Sự cố Vinashin, Vinalines - bài học lớn trong kiến tạo phát triển!

Nếu như mô hình "Nhà nước kiến tạo phát triển" được xem là động lực lớn nhất đằng sau sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan trong thời kỳ hậu thế chiến thứ II thì...

...thất bại trong việc xây dựng và áp dụng đầy đủ mô hình này sẽ gây nên những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế quốc dân.

Mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển

Phần nhiều ý kiến học giả trên thế giới đều ủng hộ quan điểm cho rằng nhà nước kiến tạo phát triển là mô hình phát triển kinh tế phù hợp nhất với các nước công nghiệp hóa muộn. Mặc cho sức ép mạnh mẽ của làn sóng tự do đầu tư, thương mại và toàn cầu hóa do các quốc gia phát triển áp đặt, mô hình phát triển kinh tế này vẫn có sức sống mãnh liệt và được nhiều quốc gia đi sau theo đuổi.

Đây là một mô hình phát triển kinh tế phức tạp, với nhiều đặc trưng cơ bản. Về chi tiết, nó đòi hỏi sự quyết tâm và kiên định của lãnh đạo nhà nước; sự tồn tại một bộ máy nhân sự nhà nước chuyên nghiệp dựa trên chế độ tuyển dụng nhân tài; sự tập trung quyền lực của nhà nước, đặc biệt là về tài chính; sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước và doanh nghiệp lớn để thực hiện những chương trình phát triển chung trong chính sách công nghiệp; sự chọn lọc trong đầu tư và phát triển; năng lực của nhà nước trong điều tiết các thế lực và lợi ích tư nhân...

Tuy nhiên, sự khác biệt cơ bản giữa thành công và thất bại thường nằm ở chất lượng của các nhân tố. Trong quản lý nhà nước về kinh tế, ranh giới giữa "kiến tạo phát triển" và "kìm hãm phát triển" vốn đã rất mong manh.

Đặc trưng lớn nhất của mô hình phát triển kinh tế này là vai trò trung tâm của nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế. Để làm được điều đó, nhà nước kiến tạo phát triển cần có những công cụ và chính sách phát triển đặc thù. Trong đó có hai công cụ quan trọng nhất. Thứ nhất là công cụ tài chính: nhà nước phải sở hữu và chi phối hệ thống ngân hàng - thông qua các ngân hàng thương mại nhà nước, đồng thời chủ động quản lý ngân sách trung ương một cách tập trung (bao gồm cả ODA). Thứ hai là công cụ doanh nghiệp: nhà nước phải chi phối hoạt động của một số doanh nghiệp quy mô lớn trong các ngành kinh tế quốc dân quan trọng. Về chính sách phát triển thì quan trọng nhất là chính sách công nghiệp (industrial policy) với định hướng tập trung mọi nguồn lực để ưu tiên phát triển bằng được các ngành công nghiệp then chốt có tầm quan trọng chiến lược và lâu dài đối với đất nước.

Sự cố Vinashin, Vinalines - bài học lớn trong kiến tạo phát triển! - 1

Rõ ràng, về cơ bản Việt Nam đều có những đặc trưng của mô hình phát triển kinh tế này. Giống như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan trong giai đoạn phát triển thần kỳ, các nhà nước này cũng chi phối về chiến lược đầu tư phát triển, chủ động điều tiết tài chính thông qua hệ thống ngân hàng thương mại và ngân sách nhà nước, đồng thời, sử dụng các tập đoàn kinh tế lớn để thực hiện các chương trình đầu tư quốc gia (Keiretsu ở Nhật Bản, Chaebol ở Hàn Quốc). Ở Việt Nam, nhà nước vẫn duy trì chi phối các ngân hàng thương mại nhà nước và điều tiết tập trung ngân sách trung ương (cả ODA), đồng thời, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế lớn thông qua các "quả đấm thép" của nền kinh tế là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước.

Theo tổng kết của các học giả thì về bức tranh tổng thể nhà nước kiến tạo phát triển được xem như "thiên đường của những doanh nghiệp lớn." Do đó, bản chất của mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp đầu tàu có vai trò quyết định đến hiệu quả của sự phát triển. Trong mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, nhà nước và các tập đoàn kinh tế lớn luôn có mối quan hệ qua lại mật thiết với nhau.

Những khác biệt cơ bản về mối quan hệ

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất trong mối quan hệ hữu cơ này là sự ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm giữa cho và nhận, giữa đặc quyền và nghĩa vụ mà nhà nước đặt ra cho các doanh nghiệp thân cận của họ. Nghiên cứu sâu về Hàn Quốc, giáo sư Amsden đã chỉ ra rằng, điểm khác biệt cơ bản tạo nên sự thành công vang dội của Hàn Quốc, hay mang đến sự thất bại của một số quốc gia công nghiệp hóa muộn như Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ, chính là bản chất của mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp.

