Xác lập 20 kỷ lục Việt Nam của thủ đô Hà Nội (2)

(Dân trí) - Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam vừa công bố 20 kỷ lục Việt Nam của thủ đô Hà Nội. Những kỷ lục này sẽ được trao tặng giấy xác lập và cúp lưu niệm kỷ lục vào dịp tổng kết Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

11. Bia Tiến sỹ đầu tiên
 
Xác lập 20 kỷ lục Việt Nam của thủ đô Hà Nội (2) - 1
 
Văn Miếu Hà Nội lưu giữ 82 tấm bia tiến sĩ dựng từ năm 1484 đến 1780, ghi họ tên và quê quán của 1.307 vị tiến sĩ của 82 khoa thi được tổ chức từ 1442 đến 1779. Tấm bia tiến sĩ đầu tiên được khắc cho khoa thi 1442, bia cuối cùng khắc cho khoa thi 1779.
 
Bia tiến sĩ đều được tạo bằng một loại đá xanh, khai thác từ núi An Thạch, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, kích thước không đều nhau, chạm khắc hoa văn tinh xảo, nằm đối xứng hai bên giếng Thiên Quang. Bia được đặt trên lưng rùa, biểu hiện cho sự tôn trọng hiền tài và trường tồn mãi mãi.
 
Tấm bia tiến sĩ của đầu tiên của Việt Nam là tấm bia của khoa Nhâm Tuất niên hiệu Bảo Đại 3 (1442), được vua Lê Thánh Tông (1442-1497) cho dựng vào năm 1484. Trên tấm bia 1442 có ghi tên 33 vị tiến sĩ, người đỗ Trạng nguyên là Nguyễn Trực, Bảng nhãn là Nguyễn Như Đổ và Thám hoa là Lương Như Hộc.
 
12. Toà thành cổ nhất
 
Xác lập 20 kỷ lục Việt Nam của thủ đô Hà Nội (2) - 2
 
Thành Cổ Loa do vua An Dương Vương xây cách đây hơn 23 thế kỷ, là tòa thành cổ nhất trên đất Hà Nội. Thành Cổ Loa được đắp vào năm 225 trước công Nguyên, là kinh đô khi Thục Phán - An Dương Vương dựng nước Âu Lạc xây dựng nên. Đây là ngôi thành cổ xưa nhất và cũng là một công trình kiến trúc quân sự độc đáo của Việt Nam nằm trong xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.
 
13. Trường Mỹ thuật đầu tiên
 
Đó là trường Mỹ thuật Đông DươngÉcole supérieure des beaux arts de l’Indochine mở tại Hà Nội và khai giảng ngày 17/10/1924, do ông Victor Tardieu, một họa sĩ người Pháp tâm đắc với hội họa, làm hiệu trưởng.
 
Tính đến Cách mạng Tháng Tám 1945, trường đã đào tạo được 17 khóa, trong đó có 13 khóa trọn vẹn với nhiều họa sĩ và nhà điêu khắc nổi tiếng của Việt Nam sau này như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn...
 
Xác lập 20 kỷ lục Việt Nam của thủ đô Hà Nội (2) - 3
 
Năm 1950, trường chuyển thành trường Mỹ thuật Trung cấp ở chiến khu Việt Bắc. Sau năm 1954, trường chuyển về Hà Nội và mang tên mới Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội.Năm 1981, trường nâng lên bậc đại học và mang tên trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Đến năm 2008, chuyển thành trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam.
 
14. Trường Đại học Y đầu tiên
 
Vào năm 1902, chính quyền Pháp quyết định thành lập Trường Đại học y dược đầu tiên của bán đảo Đông Dương theo mô hình phương Tây ở Việt Nam, đó là Trường đại học Y dược Hà Nội. Hiệu trưởng đầu tiên của trường là một thầy thuốc nổi tiếng: Bác sĩ Yersin. Ngày 15/11/1945, Trường Đại học Y dược Hà Nội khai giảng năm học đầu tiên của một quốc gia độc lập.
 
Xác lập 20 kỷ lục Việt Nam của thủ đô Hà Nội (2) - 4
 
Sau năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, trường một mặt củng cố để ổn định phát triển, một mặt tiếp tục chi viện nguồn lực con người cho các trường đại học y phía Nam: Đại học Y Huế, Đại học Y dược TP.HCM, Đại học Y dược Cần Thơ, Y khoa Thái Nguyên. Đến nay nhà trường đã đào tạo trên 17.000 bác sĩ chính quy, khoảng 10.000 học viên sau đại học.
 
