Tâm sự một người mẹ “đánh cắp” ước mơ của con trai

(Dân trí) - “Mẹ ạ, con ước mơ được thi vào ngành công an nhưng giờ ước mơ của con mãi mãi không thể thực hiện được nữa. Nhưng mẹ đừng buồn cho con mẹ nhé”, đọc những dòng thư của con, Vân bật khóc nức nở. Chính cô đã tước đi ước mơ của con mình.

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp lên Trại giam số 6 - Bộ Công an đóng tại xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Trong số gần 3.000 phạm nhân đang thụ án tại đây, tôi đặc biệt chú ý đến một người mang băng “buồng trưởng”. Người đàn bà khoảng chừng 40 tuổi, khuôn mặt khá đẹp, trắng hồng, dáng người thon thả nhưng đôi mắt lại rất buồn.

“Phạm nhân này đã từng là Phó hiệu trưởng của một trường mầm non. Nhờ cải tạo tốt và có ý thức chấp hành kỷ luật nên được Ban giám thị trại phân công làm Buồng trưởng, quản lý 84 nữ phạm nhân khác”, Trung tá Hồ Thần Kỳ - Đội Phó đội quản lý giáo dục Trại giam số 6 - cho biết. Tò mò, chúng tôi quyết định khám phá nỗi buồn đang ẩn giấu đằng sau đôi mắt kia.

Tâm sự một người mẹ “đánh cắp” ước mơ của con trai - 1

Phạm nhân Nguyễn Thị Vân

Kể chuyện đời bằng nước mắt

Phải nhờ các giám thị thuyết phục, phạm nhân Nguyễn Thị Vân mới chịu trò chuyện với chúng tôi. Hỏi về cái án đang mang trên người, Vân luôn lảng tránh và bảo chỉ vì nông nổi và khát vọng làm giàu mù quáng nên mới phạm tội như thế. Nhưng lần giở cáo trạng của Viện KSND tỉnh Nghệ An 2 năm trước, chúng tôi không khỏi bất ngờ. Là Phó hiệu trưởng của một trường mầm non ở xã vùng ven thành phố Vinh, Vân tự “phong” cho mình cái mác “cháu bộ trưởng” và hứa xin việc cho nhiều người.

Cầm 30 bộ hồ sơ xin việc và gần 1 tỷ đồng “phí bôi trơn”, Vân mang hết tiền đi mua sắm còn hồ sơ của các nạn nhân thì được “gửi” vào hiệu cầm đồ. Cầm tiền mà không chạy được việc, bị đòi nợ ráo riết, Vân tiếp tục lừa các nạn nhân sau để có tiền hoàn trả cho các nạn nhân trước, thậm chí phải vay nặng lãi để thanh toán. Thế nhưng càng vay càng nợ, tổng số tiền mà Vân lừa đảo lên tới 3 tỷ đồng. Không có tiền hoàn trả cho các bị hại, đầu năm 2009, Vân bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 15 năm tù giam và được chuyển đến thi hành án tại Trại giam số 6 này.

Không muốn nói đến cái “cơ duyên” đưa mình vào đây nhưng Vân lại khá trải lòng khi kể về cuộc đời của mình, câu chuyện đời được kể bằng những giọt nước mắt hối tiếc. “Em sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo, cả bố và mẹ đều làm giáo viên ở Nam Đàn. Được bố mẹ cho đi học sư phạm, năm 1989, em được bố trí về trường Mầm non Nghi Liên công tác và không lâu sau đó được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng nhà trường. Năm 1993, em lấy chồng và có 2 đứa con trai, cháu đầu sinh năm 1995, cháu nhỏ sinh năm 2000. 

Tâm sự một người mẹ “đánh cắp” ước mơ của con trai - 2
... và những giọt nước mắt hối hận muộn màng

Chồng em là một công chức bình thường, lương 2 vợ chồng nuôi 2 đứa con ăn học cũng không phải là việc gì quá vất vả bởi tại thời điểm bị bắt giam, lương của em cũng đã hơn 3 triệu rồi. Có lẽ nhiều người sẽ phải ghen tỵ với gia đình em nhưng với em chừng ấy không đủ. Thấy chồng người ta có cái xe đẹp để đi, con cái người ta có quần áo đẹp để mặc, lòng em luôn ghen tỵ nên có người mách nước tìm người chạy việc là em lao theo. Đến khi vỡ ra thì không cứu được nữa, cả đời em, cả hạnh phúc của gia đình em đều không thể cứu được”.

Với số tiền nợ lên tới hơn 3 tỷ đồng, gia đình 2 bên nội ngoại đã phải bán nhà cửa, đất đai, tài sản để giúp Vân trả nợ nhưng cũng chỉ trả được 1 tỷ. Biết không trốn tránh được pháp luật, mẹ Vân khuyên con đi đầu thú. “Cứ nghĩ đến cảnh phải ngồi tù đằng đẵng mấy chục năm, rồi danh dự của gia đình, rồi hai đứa con đang lớn, chúng sẽ nhìn bạn bè như thế nào khi có mẹ đi tù, đã có những lần em muốn kết liễu đời mình. Ích kỷ quá phải không chị? Nhưng rồi mẹ em động viên, chồng em cũng động viên vợ đi đầu thú để sau này còn có cơ hội được trở về sửa chữa lỗi lầm và bù đắp cho các con”, Vân tâm sự. Cứ nhắc đến gia đình, đến 2 đứa con là Vân lại khóc nhưng rồi nhanh chóng dùng ống tay áo gạt đi và gượng gạo cười.

