1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

10 nghìn một ngày cai cơn nghiện vật vã của bệnh nhân nghiện ma tuý, heroin

(Dân trí) - Một người nghiện ma tuý, heroin mỗi ngày tiêu tốn từ 300 nghìn đến cả triệu đồng cho tiền thuốc, luôn bị những cơn “vật thuốc” hành hạ. Với loại thuốc điều trị thay thế mới, chi phí điều trị chỉ hết 300 ngàn cho một tháng, giúp người bệnh loại bỏ hoàn toàn cơn thèm ma tuý.

Kiếm được bao nhiêu tiền đều đốt vào ma tuý

Sáng 10/5 tại sự kiện  “Khởi động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine” do Cục phòng chống HIV/AIDS và Sở Y tế tỉnh Điện Biên tổ chức tại thành phố Điện Biên, 9 bệnh nhân đầu tiên ở Điện Biên, cũng là 9 bệnh nhân đầu tiên trong cả nước được tiếp cận sử dụng loại thuốc điều trị ma tuý mới

Bệnh nhân Đinh Mạnh Hùng (46 tuổi, phường Him Lam, thành phố Điện Biên) cho biết, đã quay trở lại với heroin 3 năm liên tục, sau một thời gian cai.

10 nghìn một ngày cai cơn nghiện vật vã của bệnh nhân nghiện ma tuý, heroin - 1

Bệnh nhân được tư vấn, sử dụng thuốc điều trị thay thế bằng Buprenorphine tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên. Ảnh: H.Hải

Mỗi ngày, anh phải dùng tối thiểu 3 lần thuốc, với chi phí khoảng 300 nghìn đồng. Có những ngày cao điểm dùng 4- 5 lần. Chi phí tốn kém, giật gấu vá vai, gia đình khốn khó, luôn trong tình trạng căng thẳng vì nhà có con nghiện, tiền ăn không có nhưng vẫn đốt tiền vào ma tuý.

Bản thân anh đi làm thợ xây nhưng số tiền kiếm được hàng tháng cũng không đủ cho nhu cầu sử dụng ma tuý. Những lần không có tiền, cơn vật khiến anh sốt nóng, sốt rét, chân tay bủn rủn, bứt dứt, trong đầu chỉ nghĩ được làm sao kiếm thuốc để dùng.

Vì thế, khi được chị gái là cán bộ y tế khuyên đi cai nghiện bằng loại thuốc mới không gây vật vã, kích thích khi ngừng ma tuý, anh quyết tâm đi thử.

Đến hôm nay (10/5) anh đã ngậm thuốc Buprenorphine được 6 ngày và dừng hoàn toàn ma tuý, heroin mà cơ thể không mệt chỏi, chân tay rã rời, đầu óc thoải mái không hề nghĩ ngợi gì đến ma tuý, heroin.

“Tiền thuốc chúng tôi được dùng miễn phí, mỗi tháng đóng khoảng 300 nghìn đồng cho các chi phí liên quan, chỉ bằng 1 ngày chơi thuốc, cơ thể khoẻ mạnh, thoải mái. Bố mẹ tôi rất vui vì thấy con đi cai nghiện. Việc cai nghiện cũng không bị vật vã nên tôi quyết tâm theo đuổi điều trị”, anh Hùng chia sẻ.

Một bệnh nhân khác, anh Đàm Thanh Hải (57 tuổi, thành phố Điện Biên) cho biết, anh có thâm niên nghiện liên tục 16 năm, bao lần muốn từ bỏ mà không thể.

Mỗi ngày anh dùng tối thiểu 2 lần với chi phí đến 400 nghìn đồng. Có những ngày liều dùng phải tăng lên gấp đôi. Gia đình luôn căng thẳng vì tiền kiếm không ra mà tiền đốt cho ma tuý thì nhiều.

Vì thế, khi được bác sĩ tư vấn sử dụng thuốc, anh Hải đã quyết tâm sử dụng. “Đến nay tôi là ngày thứ 2 ngậm thuốc, ngay lần đầu tiên đã không còn cảm giác thèm muốn ma tuý, không bị vật vã như lần cai thất bại trước đó. Tôi ăn, ngủ được, tinh thần thoải mái. Chi phí 300 nghìn đồng mỗi tháng tôi đã bớt làm khổ vợ con”, anh Hải chia sẻ.

Anh Hải cho biết thêm: “Chi phí 10 nghìn một ngày cắt được cơn vật ma tuý là quá rẻ với chúng tôi, giúp chúng tôi thoát khỏi cảnh sống dở chết dở khi lên cơn vật. Trước khi dùng thuốc, có những lần có tiền mà cũng không mua được ma tuý, heroin khiến tôi lên cơn vật, dù có đêm hôm, mưa gió rét như thế nào cũng phải đi tìm bằng được vì cơ thể bứt dứt, người lúc nóng, lúc lạnh không thể ngủ được. Tôi hi vọng thuốc này sẽ giúp chúng tôi từ bỏ ma tuý”.

