TPHCM kiến nghị xử lý mại dâm đồng tính
(Dân trí) - Do thiếu quy định xử lý nên hoạt động mại dâm đồng tính tại TPHCM có nhiều nguy cơ phát triển phức tạp. Vì vậy, UBND TP vừa đề nghị Chính phủ, các Bộ - ngành Trung ương điều chỉnh, bổ sung quy định xử lý mại dâm đồng tính.
Theo báo cáo của Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc về Bình đẳng giới năm 2011, có đến 27,1% người hoạt động mại dâm quan hệ với người cùng giới, 18,8% quan hệ với cả hai giới. Tỷ lệ quan hệ đồng giới đặc biệt cao đối với mại dâm nam, cụ thể là 51,3% nam giới hoạt động mại dâm chỉ quan hệ với nam giới, 37% quan hệ với cả hai giới, chỉ có 11,6% quan hệ với người khác giới.
Ngoài ra, do mặc cảm bị xã hội kỳ thị nên nam mại dâm đồng tính thường rất ngại đi khám và điều trị bệnh lây lan qua đường tình dục. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm HIV trong nhóm nam mại dâm đồng tính tăng nhanh.
Theo khảo sát của ngành y tế trong năm 2005 - 2006, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tại TPHCM là 5,3%. Nhưng đến cuộc khảo sát vào năm 2011 thì tỷ lệ này đã tăng lên 14%. Đây là nguy cơ lây lan HIV rất lớn nếu mại dâm nam đồng tính không được ngăn chặn.
Tuy nhiên, hoạt động phòng chống mại dâm nam đồng tính hiện gặp phải khó khăn lớn là không thể xử phạt hành vi mại dâm. Bởi theo Pháp lệnh mại dâm năm 2003 thì: “Mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm. Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác; mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu”.
Trong đó, giao cấu được hiểu là quan hệ tình dục giữa nam và nữ, còn quan hệ giữa nam với nam không thể gọi là giao cấu nên không bị điều chỉnh bởi Pháp lệnh mại dâm 2003.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng TPHCM phát hiện nhiều cơ sở hoạt động massage kích dục nam, bắt quả tang nam nhân viên khỏa thân đang có hành vi kích dục cho khách nam nhưng chỉ có thể xử phạt hành chính cơ sở, không thể xử lý các đối tượng bán dâm.
Do vậy, UBND TP đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định xử lý mại dâm đồng tính để ngăn chặn sự phát triển của hoạt động này. Trước đó, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TPHCM cũng đã có đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm theo hướng thay thế cụm từ “giao cấu” bằng cụm từ “thỏa mãn khoái lạc tình dục” để xử lý mại dâm đồng tính.
Ngoài ra, để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống mại dâm trong thời gian tới, UBND TPHCM kiến nghị hệ thống hóa các văn bản pháp luật đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ, tránh chồng chéo, giúp cho công tác phòng chống mại dâm đạt hiệu quả; nghiên cứu bổ sung quy định xử lý các hành vi chứa chấp, sử dụng hành vi khiêu dâm, kích dục làm phương thức kinh doanh tại các cơ sở kinh doanh - dịch vụ, quy định tịch thu các phương tiện sử dụng cho hoạt động mại dâm…
UBND TP cũng đề nghị chính phủ nghiên cứu và sớm có văn bản hướng dẫn xử lý đối tượng bán dâm khi quy định không đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh theo Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực; tăng cường các chế định và biện pháp xử lý các vi phạm trên các trang web, blog cá nhân và các hình thức chào hàng môi giới mại dâm trên Internet…
Tùng Nguyên