"Đánh cắp" ước mơ của con

Điều khiến Vân hối hận nhất khi vào đây chính là 2 đứa con trai. “Thằng lớn năm nay cũng đã 16 tuổi rồi, cái tuổi ẩm ương đó không có mẹ ở bên cạnh chỉ bảo thì cũng lo lắm. Nhưng được cái cháu học giỏi và sống rất tình cảm. Hầu như tháng nào cũng lên thăm và động viên mẹ”. 

Gia tài của Vân ở trong trại giam này là bức thư và những món quà lưu niệm hai cậu con trai gửi. “Cháu viết thư vào đây cho em. Đọc thư con mà buồn và đau lắm chị ạ. Ước mơ của cháu là được thi vào ngành công an, được trở thành một người chiến sỹ bảo vệ bình yên và hạnh phúc cho người dân nhưng vì em đang ở trong này nên ước mơ của cháu sẽ không bao giờ thực hiện được. Đọc thư con em khóc và ân hận nhiều lắm, chỉ vì lòng tham mà em đã đánh cắp cả ước mơ của con trai mình. Là con trai nhưng các cháu sống tình cảm lắm. Hôm trước còn gửi vào cho em một con thiên nga được ghép từ nhiều mảnh giấy xếp. Cháu bảo xếp cả hạc giấy để đếm ngày em trở về. Nhưng bao giờ em mới được trở về hả chị. Em không có tiền để trả nợ cho người ta nên sẽ không được xét giảm án. Nhưng em vẫn quyết tâm cải tạo thật tốt, để sau này trở về con em không phải xấu hổ hay mặc cảm vì có người mẹ đi tù”, Vân lại khóc.

Tâm sự một người mẹ “đánh cắp” ước mơ của con trai - 3

2 cậu con trai là động lực để Vân cố gắng cải tạo thật tốt, cũng chính là day dứt lớn nhất đời cô

Những ngày tháng trong trại giam, vật bất ly thân của Vân là cuốn nhật ký, cô viết nhật ký cho con mỗi ngày và hứa một ngày gầy đây sẽ cho chúng tôi xem. Thương con bao nhiêu, Vân cũng thương chồng bấy nhiêu. Những ngày Vân nhập trại, gần như tháng nào anh cũng lên thăm và động viên cô cải tạo tốt nhưng rồi chuyện gì đến cũng đến. Cuối năm 2010, Vân nhận được đơn ly hôn của chồng, có lẽ sợ vợ khổ tâm nên anh không trực tiếp mang đơn lên mà nhờ các giám thị đưa hộ.

Nhận lá đơn ly hôn của chồng, Vân tưởng như trời đất sụp đổ nhưng nghĩ lại cô thấy thương chồng hơn. Đặt bút ký vào đơn, tháng 1/2011, Vân nhận được quyết định chấp thuận của tòa án. Dẫu biết trước cái giá của mình phải trả cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng Vân vẫn thấy hụt hẫng lắm. “Anh ấy còn thương em nhiều lắm chị ạ. Ly hôn rồi nhưng thỉnh thoảng anh ấy cũng lên thăm. Em nghe bảo anh ấy chung sống như vợ chồng với một phụ nữ khác nhưng không đồng ý kết hôn. Em cũng không trách anh ấy, đàn ông mà, họ cũng cần có bàn tay người phụ nữ chăm sóc trong khi em chẳng thể làm được gì cho anh ấy”, Vân tâm sự.

“Sắp đến Tết rồi, chị có nghĩ gì không?”, tôi hỏi, đôi mắt Vân lại rơm rớm nước: “Có nghĩ thì em cũng không thể làm khác được. Hai cháu giờ chuyển sang sống cùng ông bà nội, Tết nhất có ông bà, cô chú chăm chút rồi. Chỉ thương con không có mẹ bên cạnh. Ngày Tết, gia đình ai cũng sum họp nhưng các cháu thì…”. Nói đến đây Vân lại khóc. Cô bảo ít khi cô trải lòng với ai nhưng có lẽ hôm nay là ngoại lệ. Một năm cũ sắp qua đi, một năm mới đang đến gần. Phải chăng vì thế mà con người ta dễ trải lòng với người khác hơn?

Được cán bộ tin tưởng giao phó trọng trách "buồng trưởng" quản lý 84 nữ phạm nhân khác, đó là niềm tự hào lớn nhất của Vân kể từ khi "nhập kho" bởi lẽ nếu như những phạm khác phải mất 3-4 năm phấn đấu thì với cô, chỉ mất 1 năm. “Cán bộ tin tưởng, em lại có gia đình động viên, có các con em tiếp thêm nghị lực, dẫu không có cơ hội để được giảm án nhưng em tự hứa phải làm tốt nhiệm vụ của mình. Em phải sống thật tốt, vì con và vì cả em nữa. Đời công bằng lắm chị ạ. Mình lấy cái này của người khác, thì mình cũng sẽ mất cái gì đó. Cái giá phải trả của em quá lớn. Công danh, sự nghiệp, danh dự gia đình, tổ ấm của mình và cả ước mơ của con...”. Phải cố gắng cho tiếng nấc đừng bật ra, Vân mới nói hết câu nhưng nước mắt thì chẳng thể ngăn lại được.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm