Thanh Hóa:

Phát hiện nhiều di vật cổ trong hang gần Thành nhà Hồ

(Dân trí) - Một cửa hang nằm ở khu vực núi Rú Thần (còn có tên gọi là núi Tiến Sỹ) thôn Thọ Vực, xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc, cách Thành nhà Hồ khoảng 3,5km về phía Đông Nam có chứa nhiều di vật cổ, mới được người dân phát hiện.

Theo quan sát của phóng viên, cửa hang có một lớp đá kích thước 20 - 30 cm bịt kín phía ngoài. Cửa hang bên ngoài khá hẹp, chỉ đủ cho một người chui vào, tuy nhiên khi vào sâu bên trong thì xuất hiện một vòm hang khá lớn, có diện tích khoảng 20m2, được phân thành hai tầng riêng biệt. Ngoài ra, còn có rất nhiều các lối hang nhỏ khác phía trong.

Điều đặc biệt xuất hiện khi quan sát phía trong hang có rất nhiều di vật cổ như bình, vò, bát, đĩa, nồi…được làm bằng gốm sứ và đất nung. Ngoài ra còn có một vò lớn trong đó có đựng tiền xu và một lưỡi gươm đã bị rỉ sét.

Nằm cách nơi có các di vật không xa, còn có một số khúc xương còn khá nguyên vẹn. Dưới nền hang là những phiến đá được mài nhẵn và xếp ngay ngắn để làm chỗ ngồi, cạnh đấy là một cái bếp được kê bằng đá vẫn còn vết tích. Qua quan sát bề ngoài một số di vật trong hang, vò, bình và bát có nhiều nét vẽ hoa văn rất đẹp, tinh xảo.

Theo một số người dân sống ven khu vực chân núi Rú Thần cho biết, có thể do chiến tranh loạn lạc nên người xưa đã vào ẩn nấp và sống trong hang. Một số ý kiến khác lại cho rằng, rất có thể hang động có thể được sử dụng với mục đích ban đầu là để làm nơi nấu ăn, trú tạm của những người thợ khai thác đá để xây Thành nhà Hồ, sau khi công việc hoàn thành thì họ phá bỏ tất cả vật dụng và lấp cửa hang lại.

Tiến sĩ Vũ Thế Long - người đã có nhiều năm công tác trong ngành khảo cổ học, sau khi đã quan sát kỹ các nét hoa văn trên bề mặt một số bình, vò gốm sứ vừa được tìm thấy ở trong hang, phỏng đoán: “Những dấu triện đóng trên di vật mới được phát hiện cho thấy, những di vật này có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng có niên đại vào khoảng thế kỷ XV và trùng với mốc thời gian tồn tại của triều đại nhà Hồ".

Nhiều tảng đá tai mèo nằm úp ngược xuống dưới, nhiều phiến đá lớn, có diện tích lớn hơn hoặc tương đương với các phiến đá được dùng để xây Thành nhà Hồ đã được kích, kê bằng các miếng đá nhỏ, có dấu hiệu sự tác động của con người.

Trước đó, vào tháng 8/2011, các nhà khoa học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã phát hiện dấu tích của một công trường khai thác đá cổ tại dãy núi An Tôn, thuộc thôn Phù Lưu, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Theo nhận định của các nhà khoa học, đây là khu vực mà nhà Hồ đã sử dụng khai thác và chế tác đá để xây dựng nên tòa thành kỳ vĩ này và được xem là công trình kiến trúc xây dựng độc nhất vô nhị ở Việt Nam từ trước đến nay.

Căn cứ vào các dấu vết bóc tách và chế tác thủ công hiện còn rất rõ trên các mặt của các phiến đá ở đây, đồng thời qua việc phân tích đối sánh với các phiến đá tại tường Thành Nhà Hồ, qua hố khai quật sát cửa Nam Thành Nhà Hồ năm 2008 có thể nhận định: Các phiến đá được phát hiện tại dãy núi An Tôn, mới đây chính là các phiến đá được Nhà Hồ cho khai thác để phục vụ vào mục đích xây dựng kinh đô ngày xưa. Đây là địa điểm có những dấu vết lịch sử rõ ràng hơn. 

Những phát hiện mới xung quanh khu vực Thành nhà Hồ là những căn cứ lịch sử để giúp các nhà khoa học và các ngành chức năng có thêm những tư liệu nghiên cứu về công trình đã được công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vốn có của nó.

Một số hình ảnh về hang động và các di vật được phát hiện phía trong hang: 

Phát hiện nhiều di vật cổ trong hang gần Thành nhà Hồ - 1
Phía ngoài cửa hang

Phát hiện nhiều di vật cổ trong hang gần Thành nhà Hồ - 2
 
Phát hiện nhiều di vật cổ trong hang gần Thành nhà Hồ - 3
 
Phát hiện nhiều di vật cổ trong hang gần Thành nhà Hồ - 4
Những vòm nhỏ phía trong hang đá

Phát hiện nhiều di vật cổ trong hang gần Thành nhà Hồ - 5
 
Phát hiện nhiều di vật cổ trong hang gần Thành nhà Hồ - 6
Phía trong hang là một khoảng không khá rộng
 
Phát hiện nhiều di vật cổ trong hang gần Thành nhà Hồ - 7
Những phiến đá được xếp dưới nền hang dạng dùng ghế ngồi
 
Phát hiện nhiều di vật cổ trong hang gần Thành nhà Hồ - 8
 
Phát hiện nhiều di vật cổ trong hang gần Thành nhà Hồ - 9
 
Phát hiện nhiều di vật cổ trong hang gần Thành nhà Hồ - 10
 
Phát hiện nhiều di vật cổ trong hang gần Thành nhà Hồ - 11
Những hiện vật được tìm thấy trong hang với những họa tiết, hoa văn rất tinh xảo
 
Phát hiện nhiều di vật cổ trong hang gần Thành nhà Hồ - 12
 
Phát hiện nhiều di vật cổ trong hang gần Thành nhà Hồ - 13
 
Phát hiện nhiều di vật cổ trong hang gần Thành nhà Hồ - 14
Những mảnh vỡ của chiếc bát đã được ghép lại
 
Phát hiện nhiều di vật cổ trong hang gần Thành nhà Hồ - 15
Nơi được nhận định là bếp của người xưa dùng để đun nấu
 
Phát hiện nhiều di vật cổ trong hang gần Thành nhà Hồ - 16
Những đoạn xương được phát hiện trong hang.
 
Duy Tuyên - Minh Lộc