Sẽ duy trì song song với thuốc Methadone

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, nghiện các chất dạng thuốc phiện hiện vẫn đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội, cả về sức khỏe, an ninh, trật tự và phát triển kinh tế xã hội.

10 nghìn một ngày cai cơn nghiện vật vã của bệnh nhân nghiện ma tuý, heroin - 2

Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine chính thức được khởi động tại Điện Biên, dự kiến sẽ có khoảng 1000 bệnh nhân nghiện ma tuý trên toàn quốc được tiếp cận thuốc điều trị mới trong năm 2019. Ảnh: H.Hải

Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện trên toàn quốc có khoảng hơn 225.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý.

Nghiện ma túy được coi là bệnh mạn tính của não bộ, hiện chưa có phương thuốc đặc hiệu để chữa khỏi. Các giải pháp cai nghiện hiệu quả không cao, tỷ lệ tái nghiện lên đến trên 90%. Vì vậy, trên thế giới, điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc thay thế hiện được coi là một trong những giải pháp ưu việt nhất hiện nay, chủ yếu là điều trị bằng Methadone và Buprenorphine.

Đến nay cả nước đã có hơn 54.000 người đang được điều trị bằng Methadone. Mặc dù Methadone là biện pháp an toàn và hiệu quả cao.

Tuy nhiên, với Methadone, ngày nào bệnh nhân cũng phải đến cơ sở y tế uống thuốc. Có những người ngày nào cũng vượt 50 - 60km đường rừng để đi uống, đi lại khó khăn, tốn kém khiến tỉ lệ bỏ điều trị tăng lên.

Như tại Điện Biên, BS Lường Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết trong hơn 6000 bệnh nhân điều trị thay thế bằng Methadone thì có tới quá một nửa bỏ điều trị.

Trong khi đó, Buprenorphine cũng có lợi ích tương tự như Methadone là giúp người nghiện các chất dạng thuốc phiện giảm lệ thuộc vào heroin hoặc thuốc phiện, giảm hội chứng cai, đặc biệt thời gian bán huỷ thuốc kéo dài 3 ngày, người bệnh chỉ cần 2 – 3 ngày mới đến cơ sở y tế nên giảm tần suất đi lại cho người bệnh.

“Do thuốc tác dụng kéo dài nên khi điều trị bằng Buprenorphine người bệnh chỉ cần 2-3 ngày mới phải đến cơ sở y tế một lần. Từ đó cũng giảm đáng kể thời gian đi lại cho người bệnh nhất là những bệnh nhân ở xa”, PGS Long cho biết.

Bên cạnh đó, do không có tương tác thuốc, nên điều trị thay thế bằng Buprenorphine ở người nghiện ma túy nhiễm HIV đang điều trị ARV cũng không cần phải tăng liều thuốc ARV. Trong khi với Methadone bệnh nhân điều trị HIV sẽ phải tăng liều ARV. Thuốc cũng ít gây tác dụng phụ.

Trên thế giới, hiện đã có 40 quốc gia trên thế giới áp dụng Buprenorphine cai nghiện. Tại Việt Nam, điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc Buprenorphine đã được thí điểm ban đầu từ năm 2015.

Với nhiều ưu điểm do thuốc có tác dụng kéo dài tới 72 giờ, do vậy bệnh nhân 2-3 ngày/lần mới phải tới cơ sở y tế, đặt thuốc dưới lưỡi ngậm từ 5 – 7 phút; Không có hoặc không phải tăng liều ARV và liều Buprenorphine khi cùng điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV; Có tác dụng “trần”, không gây hại khi quá liều; Ít tác dụng phụ hơn, Bộ Y tế có chủ trương đưa thuốc Buprenophine vào điều trị.

Thuốc Buprenorphine sẽ được triển khai tại 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La và Nghệ An trong đợt này, sau đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế có kế hoạch mở rộng ra các tỉnh, thành phố trước mắt ưu tiên các tỉnh miền núi và sau đó mở rộng ra trên toàn quốc.

“Giá thành thuốc có cao hơn Methadone, tuy nhiên nếu tính chung hiệu quả, giảm tốn kém cho người bệnh khi đi lại, không phải tăng liều ARV với bệnh nhân nhiễm HIV thì giá thành thuốc tương đương Methadone với giá thành khoảng 1 đô la/ngày. Hiện nay các thuốc này đều đang được Quỹ toàn cầu tài trợ và Việt Nam sẽ triển khai song song giữa thuốc Methadone và thuốc Buprenorphine để thêm lựa chọn cho người bệnh cai nghiện. Dự kiến trong năm nay sẽ có 1000 bệnh nhân điều trị bằng thuốc mới Buprenorphine”, ông Long cho biết.

Hồng Hải