Nhà nước Hàn Quốc cực kỳ nghiêm khắc với các doanh nghiệp được nhận đặc quyền. Đặc biệt, những yêu cầu và nghĩa vụ đi kèm với đặc quyền thường rất cao. Đồng thời, nhà nước Hàn Quốc sẵn sàng xử phạt rất nghiêm khắc và kịp thời khi doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ của mình. Ngược lại, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ dường như cho không các doanh nghiệp lớn của họ những đặc quyền về tài chính hay thị trường nên đã không thúc ép được sự phát triển của các doanh nghiệp này.

Cũng theo giáo sư Amsden thì đây được xem như chìa khóa thành công của Hàn Quốc. Sự hà khắc của nhà nước đối với các doanh nghiệp nhận đặc quyền được xem như "bảo bối" quyết định sự thành công của một nước công nghiệp hóa muộn áp dụng mô hình phát triển kinh tế dựa trên sự kiến tạo của nhà nước.

Suy ngẫm về mô hình phát triển của nước ta

Nhìn lại Việt Nam, rõ ràng các doanh nghiệp lớn của chúng ta đang chiếm lĩnh các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và đang nhận được những đặc quyền cũng như đang phải thực hiện các nghĩa vụ trong khu vực kinh tế đó. Nhiều doanh nghiệp cũng đã có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Nhưng chỉ với hai sự cố Vinashin và Vinalines thôi cũng đủ cho chúng ta phải suy nghĩ và lo lắng rất nhiều về việc thực hiện nghĩa vụ của những quả đấm thép này rồi.

Về mặt trách nhiệm, không hoàn thành được nghĩa vụ tương xứng với đặc quyền được nhận đã bị xem là có tội lớn đối với đất nước, đối với nhân dân bởi sự lãng phí nguồn lực, thời gian và cơ hội. Huống hồ, ở đây lại là sự biển thủ, cố tình làm sai để trục lợi cá nhân và gây hậu quả nghiêm trọng thì rõ ràng là khó có thể được chấp nhận và tha thứ!

Dưới góc độ phát triển, những sự cố này đã gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề quản lý nhà nước về kinh tế. Bao nhiêu công sức, bao nhiêu nguồn lực tập trung vào những chương trình phát triển lớn như thế này để rồi chỉ nhận được kết cục xấu như vậy thì thực sự rất đáng lo ngại. Và rồi các chương trình phát triển khác sẽ ra sao?

Đúng là nhà nước đã quá nuông chiều các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Nhưng điều đó không có nghĩa là chủ trương tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế là sai - vì khi nền kinh tế còn yếu thì việc tập trung nguồn lực để phát triển các chương trình kinh tế lớn là hết sức cần thiết. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta còn thiếu chế tài quy định một cách rạch ròi nghĩa vụ của doanh nghiệp nhận đặc quyền và đặc biệt là thiếu những người có tâm và có tầm để chèo lái những doanh nghiệp trụ cột của đất nước.

Về tổng thể mô hình phát triển kinh tế, kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy, với một nước công nghiệp hóa muộn như Việt Nam, việc xây dựng những nhân tố giống với mô hình nhà nước kiến tạo phát triển là phù hợp và sẽ rất có lợi cho việc thúc đẩy chuyển đổi nhanh nền kinh tế.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn thiếu một số điều kiện cần cho sự thành công. Nếu chỉ đề cập đến mối quan hệ kiến tạo giữa nhà nước và các doanh nghiệp đầu tàu thôi thì chúng ta cũng đã đang thiếu rồi.

Về khía cạnh này, để thực hiện thành công mô hình nhà nước kiến tạo phát triển rất cần có những chế tài cụ thể quy định rõ quyền và nghĩa vụ của những doanh nghiệp nhận đặc quyền. Cũng rất cần các nhà lãnh đạo phải cương quyết hơn, thậm chí "quân phiệt" hơn đối với những đứa con cưng của mình, đặc biệt trong việc lựa chọn người cầm lái chúng.

Có như vậy thì nguồn lực hạn hẹp của quốc gia mới có thể được sử dụng một cách có hiệu quả. Có như vậy thì mới có thể hy vọng rằng trong tương lai nền kinh tế của chúng ta sẽ có những doanh nghiệp hay thương hiệu vươn xa ra tầm quốc tế như Sony, Panasonic của Nhật Bản hay Samsung, Hyundai của Hàn Quốc.

Là người Việt Nam, có lẽ, ai cũng mong muốn điều này!
 
Theo Phạm Hưng Hùng
Tuần Việt Nam/Đề án 100 Hải Phòng