15. Khu vườn duy nhất có nhiều giống cây trái đặc trưng 3 miền
 
Đó là khu vườn nhà Bác Hồ, nơi Người ở và làm việc từ ngày 17/5/1958 cho tới khi qua đời. Trong khu vườn rộng sau Phủ Chủ tịch, có một con đường đẹp rải sỏi, hai bên trồng xoài, dẫn tới một ngôi nhà sàn nhỏ nhắn, bình dị, giữa những vòm cây. Hàng rào râm bụt bao quanh nhà.
 
Cổng vào kết bằng cành cây đan xen nhau mang phong vị dân dã. Hai cây dừa - cây dừa lửa của đồng bào ta ở Thái Lan và cây dừa hai thân của tỉnh Vĩnh Phú biếu Bác - tỏa bóng xanh mát. Những khóm lại, tầm xuân từ mảnh vườn nhỏ trước cửa thoang thoảng đưa hương.
 
Xác lập 20 kỷ lục Việt Nam của thủ đô Hà Nội (2) - 5
 
Sau nhà là vườn quả. Cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi ra biếu Bác từ năm 1954, cành lá xum xuê đứng giữa những hàng cam Hải Phòng trĩu quả vàng tươi và hàng trăm loài cây quý thuộc hơn 30 họ thực vật do các Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và các địa phương đưa về trồng, có nhiều cây đặc sản như bưởi Phúc Trạch, Thanh Hóa, Biên Hòa, Mê Linh; cam Xuân Mai, Vân Du, Xã Đoài, Sông Con; quýt Hương Cần, Lý Nhân; táo Thiện Phiến, Ngọc Hồ; song mai Đông Mỹ; hồng Tiên Điền chiết từ cây hồng của quê hương nhà thơ Nguyễn Du…
 
Khu vườn của Bác còn có cả những loại cây nhập từ nước ngoài như 11 cây ngâu hoa trồng cạnh nhà sàn, 5 cây bông bụt mọc quanh ao, 26 cây cau vua gốc từ Ca-ri-bê, cây tre bụng Phật…
 
16. Làng làm nghề ảnh sớm nhất
 
Đó là làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức. Nguyên người làm nghề ảnh sành sỏi và tài năng nhất vào những năm 1900-1910 ở Hà Nội là ông Khánh Ký vốn người gốc làng Lai Xá. Vì thế khi cơ ngơi đã vững vàng, ông đã về quê vận động bà con làng xóm học nghề làm ảnh.
 
Được ông dìu dắt, khuyến khích, dần dần có đến hàng trăm thợ ảnh lành nghề xuất thân từ làng Lai Xá và tỏa đí khắp nơi mở hiệu ảnh làm ăn. Về sau, nghề này thành nghề truyền thống, cha truyền con nối nhiều thế hệ ở làng.
 
17. Phố có nhiều cổng làng nhất
 
Xác lập 20 kỷ lục Việt Nam của thủ đô Hà Nội (2) - 6
 
Phố Thụy Khuê dài 3,2km, bắt đầu từ giao điểm của phố Quán Thánh - đường Thanh Niên chạy dài đến ngã ba đường Bưởi - Lạc Long Quân. Đây là con phố có nhiều di tích, đình, chùa, miếu cổ đã được xếp hạng như đền Thụy Khuê, đền Đồng Cổ, chùa Mật Dụng, đền Vệ Quốc, đình Yên Thái. Và đặc biệt, phố còn là nơi lưu giữ hàng chục cổng làng, một chứng tích của “làng quê lên phố”.
 
Đó là những cổng Giếng, cổng Hầu, cổng Chùa, cổng Đông, cổng Cái, cổng Xanh… đã trở nên thân thuộc với người dân địa phương từ bao thế kỷ nay. Những cổng làng đã góp phần lưu giữ hồn quê giữa phố, lưu giữ lại không gian làng xã ấm cúng, thân thuộc của người Việt Nam, mang đến cho Thụy Khuê một vẻ đẹp sâu lắng rất riêng mà khó có con phố nào ở thủ đô có được.
 
