1 tỷ người đang sống trong "khu ổ chuột": Nạn nhân hàng đầu của Covid-19

(Dân trí) - Các giải pháp chống dịch áp dụng cho toàn dân thường trở nên phi thực tế và bất cập với các khu ổ chuột, lấy ví dụ điển hình là giãn cách xã hội.

Mặc dù Covid-19 đã lây lan ra khắp thế giới và trở thành đại dịch phần lớn vì những người có đủ điều kiện kinh tế để đi máy bay hay du thuyền. Tuy nhiên, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất lại là tầng lớp dưới đáy xã hội đang sống trong các khu ổ chuột.

1 tỷ người đang sống trong khu ổ chuột: Nạn nhân hàng đầu của Covid-19 - 1

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc khoảng 1 tỷ người trên thế giới đang sống ở các khu ổ chuột, theo định nghĩa của tổ chức này đó là những người: Sống trong những ngôi nhà có chất lượng thấp, khu dân cư có mật độ quá cao và không đảm bảo an ninh, không đủ điều kiện để sử dụng nguồn nước an toàn và điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Lịch sử đã cho thấy những dịch bệnh truyền nhiễm có xu hướng lây lan mạnh ở các khu ổ chuột. Một ví dụ điển hình là dịch Ebola bùng phát ở khu vực Tây Phi vào giai đoạn 2014-2016. Các chuyên gia khẳng định rằng, hầu hết nạn nhân của dịch bệnh chính là những cộng đồng dân cư đông đúc sống trong khu ổ chuột tại Liberia, Sierra Leone, Guinea.

1 tỷ người đang sống trong khu ổ chuột: Nạn nhân hàng đầu của Covid-19 - 2

Xu hướng trên cũng đang có biểu hiện với Covid-19, khi mà nhiều ca bệnh đã được ghi nhận tại Dharavi (Ấn Độ), Orangi (Pakistan), Payatas (Philippines), vốn là những khu ổ chuột nổi tiếng trên thế giới. Thậm chí, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người sống ở khu ổ chuột là đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi dịch bệnh lây lan qua đường hô hấp như cúm hay Covid-19. Trong một báo cáo năm 2018 của bang Delhi, Ấn Độ, nhóm tác giả đã ước tính: Trong trường hợp được chủng ngừa vắc-xin trên diện rộng và kết hợp các biện pháp giãn cách xã hội (ở trong nhà, đóng cửa trường học, cách ly những người bị ốm), khu ổ chuột vẫn có tỉ lệ người nhiễm bệnh cúm cao hơn đến 44% so với các trường hợp còn lại.

Dễ nhận thấy rằng, mật độ dân cư quá cao là nguyên nhân hàng đầu làm tăng khả năng lây lan của dịch bệnh tại các khu ổ chuột. Ví dụ,  khu ổ chuột tại Bang Delhi có mật độ dân cư cao gấp 10-100 lần các khu vực khác, và thậm chí là cao gấp 30 lần mật độ dân cư ở thành phố New York. Bên cạnh mật độ dân cư, việc trẻ em không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng và tỉ lệ mắc bệnh mạn tính cao ở người lớn trong các khu ổ chuột cũng góp phần vào vấn đề này.

Điều kiện vệ sinh trong các khu ổ chuột cũng là một vấn đề đáng quan ngại: Nhóm dân cư này thường thiếu các nhà vệ sinh công cộng hợp vệ sinh hay thiếu nguồn cung cấp nước sạch. Ngoài ra, hiện tượng ô nhiễm không khí trong nhà, xuất phát từ điều kiện thông gió kém của các ngôi nhà lụp xụp cũng sẽ làm tăng tỉ lệ của các ca bệnh nặng trong cộng đồng này.

1 tỷ người đang sống trong khu ổ chuột: Nạn nhân hàng đầu của Covid-19 - 3

Các giải pháp chống dịch áp dụng cho toàn dân cũng thường trở nên phi thực tế và bất cập với các khu ổ chuột. Lấy ví dụ điển hình là giải pháp giãn cách xã hội, khi mật độ dân cư quá đông, mặt bằng dân trí thấp, nhu cầu mưu sinh là gánh nặng hàng đầu thì việc yêu cầu cộng đồng này ở nguyên trong nhà hay giữ khoảng cách 2 mét với người khác là điều rất khó thực hiện. Để đảm bảo lệnh giãn cách xã hội được thực thi hiệu quả hơn ở các khu ổ chuột, giải pháp chung của nhiều nước hiện nay là dành ra các khoản hỗ trợ tài chính.

Một vấn đề đáng quan ngại là ở một số nước, cộng đồng nghèo khổ này lại thường bị “bỏ quên” trong các công tác chống dịch, thậm chí là trong cả những số liệu thống kê về dịch bệnh. Các nhà nghiên cứu ở bang Delhi chỉ ra rằng, nếu những người sống trong khu ổ chuột không được xét đến, kết quả về mức độ lây lan dịch bệnh tổng quát có thể bị tính sót từ 10-50%. Ngược lại hiệu quả của việc chủng ngừa vắc-xin lại được phóng đại thêm 30-55%.

1 tỷ người đang sống trong khu ổ chuột: Nạn nhân hàng đầu của Covid-19 - 4

Bên cạnh các khu ổ chuột theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc, còn có các cộng đồng dân cư với điều kiện sống tương tự cũng đang bị đe dọa bởi Covid-19, đó chính là các trại tị nạn. Ngày càng có nhiều cảnh báo đến từ các chuyên gia y tế về nguy cơ trại tị nạn ở Bangladesh, Lebanon, Kenya và Hy Lạp trở thành ổ dịch. Tên thực tế, đã có ít nhất 20 người sống tại 1 trại tị nạn gần thủ đô Athens, Hy Lạp đã được chẩn đoán dương tính với virus SARS-CoV-2 vào tuần trước.

Minh Nhật

Theo NYT, SCMP