân có 5-9 triệu chứng kéo dài trên 2 tuần, ảnh hưởng chức năng của người bệnh hoặc đôi khi cần nhập viện thì tức là đã mắc trầm cảm.

Từ các triệu chứng này mà người ta xây dựng bảng câu hỏi PHQ9 để bệnh nhân tự trả lời và xác định mức độ bệnh.

30% dân số Việt mắc các bệnh trầm cảm, rối loạn tâm thần - 2
Bảng câu hỏi tự đánh giá trầm cảm PHQ9.

Vậy ở Việt Nam tình hình bệnh nhân trầm cảm tại phần lớn do nguyên nhân nào thưa bác sĩ?

Bác sĩ Ngô Tích Linh: Theo Bộ Y tế, đến năm 2017 chúng ta có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Tuy nhiên còn rất nhiều bệnh nhân không đến bệnh viện thăm khám, điều trị.

Về nguyên nhân, trầm cảm là một chứng rối loạn tâm trạng do nội sinh. Những yếu tố bên ngoài chỉ là điều kiện để bộc phát bệnh, không phải nguyên nhân chính.

Người thường xuyên làm việc căng thẳng, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiệt độ tăng cao có dễ bị trầm cảm hơn không?

Bác sĩ Ngô Tích Linh: Đó chỉ là những yếu tố thuận lợi thôi. Tuy nhiên ở các nước phương Tây, người ta nhận thấy có mối lương quan giữa thời tiết và trầm cảm.

Trong những tháng mùa thu và mùa đông, lượng ánh sáng ít lại, nồng độ melatonin giảm là yếu tố có thể khiến trầm cảm gia tăng. Còn về nhiệt độ hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định liên quan đến trầm cảm.

Vậy điều nguy hiểm nhất với bệnh nhân trầm cảm là gì?

Bác sĩ Ngô Tích Linh: Nhiều gia đình xem yếu tố sang chấn bên ngoài là nguyên nhân chính gây trầm cảm. Do đó họ chỉ tập trung vào vấn đề cải thiện tâm lý cho bệnh nhân mà không đưa đi điều trị, dẫn đến bệnh nặng vì phát hiện muộn.

Nguy hiểm hơn, người nhà khó phát hiện ý niệm tự sát trong đầu bệnh nhân trầm cảm. Nên nhớ, phần lớn người trầm cảm thường ít chia sẻ.

Bên cạnh những triệu chứng về khí sắc, bệnh nhân còn có những triệu chứng ở cơ thể như tim hồi hộp, khó thở, mạch nhanh… làm cả thầy thuốc cũng dễ nhầm lẫn trong chần đoán bệnh.

Vậy có cách nào để phòng chống bệnh trầm cảm không bác sĩ?

Bác sĩ Ngô Tích Linh: Gần như không có phương pháp phòng chống cụ thể.

Tuy nhiên nếu chúng ta đặt ra một chế độ sinh hoạt hợp lý, cân bằng trong công việc, hoạt động và có những góc nhìn, suy nghĩ cởi mở, tích cực hơn thì ít nhiều sẽ giúp giảm yếu tố thuận lợi bùng phát trầm cảm.

Yếu tố nâng đỡ của gia đình cũng góp phần không nhỏ trong việc cải thiện suy nghĩ.

Xin cảm ơn bác sĩ Ngô Tích Linh và nhãn hàng Pfizer đã đồng hành cùng nâng cao kiến thức bệnh học cộng đồng!  

H.L