18. Cây cầu sắt nhiều tuổi nhất
 
Cầu Long Biên xây dựng từ năm 1899 đến năm 1902, dài 1862m gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn bằng đá. Cầu được đặt tên là Paul Doumer (tên của Toàn quyền Đông Dương), nhưng người Hà Nội vẫn quen gọi là cầu Long Biên hay cầu sông Cái. Vào đầu thế kỷ XX, Long Biên là một trong 4 cây cầu lớn nhất thế giới, một công trình sắt thép đồ sộ nhất bán đảo Đông Dương.
 
Xác lập 20 kỷ lục Việt Nam của thủ đô Hà Nội (2) - 7
 
Cầu Long Biên là cây cầu đã đi qua 3 thế kỷ. Phía trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc chữ “1899-1902 - Daydé & Pillé - Paris”. 108 năm đã trôi qua nhưng những hình ảnh của quá khứ dường như vẫn lắng đọng trên từng nhịp cầu.
 
19. Di tích có quy mô khai quật lớn nhất
 
Di tích hoàng thành Thăng Long với diện tích khai quật rộng hơn 19.000m2 trên khu vực nằm giữa các phố Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Bắc Sơn ở quận Ba Đình, là di tích có quy mô khai quật lớn nhất Việt Nam.
 
Quy mô này cũng thuộc loại lớn nhất ở Đông Nam Á, tiến hành các năm 2002 - 2003. Qua đó, tại đây đã phát lộ nhiều di tích lịch sử văn hóa vô giá nằm ở độ sâu từ 1m đến hơn 4m dưới lòng đất; lần lượt được phát hiện qua các tầng văn hóa với niên đại xa đến 1.300 năm (thời Đại La), 1.000 năm (thời Lý, thời Trần, thời Lê).
 
Xác lập 20 kỷ lục Việt Nam của thủ đô Hà Nội (2) - 8
 
Đồng thời, hàng triệu di vật đào lên bao gồm các đồ cổ còn nguyên vẹn, hoặc đã bị vỡ nhiều mảnh song vẫn phục chế lại được, cùng với các mảnh vỡ vụn khác mang nhiều thông tin hữu ích; tất cả tính đến số lượng hàng triệu di vật soi sáng phần nào diện mạo của sinh hoạt và đời sống cung đình của vua quan và quý tộc thời Lý Trần và cả thời Lê.
 
Đến nay, di tích và di vật nêu trên của hoàng thành Thăng Long vẫn tiếp tục được các nhà khoa học, khảo cổ học, văn hóa học, kiến trúc, địa lý, địa chất ở Việt Nam nghiên cứu và thảo luận. Ngày 1/8/2010, UNESCO đã xếp di tích hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thứ 900 của nhân loại.
 
20. Viện nghiên cứu khoa học đầu tiên
 
Xác lập 20 kỷ lục Việt Nam của thủ đô Hà Nội (2) - 9
 
“Viện Viễn Đông Bác Cổ”là một trung tâm nghiên cứu khoa học, khảo cứu lịch sử, ngôn ngữ, khảo cổ học các nước Đông Dương và khu vực Viễn Đông, được thành lập năm 1901 (tiền thân là Đoàn khảo cổ học Đông Dương thành lập ngày 15/12/1898).
 
Nơi đây tập trung một số nhà Đông phương học của Pháp như linh mục - học giả Léopold Cadière, C.Maybon, Henry Maspéro, Pelliot cùng những học giả Việt Nam như Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên. “Viện Viễn Đông Bác Cổ”đặt dưới sự quản lý của Toàn quyền Đông Dương và sự chỉ đạo của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp.
 
Đóng góp quan trọng của viện là đã sưu tầm, lưu giữ được số lượng lớn các văn bản Hán - Nôm của Việt Nam và giới thiệu lịch sử, văn hóa Việt Nam ra thế giới. Để lưu trữ và quảng bá các công trình nghiên cứu và hiện vật sưu tầm được, “Viện Viễn Đông Bác Cổ”thành lập một bảo tàng riêng do ông Louis Finos làm Giám đốc. Sau nhiều lần di chuyển, bảo tàng này được chuyển ra khu Đồn Thủy gần tòa Lãnh sự Pháp và sau này là “Viện Bảo tàng Lịch sử”.
 
Tiến Nguyên