Phóng xạ trong nước mưa tại Việt Nam ở mức thấp
(Dân trí) - Nồng độ phóng xạ trong nước mưa (trận mưa ngày 7/4 tại Việt Nam) có chất phóng xạ với nồng độ thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép... Chuyên gia dự đoán mây phóng xạ tiếp tục lan rộng tại Đông Nam Á và di chuyển về phía Ấn Độ.
Chiều tối 13/4, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đã thông báo kết quả kiểm tra nồng độ phóng xạ trong nước mưa (trận mưa ngày 7/4). Theo đó, trong nước mưa đã hiện đồng vị phóng xạ (Cs-137, Cs-134 và I-131), nhưng với nồng độ thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép, không ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Ngày 13/4, trạm quan trắc tại Đà Lạt cũng tiếp tục ghi nhận dấu hiệu của phóng xạ trong không khí với nồng độ rất thấp. Trong khi đó, theo dự đoán của chuyên gia CTBTO (mạng lưới Tổ chức Cấm thử hạt nhân toàn diện), đám mây phóng xạ đang tiếp tục lan rộng tại khu vực Đông Nam Á và di chuyển về phía Ấn Độ, xuống Nam Bán Cầu. Tuy nhiên, nồng độ hạt nhân phóng xạ đo được tại các trạm quan trắc tại Đông Nam Á là rất thấp so với mức cho phép.
Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam thông báo, Chính phủ Nhật Bản cho biết, mức độ bức xạ tích lũy trong 25 ngày từ 11/3 đến 5/4 tại một số khu vực ở tỉnh Fukushima đã vượt quá ngưỡng cho phép. Ngày 11/4, Chính phủ Nhật đã quyết định mở rộng phạm vi sơ tán thêm một số khu vực cách nhà máy khoảng 30 km nhằm tránh nguy cơ dân chúng bị nhiễm phóng xạ tích lũy trong thời gian dài. Trong vòng 1 tháng, người dân sống tại các khu vực mở rộng này sẽ được sơ tán.
P. Thanh