3 tháng nỗ lực cứu "bàn chân tiểu đường", giúp nữ bệnh nhân thoát cảnh đoạn chi
(Dân trí) - Bàn chân bị nhiễm trùng nặng do biến chứng bệnh tiểu đường, bà Tan Chheang Lay (62 tuổi, người Campuchia) được chỉ định đoạn chi. Không muốn sống trong cảnh tàn phế, bà cầu cứu các bác sĩ bệnh viện FV.
Trong 3 tháng, đội ngũ y tế FV thuộc nhiều chuyên khoa phối hợp cứu thành công bàn chân cho bà Tan Chheang Lay. "Giữ được bàn chân, chất lượng sống và sinh hoạt của tôi tốt hơn trước rất nhiều", bà Tan nói.
Thực hiện 3 cuộc phẫu thuật để cứu bàn chân bị biến chứng do bệnh tiểu đường
Bà Tan sống chung với căn bệnh tiểu đường suốt 30 năm qua. Đầu năm 2024, bà bị một vết áp xe nhỏ ở chân trái. Do không có cảm giác đau, bà Tan nghĩ đây chỉ là một vết xước thông thường. Không ngờ, vết áp xe nhanh chóng sưng tấy. Bà điều trị ở bệnh viện gần nhà nhưng bệnh không thuyên giảm, bác sĩ buộc phải cắt bỏ một ngón chân út cho bà.
Sau phẫu thuật, ổ nhiễm trùng vẫn tiếp tục lan rộng ra khắp bàn chân. Bà đi khám ở bệnh viện tuyến trên, các bác sĩ chỉ định đoạn chi, nếu không vết thương sẽ tiếp tục lan rộng, đe dọa tính mạng. Không muốn bị tàn phế, theo lời người quen, bà Tan tìm đến Bệnh viện FV để mong cứu lấy bàn chân.
Khám cho bà Tan, bác sĩ Trương Hoàng Vĩnh Khiêm, khoa Chấn thương Chỉnh hình và Phẫu thuật Bàn tay, Bệnh Viện FV nhận thấy tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân rất nghiêm trọng.
"Điều trị bàn chân tiểu đường là một thử thách lớn đối với các bác sĩ. Khó khăn của ca bệnh này là thiếu máu nuôi các chi, nên vết thương sẽ rất lâu lành. Việc phẫu thuật cũng đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm để loại bỏ phần mô bị hư hỏng mà không làm ảnh hưởng đến các mô lành xung quanh. Bên cạnh đó, việc điều trị cần sự kết hợp chặt chẽ giữa nhiều chuyên khoa trong bệnh viện", bác sĩ Khiêm cho biết.
May mắn là kiểm tra chỉ số ABI (chỉ số huyết áp cổ chân - cánh tay) cho bà Tan, bác sĩ Nguyễn Thị Thư Hương, khoa Nội tiết, Bệnh viện FV đánh giá mạch máu ở chân bệnh nhân vẫn còn tương đối tốt, khả năng chữa lành vết thương sẽ cao hơn.
Bà Tan và gia đình đồng ý phương án trải qua nhiều cuộc mổ do bác sĩ Khiêm đề xuất. Ê-kíp của bác sĩ Khiêm đã thực hiện 3 cuộc mổ công phu cho bà. Hai cuộc phẫu thuật đầu để loại bỏ toàn bộ phần nhiễm trùng.
Trong cuộc phẫu thuật lần 3, bác sĩ Khiêm chuyển vạt da từ bắp chân bệnh nhân xuống để phủ cho vùng da đã bị hoại tử. Bà Tan được chăm sóc vết thương kết hợp dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ khoa Nội tiết để cân bằng đường huyết và tái tạo lại những mô mới ở vùng tổn thương.
Quá trình chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật ghép da là một thử thách lớn đối với đội ngũ điều dưỡng. Bệnh nhân nằm cố định trong tư thế đặc biệt suốt 2 tuần. Các điều dưỡng Bệnh viện FV đã sáng tạo nhiều cách để bệnh nhân thoải mái hơn: tạo gối ôm, thường xuyên xoay trở tư thế, massage cho bệnh nhân… Sau thời gian nằm viện, bà tiếp tục tái khám 2-3 lần mỗi tuần suốt hơn hai tháng để được bác sĩ Khiêm trực tiếp chăm sóc vết thương.
Chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng với sự hồi phục sau mổ. Các điều dưỡng bệnh viện FV kiên trì chăm sóc, hỗ trợ bà Tan ăn đủ chất theo thực đơn từ bác sĩ dinh dưỡng. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa và đội ngũ điều dưỡng cùng sự hợp tác tích cực của bệnh nhân, bà Tan đã không phải cưa chân.
Trong lần tái khám cuối tháng 7/2024, bà Tan vui mừng khi vết thương đã lành, bà có thể đi lại bình thường. "Giữ được bàn chân, chất lượng sống và sinh hoạt của tôi tốt hơn trước nhiều", bà Tan xúc động nói.
Người bệnh tiểu đường cần kiểm tra bàn chân thường xuyên và thăm khám định kỳ
Trung bình trên thế giới cứ 30 giây lại có một bệnh nhân đái tháo đường phải đoạn chi. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thư Hương, khoa Nội tiết, Bệnh viện FV, bệnh nhân bị bàn chân Charcot (bàn chân tiểu đường) có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn nhiều so với những người bình thường. Biến chứng này bắt đầu xuất hiện trong những giai đoạn đầu sẽ không có triệu chứng rõ nét, đôi khi bản thân bệnh nhân cũng không biết rằng là mình đang mắc phải.
Bác sĩ Hương khuyến cáo, bệnh nhân cần tự thăm khám bàn chân hằng ngày, phát hiện sớm các vết chai, vết xước nhỏ để điều trị kịp thời.
Biến chứng bàn chân ở người tiểu đường là do không kiểm soát tốt đường huyết trong máu. Bệnh nhân tiểu đường cần thăm khám định kỳ để được bác sĩ kê toa thuốc kiểm soát đường huyết phù hợp, tuân thủ lời khuyên về chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý để tránh các biến chứng từ căn bệnh mạn tính này gây ra.
Để thăm khám và xử lý biến chứng bàn chân ở người tiểu đường, bạn có thể liên hệ bệnh viện FV qua số điện thoại: 0285 411 3333.